Ngày 29/7/2024, đề tài cấp Bộ Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc nước ta hiện nay do ThS. NCVC. Nguyễn Thị Nga làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì, đã tổ chức hội khảo khoa học Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc nước ta hiện nay: Thành tựu và thách thức tại Hội trường trụ sở số 9, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng; cùng toàn thể các viên chức, người lao động của Viện. Các diễn giả trình bày tham luận có GS. TS. Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; ThS. CVCC. Nguyễn Xuân Lập - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; TS.Nguyễn Thanh Thủy - Viện Xã hội học. Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ các đơn vị nghiên cứu khác cùng tham dự.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe 05 tham luận trình bày:
Tham luận thứ nhất Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Một số vấn đề cần quan tâm của GS. TS. Nguyễn Hữu Minh tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Tình hình già hóa dân số ở Việt Nam; (2) Biến đổi nhân khẩu gắn với già hóa dân số; (3) Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay; (4) Một số vấn đề cần quan tâm khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tham luận chỉ ra 4 chủ thể chăm sóc người cao tuổi bao gồm: gia đình, Nhà nước, Hội Người cao tuổi và một số tổ chức cộng đồng, tổ chức dịch vụ tư nhân. Trong đó, diễn giả nhấn mạnh đến vai trò của chủ gia đình và Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta hiện nay.
GS.TS.Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam
trình bày tham luận
Tham luận Chính sách, pháp luật, mạng lưới, dịch vụ chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi do ThS. CVCC. Nguyễn Xuân Lập trình bày đã nêu ra vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam từ góc nhìn của một nhà hoạt động thực tiễn. Diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích như: điểm mới về trợ cấp hưu trí xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025); gợi ý cho đề tài một số khuyến nghị đối với việc tiếp cận dịch vụ về trợ cấp hưu trí xã hội ở nước ta hiện nay (chú ý đến yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam về nghĩa vụ chăm sóc của con cái đối với bố mẹ cao tuổi; vị trí việc làm của điều dưỡng viên, chăm sóc viên; tích hợp chính sách vào kinh tế và dịch vụ cho người cao tuổi; chú ý đến Chỉ thị 59-CT/T.Ư ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi, Chỉ thị 117-TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT Việt Nam…).
ThS. CVCC. Nguyễn Xuân Lập trình bày tham luận
"Chính sách, pháp luật, mạng lưới, dịch vụ chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi"
Tham luận thứ ba Sự tham gia của các chủ thể trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay do TS. Nguyễn Thanh Thủy trình bày. Diễn giả phân tích vai trò của các chủ thể chính tham gia vào lĩnh vực về trợ cấp hưu trí xã hội là gia đình, cộng đồng, khu vực tư nhân và Nhà nước. Bên cạnh đó, tham luận tập trung bàn luận về một số vấn đề như: sự thay đổi vai trò của thiết chế gia đình trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (không còn đóng vai trò đảm nhiệm chính); hạn chế về đối tượng thụ hưởng trong các hoạt động của các tổ chức cộng đồng; sự bị động và lệ thuộc vào hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước. TS. Nguyễn Thanh Thủy khẳng định mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm dưỡng lão tư nhân là mô hình tương lai cho người Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số.
