Tọa đàm khoa học: “Bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người tại Việt Nam”

06/09/2023

Ngày 05 tháng 9 năm 2023, trong khuôn khổ hệ đề tài cấp cơ sở năm 2023 của Viện Nghiên cứu Con người, tọa đàm khoa học “Bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người tại Việt Nam” đã được tổ chức tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người. Đây là sinh hoạt chuyên môn của đề tài khoa học cấp cơ sở Bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người từ góc độ luật pháp và việc thực thi: một số bài học kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai, do TS. Phan Thanh Thanh làm chủ nhiệm.

Tham dự Tọa đàm có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người và an ninh con người, cùng toàn thể viên chức, người lao động của Viện. Khách mời của Tọa đàm là bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và ông Khổng Ngọc Oanh, Điều tra viên cao cấp, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an.

Trước tiên, TS. Phan Thanh Thanh, chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận “Bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người từ góc độ luật pháp và việc thực thi: một số bài học kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai”. Tham luận đã làm rõ khung phân tích của đề tài, phương pháp nghiên cứu, thu thập số liệu điều tra nhằm giúp cho những người tham dự tọa đàm hiểu rõ hơn về một số kết quả nghiên cứu của đề tài trình bày sau đó. Kết quả nghiên cứu của đề tài nêu thực trạng khung luật pháp của Việt Nam liên quan tới việc bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người (MBN), chỉ ra một số hạn chế của việc thực thi nó trong việc bảo vệ nạn nhân MBN. Khảo sát thực tế của đề tài tại tỉnh Lào Cai cho thấy rằng địa phương đã bố trí nguồn lực và năng lực trong công tác hỗ trợ nạn nhân MBN (hỗ trợ chỗ ở và không gian sinh hoạt; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề;…). Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại (như về việc xác định nạn nhân; về việc hỗ trợ pháp lý; về việc tiếp nhận những hỗ trợ cần thiết). Từ đó, đề tài đề xuất một số nội dung cần củng cố thêm nhằm hỗ trợ nạn nhân MBN hiệu quả hơn (cả trong Luật định và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trực tiếp tại Lào Cai).

Tiếp theo, ông Khổng Ngọc Oanh, Điều tra viên cao cấp, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an trình bày tham luận: Một số vấn đề trong xác định, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán”. Từ những kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân MBN trên cả nước, diễn giả đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách pháp luật và các khó khăn thực tế trong công tác hỗ trợ nạn nhân MBN như: trên thế giới nạn nhân dưới 18 tuổi được coi là nạn nhân là trẻ em còn ở Việt Nam thì xác định nạn nhân trẻ em khi dưới 16 tuổi, đây là bất cập khi chưa bảo đảm tốt hơn quyền của nạn nhân. Một số trường hợp luật pháp chưa đầy đủ để có thể xử lí tốt vấn đề và quy định mức độ phạm tội, ví dụ đối với thủ đoạn đưa phụ nữ ra nước ngoài sinh con, nếu không đưa được em bé về nước thì không thể bảo vệ được em bé mà cũng không xử lý được kẻ phạm tội; hoặc trường hợp nạn nhân bị mua bán là trẻ sơ sinh, trẻ em theo mẹ là nạn nhân từ nước ngoài trở về;.. Hoặc một số chế độ còn thiếu hay do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các hạn chế trong công tác điều tra, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân MBN như chưa có chế độ cho người phiên dịch cho các nạn nhân là người dân tộc thiểu số, người nước ngoài; Nạn nhân nam giới mặc cảm, tự ti, xấu hổ cho nên cần có nghiệp vụ chuyên môn cao mới có thể khai thác được thông tin; Nạn nhân bị trao trả không chính thức ngại tiếp xúc với cán bộ điều tra; Nhiều nạn nhân bị lừa gạt, dụ dỗ rất tinh vi nên lúc giải cứu họ cũng không biết mình đã trở thành nạn nhân, nhiều trường hợp một mực đòi về, cương quyết từ chối điều tra. Cán bộ nữ công tác trong lĩnh vực điều tra nạn nhân MBN rất ít do nhiều nguyên nhân về đặc thù giới cho nên việc điều tra nạn nhân là nữ giới còn bị hạn chế; Năng lực của một số cán bộ điều tra, cán bộ biên phòng còn hạn chế,... Ông Khổng Ngọc Oanh khuyến nghị, khi thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân MBN luôn phải lấy nạn nhân là trung tâm, ngoài am hiểu pháp luật, am hiểu tâm lí của các nạn nhân còn cần phối hợp tốt với các bên có liên quan, kể cả bên nước ngoài để nhanh chóng giải cứu và hỗ trợ; Không quy kết tội cho nạn nhân; Trong quá trình tố tụng cần xem xét và trao đổi với họ xem có hiểu vể quy trình tố tụng không; Phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông để đảm bảo quyền của nạn nhân, đặc biệt là quyền được bảo mật thông tin...

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận: “Bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán trở về từ thực tiễn hoạt động của ngôi nhà bình yên”. Bài trình bày đã cung cấp thông tin tổng quan về ngôi nhà bình yên (NNBY) hỗ trợ các đối tượng phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị bạo lực giới (bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục). Tại đây có 3 hợp phần gồm Phòng Tham vấn, Tổng đài 1900969680; Nhà tạm lánh. Các dịch vụ cung cấp gồm: Nơi ở an toàn 24/7; Chăm sóc sức khỏe; Hỗ trợ tâm lý; Hỗ trợ pháp lý; Kỹ năng sống/ Vui chơi, giải trí; Học tập và đào tạo nghề; Cơ hội việc làm/ Hỗ trợ gói hồi gia; Theo dõi hỗ trợ hồi gia (24 tháng). Với mục đích nhằm cung cấp sự hỗ trợ miễn phí, khẩn cấp, kịp thời, chuyên nghiệp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực giới, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, hỗ trợ pháp lý, kỹ năng sống, hỗ trợ hòa nhập an toàn và bền vững; góp phần thực hiện đồng bộ Hiến pháp, luật pháp, chính sách (bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống MBN, Luật trẻ em…), NNBY đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác hỗ trợ nạn nhân MBN, trong đó có một số trường hợp điển hình.

Phiên thảo luận của tọa đàm rất sôi nổi, các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc xin ý kiến hai chuyên gia khách mời tham dự tọa đàm về công tác hỗ trợ  trong thực tiễn công tác của họ để bảo vệ nạn nhân MBN như: tỉ lệ bắt được tội phạm MBN để xử lý; việc giải cứu nạn nhân xuyên quốc gia; các điểm khác nhau giữa việc xác định nạn nhân mua bán người ở quốc tế so với các khu vực khác và ở trong nước... Các ý kiến đều đã được các khách mời nhiệt huyết giải đáp và cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích.

Tổng kết Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người bày tỏ sự cảm ơn hai diễn giả đã giành thời gian đến chia sẻ vấn đề về MBN, hai bài tham luận đã cũng cấp thực tế rất sinh động về thực trạng MBN ở trong nước và cả ở nước ngoài. Ngoài ra, Viện trưởng cũng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài cần tham khảo các thông tin quý báu này, và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để cập nhật thêm số liệu, phân nhóm đối tượng cụ thể; nêu rõ hơn nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân căn bản của các hạn chế trong bảo vệ quyền của nạn nhân MBN, từ đó phân tích thực trạng tại địa bàn nghiên cứu để đề tài sẽ có được những kết quả mới, có ý nghĩa khoa học cao hơn.

 Nguyễn Thắm

 

 

 

The older news.............................