Hội thảo khoa học: Xu hướng việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh mới: Thực trạng và thách thức ở Việt Nam

20/07/2024

      Chiều ngày 18 tháng 7 năm 2024, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người, đề tài cấp Bộ “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội” do TS. Phạm Thị Tính làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Xu hướng việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh mới: Thực trạng và thách thức ở Việt Nam.

      Tham dự hội thảo Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Việc làm, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; Ông Phạm Quang Khoát - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; Bà Lương Thị Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Hoàng Yến - Văn phòng Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội; ThS. Đào Thu Hương - cán bộ Chương trình hòa nhập Người khuyết tật, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam; TS. Trần Thị Hải Yến, Học viện Hành chính Quốc gia, TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cùng đông đảo các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Con người, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và nhóm đề tài.

      PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu tham dự, nhấn mạnh hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các nhà hoạt động của và vì người khuyết tật trao đổi, thảo luận về thực trạng việc làm, khó khăn, thách thức và xu hướng việc làm của người khuyết tật trong bối cảnh mới, đề xuất các giải pháp hướng tới thúc đẩy việc làm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

       TS.Phạm Thị Tính - chủ nhiệm đề tài bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm và dành thời gian tham dự hội thảo của tất cả các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động của và vì người khuyết tật. TS.Phạm Thị Tính nhấn mạnh: hướng tới và nỗ lực cho một xã hội không rào cản với người khuyết tật là mục tiêu cao cả, cũng là sự nhất quán xuyên suốt của Đảng ta những năm qua. Mục tiêu này đã trở thành giá trị cốt lõi trong quản trị xã hội, quản lí nhà nước dựa trên nền tảng về phát triển lấy con người làm trung tâm - tôn trọng phẩm giá và các quyền con người của người khuyết tật. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt đậm tính nhân văn của Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của đông đảo người dân cả trong và ngoài nước, các tổ chức và cộng đồng quốc tế,… quyền của người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều NKT tự tin hòa nhập xã hội. Nhiều NKT đã nỗ lực vươn lên, họ không chỉ tự phát triển bản thân mà còn có những đóng góp, giúp nhiều người cùng cảnh ngộ tạo ra các giá trị tích cực cho xã hội. Tuy vậy, NKT vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống đặc biệt là tìm kiếm việc làm.

      Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe 04 tham luận trình bày. Tham luận thứ nhất có tựa đề “Thực trạng việc làm đối với người khuyết tậtdo Ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch, Trưởng ban Việc làm Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội trình bày. Diễn giả cho biết, Việt Nam đang có khoảng 6,7 triệu NKT, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội có 116,1 nghìn người khuyết tật. Khoảng 30% trong số đó đang ở độ tuổi thanh niên, đây là đối tượng có nhu cầu việc làm để ổn định cuộc sống và hoà nhập vào thị trường lao động. Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hiện có 16.700 NKT là hội viên. Bài tham luận đưa ra cơ sở pháp lý về/liên quan đến việc làm của NKT, những khó khăn của NKT khi tìm việc và trụ việc, chia sẻ kinh nghiệm của Hội NKT thành phố Hà Nội trong việc giải quyết việc làm cho NKT.

      Tham luận thứ hai “Việc làm của người khuyết tật ở Việt Nam: Pháp luật và thực tiễn” do ThS. Đào Thu Hương - cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam trình bày. Diễn giả đưa ra góc nhìn tổng quan về NKT ở Việt Nam, khung pháp lý về/ liên quan đến việc làm cho người khuyết tật, chỉ ra khoảng trống pháp lý; đồng thời chỉ ra các dữ liệu tổng quan về thực trạng việc làm của người khuyết tật, các số liệu so sánh tỷ lệ có việc làm giữa NKT - các mức độ tật với lao động không khuyết tật. Diễn giả nhấn mạnh, sự phân biệt đối xử và sự tồn tại các rào cản là thách thức mà NKT phải đối mặt trên thị trường lao động, thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo, thiếu tiếp cận thông tin là rào cản để NKT nâng cao trình độ và tìm việc làm. Bên cạnh đó, NKT còn gặp khó khăn trong tiếp cận các tòa nhà và phương tiện giao thông, tiếp cận nguồn vốn và chương trình tài chính vi mô. Diễn giả chia sẻ một số công việc mà UNDP đang thực hiện để thúc đẩy quyền tham gia của NKT, đề xuất các khuyến nghị và biện pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho NKT hòa nhập xã hội.

