Sáng ngày 31/7/2024, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người, đề tài cấp Cơ sở Thực hiện quyền quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Lào Cai do TS. Phan Thanh Thanh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề Quản lý rừng cộng đồng từ cách tiếp cận dựa trên quyền.
Tham dự tọa đàm có diễn giả khách mời TS. Triệu Thái Hưng - Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Chủ trì PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người và TS. Phạm Thị Tính - Trưởng phòng Quyền con người và An ninh con người cùng toàn thể các viên chức và người lao động của Viện.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã được nghe 03 tham luận:
Bài tham luận đầu tiên do TS. Triệu Thái Hưng trình bày có tiêu đề Giao rừng và quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp. Tham luận tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Phân tích khung pháp lý và thực tiễn về quản lý rừng cộng đồng; (2) Đánh giá thực trạng tài nguyên rừng, giao rừng và quản lý rừng cộng đồng: những bất cập trong quá trình xác lập quyền sử dụng rừng của cộng đồng; hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cộng đồng dân cư; vấn đề huy động sự tham gia và trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng; hiệu quả điều hành quản lý bảo vệ rừng… (3) Nghiên cứu trường hợp quản lý rừng cộng đồng ở tỉnh Quảng Nam, từ đó khẳng định: sinh kế là điểm chủ chốt trong mối tương tác giữa con người và tài nguyên rừng; mức độ phối hợp giữa chính quyền, cộng đồng và các bên liên quan chưa chặt chẽ; cách tổ chức mô hình chưa thống nhất và chưa liên tục, còn nặng về hình thức thành lập; (4) Một số giải pháp về cơ chế, chính sách, các biện pháp quản lý, phát triển rừng cũng được diễn giả khuyến nghị.
Diễn giả TS. Triệu Thái Hưng trình bày tham luận
Tham luận thứ hai Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý rừng dựa vào cộng đồng: Trường hợp ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai do TS. Phan Thanh Thanh trình bày tập trung vào 2 nội dung chính: (1) Các quyền liên quan đến quản lý rừng dựa vào cộng đồng bao gồm: quyền sử dụng và khai thác tài nguyên rừng, quyền bảo vệ phát triển rừng; (2) Thực trạng thực hiện quyền quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Lào Cai. Trên cơ sở khung tiếp cận dựa trên quyền, tác giả đánh giá tính công bằng trong quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Sa Pa được thể hiện ở chỗ: người có quyền lợi gắn liền với rừng tích cực hơn trong việc bảo vệ rừng và có sự công bằng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng đất rừng còn nhiều vấn đề, nhiều vi phạm. Trách nhiệm giải trình của quản lý cấp cao không cập nhật thực tế, dẫn đến việc chậm chi trả quản lý rừng; cháy rừng vẫn diễn ra, nhưng chính quyền chưa tích cực can thiệp. Việc giao khoán bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng bao gồm đơn giá, diện tích giao khoán, kinh phí đều được thực hiện hàng năm, có thông báo cho chính quyền địa phương và toàn thể người dân. Ngoài ra, sự công bằng và không phân biệt đối xử còn thể hiện ở chỗ các đối tượng tham gia dịch vụ môi trường rừng đều là người dân tộc thiểu số (Mông, Tày, Dao…), hộ nghèo và thuộc nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi…). Bên cạnh đó, địa phương có tổ chức các chương trình hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển sinh kế của người dân nhằm giảm áp lực vào rừng…
Tham luận thứ ba Bảo vệ nền tảng, quan điểm của Đảng liên quan đến người dân tộc thiểu số và quản lý rừng do TS. Phan Thanh Thanh trình bày. Tác giả tập trung phân tích bối cảnh của vấn đề dân tộc thiểu số tại Việt Nam; các quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến người dân tộc thiểu số và quản lý rừng. Nhằm đảm bảo các quyền con người của người dân tộc thiểu số trong vấn đề quản lý đất đai và quản lý rừng, Đảng và Nhà nước đang áp dụng các nguyên tắc quyền con người bao gồm: nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc tham gia và trao quyền. Theo đó, nguyên tắc bình đẳng thể hiện ở chỗ: không phân biệt đối xử được xuất phát từ trình độ phát triển về kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc, xem đó là một nguyên tắc cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong chính sách dân tộc. Nguyên tắc tham gia và trao quyền đã được đưa vào chủ trương phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội đầy đủ, toàn diện đối với vùng dân tộc thiểu số như: các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; các chính sách trợ giúp xã hội; chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin)… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phiên thảo luận của tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến góp ý từ các nhà khoa học như: trước tiên chủ nhiệm cần giới thiệu mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể để người tham dự hiểu rõ hơn về đề tài, giúp đưa ra những góp ý thiết thực cho đề tài; cần làm rõ hơn chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số nói chung và Lào Cai nói riêng, trong đó, có vấn đề cơ chế chính sách giao và quản lý rừng đối với vùng biên giới; cần chú ý hơn đến việc làm rõ cách tiếp cận theo quyền; phân tích thêm số liệu ở Lào Cai để so sánh với các vùng khác trong cả nước; phân tích kỹ hơn kết quả nghiên cứu thực địa để làm nổi bật các phát hiện mới của đề tài, nhất là cần bám theo các tiêu chí quản lý rừng dựa vào cộng đồng; chú trọng vào các đặc điểm văn hóa, phong tục của mỗi dân tộc trong quản lý rừng nhằm tìm ra những điểm khác biệt trong cách quản lý và bảo vệ rừng của từng dân tộc trên địa bàn nghiên cứu…
Kết thúc buổi tọa đàm, chủ nhiệm đề tài Phan Thanh Thanh trân trọng cảm ơn và xin tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chú ý thu thập thêm tài liệu để hoàn thiện đề tài. TS. Phạm Thị Tính - Chủ trì tọa đàm cảm ơn TS. Triệu Thái Hưng cùng các nhà khoa học đã đến tham dự và đóng góp tích cực cho toạ đàm.
Toàn cảnh tọa đàm
Phan Thanh Thanh