TS. Nguyễn Thanh Thủy - Viện Xã hội học trình bày tham luận
TS. Nguyễn Đình Tuấn - đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày tham luận Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở nông thôn tỉnh Thái Bình và tỉnh Lào Cai: Một vài kết quả ban đầu. Theo đó, các hướng tiếp cận của đề tài gồm: tiếp cận Dân số học, Xã hội học, Quyền con người, trong đó, tập trung triển khai theo hướng nghiên cứu về Quyền con người. Phương pháp nghiên cứu mà đề tài sử dụng là phân tài liệu sẵn có, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và bảng hỏi. Từ kết quả nghiên cứu thực địa, diễn giả nhấn mạnh: quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng; người cao tuổi nói chung và người cao tuổi ở nông thôn nói riêng đang phải đối mặt với nhiều bệnh hơn, vì vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi cũng có xu hướng tăng; hiện nay, chi phí cho khám, chữa bệnh của người cao tuổi cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Ngoài ra, kết quả điều tra cho thấy: trong cơ cấu chi tiêu của hộ, tỉ lệ chi ở những người cao tuổi tỉnh Thái Bình cao hơn so với tỉnh Lào Cai; người cao tuổi thường lựa chọn nơi khám, chữa bệnh có thể sử dụng thẻ BHYT; có sự khác nhau giữa hai địa phương về nơi lựa chọn khám, chữa bệnh; người cao tuổi ở Lào Cai đánh giá mức độ gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao hơn ở Thái Bình; chưa đến 1/4 số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ trong năm; tỉ lệ người cao tuổi ở Thái Bình được khám sức khỏe định kì cao hơn ở Lào Cai…
TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện trưởng Viện Gia đình và Giới,
đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận
Tham luận Người cao tuổi và an sinh xã hội ở Việt Nam: chính sách và thực tiễn do ThS. NCVC. Nguyễn Thị Nga trình bày tập trung vào chính sách và thực tiễn an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay. An sinh xã hội cho người cao tuổi được thực hiện qua hệ thống các chính sách của Nhà nước, trong các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định như: Luật Người cao tuổi, Bộ luật Lao động năm 2019 (số 45/2019/QH14), Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 (số 21/LCT/HĐNN8), Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (số 52/2014/QH13)... Các chính sách quy định rõ hình thức hỗ trợ cho người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo và đặc biệt là người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, thực tiễn an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: chính sách an sinh xã hội chưa bảo đảm điều kiện tối thiểu cho cuộc sống tuổi già, trong khi phần nhiều người cao tuổi ở nước ta chưa chuẩn bị điều kiện cần thiết cho bản thân khi về già; người cao tuổi đang đứng trước áp lực cả về vật chất và tinh thần; trong xã hội, còn một bộ phận có biểu hiện coi người cao tuổi là gánh nặng cho gia đình và xã hội...
Phiên thảo luận của hội thảo diễn ra sôi nổi theo hướng góp ý để hoàn thiện đề tài. Các ý kiến của đại biểu xoay quanh một số nội dung sau: (1) Vấn đề về bệnh tật của người cao tuổi mới chỉ cung cấp bức tranh chung, đề tài cần khai thác thêm thông tin từ phỏng vấn sâu để phân tích các nguyên nhân đặc trưng tại địa bàn nghiên cứu; sự khác biệt về giới, giữa dân tộc thiểu số và không dân tộc thiểu số, từ đó chỉ ra vai trò của yếu tố văn hóa (phong tục tập quán) đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. (2) Đánh giá thêm về hiệu quả của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. (3) Từ các chỉ thị, chính sách hiện nay, đề tài có thể phân tích thêm quan niệm coi người cao tuổi là tài nguyên cần phát huy trong bối cảnh già hóa dân số. (4) Vấn đề định hướng giá trị gia đình trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Sau phần thảo luận, TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, đại diện cho nhóm nghiên cứu đề tài xin tiếp thu ý kiến, thu thập thêm tài liệu để hoàn thiện báo cáo tổng hợp của đề tài.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Kết thúc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người bày tỏ sự cảm ơn tới các diễn giả, các nhà khoa học đã đến tham dự hội thảo và chia sẻ nhiều vấn đề thú vị trong nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. PGS cho biết Viện Nghiên cứu Con người và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã, đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi nói riêng và cho sự phát triển bền vững của xã hội nói chung, làm căn cứ đề xuất các kiến nghị liên quan đến các vấn đề về phát triển con người trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Viện cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, trao đổi của các diễn giả và các nhà nghiên cứu trong các hoạt động khoa học tiếp theo và hy vọng các trao đổi, góp ý tại hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện tốt các báo cáo của đề tài.
Nguyễn Thắm