      Chia sẻ về vấn đề Tuyển dụng người khuyết tật - xu hướng phát triển việc làm bền vững là tham luận của TS. Trần Thị Hải Yến đến từ Học Viện Hành chính Quốc gia. Diễn giả cho rằng, NKT vẫn gặp phải “những rủi ro” khi tham gia tuyển dụng như các định kiến xã hội liên quan đến NKT. Tác giả gợi mở một số giải pháp như cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lực và giá trị của NKT; các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp tích cực thúc đẩy, hỗ trợ việc làm bền vững cho NKT; các đơn vị tuyển dụng cần có sự đánh giá khách quan, công bằng khi tuyển dụng NKT và NKT cần chủ động, tích cực tham gia vào thị trường lao động.

      Cuối cùng, ThS. Nguyễn Thị Huệ - thư ký đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tham luận: Thực trạng việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội – một số kết quả nghiên cứu từ khảo sát định lượng.

 

Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi,

trình bày tham luận tại Hội thảo

 

      Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, NKT hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm, những rào cản này đến từ cả phía gia đình, chủ sử dụng lao động và xã hội và cả bản thân NKT. Rào cản khiến NKT khó tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề - học vấn thấp là một rào cản lớn trên con đường tìm việc làm. Báo cáo điều tra quốc gia về NKT đã chỉ ra NKT gặp rào cản ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như: tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, tiếp cận giao thông và cơ sở hạ tầng nơi làm việc, hay những chi phí mà NKT phải bỏ ra để đến được cơ sở làm việc,… khiến NKT khó duy trì việc làm bền vững. Khi thực hiện đào tạo nghề cho NKT, việc đánh giá nhu cầu và khả năng của từng người khuyết tật là vô cùng cần thiết để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật. Bên cạnh đó, môi trường đào tạo cần được thiết kế linh hoạt, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng của NKT, bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập. Sự hỗ trợ về mặt tâm lý và sự chia sẻ của xã hội trong bảo đảm quyền tiếp cận của NKT cũng đóng vai trò quan trọng, giúp NKT vượt qua rào cản, tự tin hòa nhập và phát huy hết tiềm năng của mình. Việc liên kết với các doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm sau đào tạo là yếu tố then chốt, đảm bảo NKT có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tế, tự chủ về kinh tế và hòa nhập cộng đồng.

       Hội thảo cũng nhận được một số ý kiến chia sẻ làm sâu sắc hơn về các khía cạnh liên quan đến việc làm, xu hướng việc làm cho NKT trong bối cảnh chuyển đổi số. TS. Phạm Thị Tính - chủ nhiệm đề tài trân trọng cảm ơn những ý kiến chia sẻ, góp ý của các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và khẳng định các ý kiến có giá trị quan trọng để đề tài hoàn thiện báo kết quả nghiên cứu của đề tài. Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết, việc làm đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển con người toàn diện cho NKT, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Khi có việc làm phù hợp, NKT không chỉ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống vật chất mà còn có cơ hội phát triển kỹ năng và khẳng định giá trị bản thân. Có việc làm giúp họ tự tin trong hòa nhập xã hội, tăng cường giao tiếp, mở rộng mối quan hệ và giảm thiểu sự phụ thuộc vào gia đình. Qua đó, NKT sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng. Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và đầu tư vào việc làm cho NKT không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội. Điều này được ghi nhận trong Chiến lược quốc gia về trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm một xã hội công bằng, nhân văn và không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Phạm Thị Tính - Nguyễn Thị Huệ

 

 

The older news.............................