Sáng ngày 4/9/2024, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người, đã diễn ra tọa đàm “Tri thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu của người Mông (H’mông) ở Lai Châu”. Đây là hoạt động khoa học thuộc khuôn khổ đề tài cơ sở năm 2024 “Tri thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu của người Mông (H'Mông) ở Lai Châu” do TS. Lê Thị Đan Dung làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì.
Chủ trì, điều hành tọa đàm là PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người. Tham dự tọa đàm có diễn giả khách mời TS. Phạm Thị Trầm - Trưởng phòng Địa lý Kinh tế và Chính trị, Viện Địa lý nhân văn; TS. Nguyễn Thị Đan Dung - Chủ nhiệm đề tài, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chủ trì tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã được nghe 03 báo cáo trình bày:
Tham luận thứ nhất Ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam do TS. Phạm Thị Trầm - Trưởng phòng Địa lý Kinh tế và Chính trị, Viện Địa lý nhân văn trình bày. Báo cáo tập trung vào tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến trồng trọt (đất bị nhiễm mặn làm thu hẹp diện tích canh tác, nhiệt độ tăng cao gây ra dịch bệnh, làm thay đổi hệ sinh thái cây trồng, làm giảm sản lượng và năng suất cây trồng…) và chăn nuôi (giảm số lượng đàn gia súc, ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn chăn nuôi, giảm nguồn lợi thủy sản...). Từ đó, diễn giả trình bày các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam bao gồm: nghiên cứu sử dụng giống phù hợp với sinh thái; thực hiện giảm lượng phân bón hóa học, giảm phát nhà kính, giảm nước tưới…; chuyển sang trồng các loại cây cần ít nước/ít diện tích đất; phổ biến mô hình trồng lúa đan xen nuôi tôm, xen canh và thâm canh để giảm thiểu phát thải khí nhà kính; đa dạng hóa sinh kế, hình thành tổ hợp sản xuất mới; tập huấn kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân... Đặc biệt, TS. Phạm Thị Trầm chú trọng đến các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư nguồn lực duy trì và phát triển công nghệ cao; xây dựng cơ sở vật chất, chính sách đặc thù phù hợp với từng địa phương...
Tham luận thứ hai do TS. Lê Thị Đan Dung - Chủ nhiệm đề tài trình bày có tiêu đề Một số kết quả nghiên cứu về tri thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu của người Mông (H'mông) ở Lai Châu. Báo cáo tập trung làm rõ khái niệm tri thức bản địa và một số vấn đề về tri thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu của người Mông ở Lai Châu.
TS. Lê Thị Đan Dung - Chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận
Theo TS. Lê Thị Đan Dung, tri thức bản địa là bối cảnh của một vùng, hệ thống kiến thức, kinh nghiệm, ứng xử, tập tính mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn và luôn luôn thay đổi để thích nghi với môi trường, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Tri thức bản địa của người Mông (H’Mông) ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thể hiện trong việc đúc rút kinh nghiệm từ quá trình quan sát các hiện tượng tự nhiên như xem hoa đào nở để biết nước sẽ, để xác định mùa vụ, tiến hành gieo trồng; quan sát hành vi của động vật (trâu phi nhanh về nhà là dự báo mưa lũ lớn sắp xảy ra)… Tri thức bản địa còn thể hiện ở việc tạo ra các giống cây trồng địa phương như: lúa đã được thuần hóa, bộ giống cây trồng địa phương, mô hình trồng xen canh - luân canh, tăng hệ số sử dụng đất, tránh tác động do khô hạn, dùng phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi, dùng thuốc nam trong chăn nuôi, dùng luật tục để quản lý nguồn nước và giữ nước, cấm chăn thả gia súc ở đầu nguồn, nghi lễ bảo vệ rừng, chống xói mòn... Diễn giả cũng chỉ ra rằng, hiện nay, tác động của kinh tế thị trường và sự du nhập các phương thức sản xuất mới đã và đang làm mai một tri thức bản địa. Bản thân người dân cũng cho rằng tri thức bản địa của người Mông (H'Mông) là lạc hậu, họ đang đưa một số loại giống cây trồng mới vào để canh tác (cây lê) nhưng nhiều cây đã bị chết do thiếu nước và không thể thích nghi với chất đất địa phương như cây vải. Ngoài ra, việc tham vấn chính sách cho người dân chưa thực sự hiệu quả. Từ đó, tác giả đề xuất các biện pháp nhằm kết hợp hài hòa tri thức bản địa (mang tính đặc trưng của từng vùng) với các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Tham luận thứ ba là Quan điểm của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu do ThS. Đinh Thị Oanh trình bày. Tham luận khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó tới phát triển kinh tế - xã hội, cố gắng tìm ra các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được hình thành và phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, được thể hiện qua văn kiện Đại hội Đảng, các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) đã bắt đầu đề cập đến biến đổi khí hậu trong nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2000. Trải qua nhiều kỳ đại hội, các văn kiện đại hội của Đảng đều có nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cho đến Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng xác định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn xây dựng và thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững. Bên cạnh việc tham gia các công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Việt Nam còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác song phương và hợp tác quốc tế trong khu vực về bảo vệ môi trường, như hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Hoa Kỳ… Đồng thời, Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực trong ASEAN về bảo vệ môi trường.
Ngược lại với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch, phản động lại thường xuyên công kích, xuyên tạc, phủ nhận các quan điểm, đường lối, chính sách trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các thế lực này cho rằng: đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII vừa nhanh vừa bền vững là phi thực tế, chủ quan, duy ý chí. Họ phủ nhận sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Diễn giả cũng đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ để khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường trong thời gian qua là rất rõ ràng, đúng đắn và Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm và góp ý tích cực của các nhà khoa học nhằm làm rõ hơn một số nội dung của đề tài về tri thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu của người Mông (H'Mông) ở Lai Châu như: chủ nhiệm cần cung cấp thêm bức tranh tổng quan về người Mông ở Lai Châu; phân tích sâu hơn về vai trò của tri thức bản địa và các biện pháp kết hợp tri thức bản địa để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế địa phương nói chung; làm rõ những đặc thù trong tri thức bản địa của người Mông ở địa phương với các dân tộc khác và người Mông ở các nơi khác; làm rõ hơn những giá trị của tri thức bản địa trong bối cảnh hiện nay...
Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn sự tham gia của diễn giả khách mời, các nhà khoa học trong và ngoài Viện. PGS cho biết, những ý kiến góp ý của các đại biểu rất lý thú, bổ ích và sẽ giúp cho chủ nhiệm có thể hoàn thiện đề tài của mình một cách tốt nhất. Viện trưởng hy vọng Viện Nghiên cứu Con người sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, cộng tác của các nhà khoa học trong các hoạt động tiếp theo.
Quang cảnh tọa đàm
Oanh Đinh