Trong các ngày 01/11/2024; 07/11 và 8/11/2024, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức nghiệm thu các đề tài cấp Bộ thực hiện trong giai đoạn 2023-2024. Có 4/4 đề tài đã được hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá thông qua. Các chủ nhiệm đề tài tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện để nghiệm thu ở cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tham dự buổi nghiệm thu đánh giá đề tài, về phía tổ chức chủ trì có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cùng toàn thể các viên chức nghiên cứu của Viện.
Để nâng cao chất lượng và có sự đánh giá khách quan, công tâm cho kết quả nghiên cứu của đề tài sau hai năm thực hiện, mỗi hội đồng nghiệm thu đều được Viện Nghiên cứu Con người mời 3 nhà khoa học là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học ngoài Viện như: Hội Xã hội học Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Xã hội học, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Quyền con người, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y dược, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Hòa Bình, Đại học Thủ Dầu Một.
Trong giai đoạn 2023-2024, Viện NCCN có 4 đề tài khoa học cấp Bộ là: Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng: thực trạng và giải pháp do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chủ nhiệm; Đảm bảo quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội do TS. Phạm Thị Tính chủ nhiệm, Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc nước ta hiện nay do ThS. NCVC. Nguyễn Thị Nga chủ nhiệm, Giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam: thực trạng và giải pháp do TS.Nguyễn Thị Hoa Mai chủ nhiệm.
Nội dung nghiên cứu của các đề tài đều gắn với hướng nghiên cứu của phòng chuyên môn và của Viện. Các hoạt động đề tài như hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực địa… đều được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Các đề tài đã thực hiện tọa đàm, hội thảo và mời các chuyên gia chia sẻ các vấn đề xoay quanh nội dung nghiên cứu của đề tài, các vấn đề nghiên cứu lý luận và thực tiễn liên quan trực tiếp tới các nội dung nghiên cứu của đề tài. Từ đó, ngoài việc thúc đẩy sự nghiêm túc ngay từ những bước đầu tiên khi triển khai đề tài, các hội thảo, tọa đàm còn là diễn đàn để chủ nhiệm đề tài có điều kiện thu thập những góp ý quý báu của các nhà khoa học cho các bước tiếp theo của đề tài, làm cơ sở để xây dựng các luận cứ khoa học và thực hiện các nội dung chuyên môn, khảo sát thực địa đáp ứng các mục tiêu của đề tài.
Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài "Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng: thực trạng và giải pháp" do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chủ nhiệm
Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài "Đảm bảo quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội" do TS.Phạm Thị Tính chủ nhiệm
Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài "Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc nước ta hiện nay" do ThS.NCVC. Nguyễn Thị Nga chủ nhiệm
Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài "Giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam: thực trạng và giải pháp" do TS.Nguyễn Thị Hoa Mai chủ nhiệm
Các hoạt động của đề tài đều được tổ chức với sự chuẩn bị tốt của chủ nhiệm đề tài và các thành viên, sự công phu nghiêm túc, đúng chủ đề. Các đề tài cấp Bộ đều có công bố sản phẩm khoa học đáp ứng, vượt chỉ tiêu so với đăng kí trong hợp đồng. Hội đồng đánh giá rất cao các công bố khoa học của đề tài. Các công bố này mang tính học thuật và nằm trong danh mục tạp chí được tính điểm do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2024. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá thẳng thắn, khách quan.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất yêu cầu các đề tài sau khi chỉnh sửa theo các góp ý, giải trình chỉnh sửa sẽ làm thủ tục để nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam theo quy định.
Huệ Nguyễn - Bùi Phương