Tọa đàm khoa học: Tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng ở nông thôn nước ta: một số vấn đề lý luận và thực tiễn

01/09/2023

 

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người năm 2023, trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở “Vốn tín dụng trong hoạt động sinh kế của người Sán Dìu vùng ven đô thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc” do TS. Nguyễn Thị Hoa Mai làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là tổ chức chủ trì, ngày 22/8/2023, tại Hội trường trụ sở 9A Kim Mã Thượng, Viện Nghiên cứu Con người (sau đây gọi là Viện) đã tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề Tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng ở nông thôn nước ta: một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Tham dự Toạ đàm phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng-chủ trì Toạ đàm cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu và cán bộ khác có quan tâm. Toạ đàm còn có sự tham dự của chuyên gia khách mời là Bà Hoàng Thị Hạnh- Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người Nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê giới thiệu với chuyên gia khách mời lần đầu tiên tới làm việc tại Viện một số nét khái quát về cơ cấu tổ chức và các chủ đề nghiên cứu chính mà Viện đang theo đuổi. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn bà Hoàng Thị Hạnh đã tới tham dự và sẽ trình bày tham luận tại Toạ đàm. Đối với đề tài “Tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng ở nông thôn nước ta: một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Viện trưởng đánh giá cao việc bà Hạnh chuyên gia trong lĩnh vực tín dụng chính sách, đặc biệt diễn giả lại công tác tại Ban Tín dụng người nghèo-phụ trách nhóm đối tượng nghiên cứu của đề tài, do đó, báo cáo tham luận là rất quý và có ý nghĩa đối với đề tài này.

Đầu tiên, Toạ đàm lắng nghe tham luận “Vốn tín dụng trong hoạt động sinh kế của người Sán Dìu vùng ven đô Thành phố Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc” do ThS. Nguyễn Thanh Huyền-thư ký khoa học, đại diện cho nhóm nghiên cứu của đề tài trình bày. Tham luận đưa ra một số thông tin chung về đề tài, bao gồm: một số khái niệm, cách tiếp cận, đối tượng và địa bàn nghiên cứu. Sau đó, ThS. Huyền đã trình bày một số kết quả khảo sát sơ bộ tại cộng đồng người Sán Dìu tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo kết quả ban đầu, người Sán Dìu tại địa bàn nghiên cứu có thể tiếp cận được với khá nhiều nguồn vốn tín dụng, từ chính thức (Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng thương mại, Quỹ tình thương,..) đến phi chính thức (hội/họ, vay họ hàng/người thân,..). Nguồn vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội là phổ biến và dễ tiếp cận nhất đối với người dân nơi đây. Tính đến tháng 31/12/2022, NHCSXH đã cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất và giải quyết việc làm cho các đối tượng thụ hưởng tại xã Ngọc Thanh như sau: Tổng số hộ được vay vốn là: 1.003 hộ; Tổng số vốn được vay trên địa bàn là: 34.808.440.000 đồng. Tuy nhiên, do số tiền vay không được nhiều (ở cả nguồn chính thức và phi chính thức) nên dù có những tác động rất tích cực đối với việc cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập nhưng chưa tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế hay chuyển đổi việc làm, mở rộng quy mô, chuyển đổi công nghệ/kỹ thuật/phương thức canh tác.

Tham luận thứ hai của bà Hoàng Thị Hạnh, Ban Tín dụng người nghèo, ngân hàng Chính sách xã hội với chủ đề “Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số” đã đưa ra bức tranh khái quát về tình hình triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, đối tượng chính sách khác… tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Đặc trưng của nguồn vốn này là không vì mục tiêu lợi nhuận; đối tượng vay vốn theo chỉ định của Chính phủ hoặc chủ đầu tư vốn ủy thác; nguồn vốn từ ngân sách/có nguồn gốc từ NSNN và các nguồn vốn của chủ đầu tư hợp pháp khác; đối tượng vay vốn  được ưu đãi về lãi suất, điều kiện, thời hạn, thủ tục cho vay, cách thức phục vụ và cách tiếp cận vốn vay. Về kết quả thực hiện hiện tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội, bà Hạnh cho biết: Đến nay, đồng bào DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, Doanh số cho vay trong 20 năm: 223.580 tỷ đồng; doanh số thu nợ: 149.308 tỷ đồng; Dư nợ: 76.152 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ tại NHCSXH, bình quân 51 triệu đồng/hộ. Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH có nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhất là sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thì nhận thưc của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến, họ đã có ý thức “có vay có trả”, sử dụng vốn có hiệu quả,… Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn khi trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế, các điều kiện sản xuất chưa thuận lợi nên hiệu quả sử dụng vốn thấp; một số nơi chưa làm tốt các hoạt động hỗ trợ (chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm…) để sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn.

 

Bà Hoàng Thị Hạnh, Ban Tín dụng người nghèo, ngân hàng Chính sách xã hội trình bày tham luận

 

Về các quan điểm của Đảng về tín dụng cho đồng bào DTTS: nhóm nghiên cứu cho biết từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện qua việc ban hành nhiều chủ trương, chương trình, chính sách dành riêng cho nhóm đối tượng này. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần có thể coi là chương trình tổng thể nhất, kim chỉ nam cho các hoạt động hỗ trợ đồng bào DTTS.

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi và cởi mở. Ngoài việc đặt câu hỏi để làm rõ các vấn đề các diễn giả đã trình bày, các đại biểu còn chia sẻ những hiểu biết và thông tin của mình để cùng nhau trao đổi tạo Toạ đàm.

Tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các tham luận trình bày tại Toạ đàm cũng như những ý kiến đóng góp, thảo luận quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự và đóng góp ý kiến tại Toạ đàm và hi vọng các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người trong thời gian tới. Nhóm đề tài cũng bầy tỏ sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo của đề tài, đảm bảo thực hiện đề tài nghiêm túc và đúng hạn.

Huyền Nguyễn

 

 

 

The older news.............................