Nội hàm của quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bền vững (Lê Hồng Hạnh
02/10/2024
LÊ HỒNG HẠNH
Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển.
Từ khóa: quyền con người; quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Ngày nhận bài: 28/10/2022; ngày gửi phản biện: 29/10/2022; ngày duyệt đăng bài:
02/01/2023.
1. Đặt vấn đề
Quyền con người được các nhà triết học, các nhà chính trị học đặt ra từ nhiều thế kỉ trước khi bàn về tự do dân chủ, pháp quyền. Quyền con người phát triển qua nhiều giai đoạn với nội hàm phản ánh nhận thức và mức độ chấp nhận khái niệm này. Ban đầu, quyền con người được gắn với quyền tự nhiên như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể, sức khỏe, quyền được làm việc, v.v.. Tiếp đó, quyền con người được gắn với các quyền tự do dân chủ, các quyền dân sự, kinh tế, chính trị được quy định bởi pháp luật của các quốc gia như là những quyền tự do dân chủ cơ bản. Thế hệ tiếp theo của quyền con người là các quyền được gắn với yếu tố tập thể, trong đó có quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quyền được sống trong môi trường trong lành. Ngày nay, không ai có thể phản đối quan điểm rằng, con người có thể sống mà không cần không khí sạch và nước sạch (Erin Eacott, 2001). Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững trước khi được Liên hợp quốc tuyên bố là quyền con người vào năm 2021 cũng đã được hiến định khá sớm trong hiến pháp của các quốc gia như Nam Tư (1974), Bồ Đào Nha (1975) và Peru (1979) (Erin Eacott, 2001). Hiện tại đã có 98 nước hiến định quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Việc coi quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là quyền con người có giá trị phổ quát toàn cầu đòi hỏi phải có những đảm bảo cả về mặt kinh tế, xã hội, chính trị - pháp lí. Những đảm bảo này phải mang tính toàn cầu. Trái đất của chúng ta là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có sự sống. Song con người đã gây ra khủng hoảng môi trường toàn cầu, kéo theo tình trạng nguy cấp của khí hậu, sự suy thoái đa dạng sinh học, sự ô nhiễm tràn lan và sự bùng nổ các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật như COVID-19. Khủng hoảng môi trường toàn cầu đe dọa sự sống của mọi cộng đồng trên trái đất bất kể cộng đồng đó thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán rằng biến đổi khí hậu hàng năm sẽ cướp đi 250.000 sinh mạng trong thời gian từ năm 2030 đến năm 2050; thiếu thực phẩm, dịch bệnh và áp lực nắng nóng tăng cao cần nguồn tài chính từ 2 - 4 tỉ đô la mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030 để khắc phục (David Sangokoya, 2021). Vì vậy, việc đảm bảo cho công dân của mình có được môi trường trong lành, bền vững để sống và làm việc đã được lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhận thức như là sứ mệnh chính trị. Hiện nay đã có 150 nền tài phán công nhận quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều gắn việc đảm bảo quyền này với những đặc thù, mục tiêu ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của mình, vì thế có không ít những biến số nghiêng về sự cản trở hơn là thúc đẩy. Việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tuyên bố quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững có giá trị phổ quát toàn cầu đã thúc đẩy việc thực hiện quyền này mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong phạm vi mỗi quốc gia (IUCN, 2021). Tuyên bố của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là quyền con người được coi là thành công của các quốc gia muốn gắn sự phồn vinh, hạnh phúc của con người với môi trường trong lành, bền vững, coi đó là một điều kiện tiên quyết. Tuyên bố này cũng là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của luật nhân quyền quốc tế và luật môi trường quốc tế (Elena Cima, 2022). Để đảm bảo thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững, các quốc gia đang tìm cách xác định đầy đủ, toàn diện nội hàm của nó trong hệ thống thể chế đảm bảo quyền con người và thể chế bảo vệ môi trường.
2. Nội hàm của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững
2.1.Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững - Quyền con người
Quyền con người có giá trị phổ quát, được thừa nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và quốc gia. Quyền con người tồn tại trong nhiều lĩnh vực, phát triển qua nhiều thời kì và được phân loại thành các thế hệ khác nhau, được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế hay các lĩnh vực pháp luật phù hợp ở mỗi quốc gia. Vizak Karel đã phân loại sự phát triển của quyền con người thành 3 thế hệ (Vašák, Karel, 1977). Thế hệ thứ nhất bao gồm chủ yếu là các quyền chính trị dân sự, các quyền gắn với phản ứng chống lại sự lạm quyền của nhà nước, chống lại những sự áp bức đối với người dân. Thế hệ thứ hai bao gồm các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhóm quyền này được thừa nhận và đảm bảo ngày càng tốt hơn sau chiến tranh thế giới thứ II, đặc biệt là sau Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền con người năm 1948. Thế hệ thứ ba bao gồm các quyền vượt lên các giá trị cá nhân của quyền con người - nó gắn với các yếu tố tập thể, gắn với quyền phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc. Danh mục các quyền ở thế hệ này vẫn đang được bổ sung bởi sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững được coi là thế hệ quyền con người cá nhân gắn với môi trường, với điều kiện sống tự nhiên, với cộng đồng bằng nhiều giá trị phổ quát. Quyền con người nói chung và quyền đối với môi trường trong lành, bền vững có mối gắn kết chặt chẽ và được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, về tương quan giữa hai quyền này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có 3 trường phái liên quan đến tương quan giữa quyền con người nói chung và quyền đối với môi trường trong lành, bền vững nói riêng. Trường phái thứ nhất cho rằng, sẽ không có quyền con người nếu không có quyền đối với môi trường trong lành, bền vững. Nói cách khác, quyền đối với môi trường trong lành, bền vững mang tính tuyệt đối, quyết định sự tồn tại của quyền con người.
Trường phái thứ hai cho rằng, quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững khó có thể được nhìn nhận như là một quyền bất biến, tuyệt đối. Các thay đổi thường xuyên trong những biện pháp bảo vệ môi trường phụ thuộc vào việc sắp xếp lại trật tự ưu tiên trong phát triển kinh tế, xã hội ở từng quốc gia cũng như những điều chỉnh để đạt được các mục tiêu của chính sách công. Dĩ nhiên, các thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tương quan giữa quyền con người nói chung và quyền con người đối với môi trường trong lành, bền vững nói riêng. Vì vậy, quyền đối với môi trường trong lành, bền vững khó có thể đóng vai trò quyết định đối với quyền con người.
Trường phái thứ ba cho rằng quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững thuộc thế hệ thứ ba của quyền con người. Quyền này gắn với thiên nhiên, cả đối tượng lẫn chủ thể của nó. Quyền con người thế hệ thứ ba bao gồm quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền phát triển, quyền đồng sở hữu các di sản chung của nhân loại, quyền tiếp cận thông tin và để bảo đảm quyền, các chủ thể quyền, chủ thể trách nhiệm phải có mối liên hệ với nhau, nó còn được gọi là quyền đoàn kết - cùng chung tay thực hiện quyền và nghĩa vụ. Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là một trong số các quyền mang tính tích hợp, tính tập thể của quyền con người thế hệ thứ ba. Các tác giả trong cuốn Quyền của trẻ em đối với môi trường trong lành, bền vững do Agata Fijalkowskl và Malgosla Fitzmaurice chủ biên đã phân tích những mối liên hệ giữa quyền con người, quyền đối với môi trường trong lành, bền vững để đi tới kết luận rằng những tác động nghiêm trọng của suy thoái môi trường ảnh hưởng đến quyền con người mà trước hết là của trẻ em, nhóm chủ thể yếu thế (hay dễ bị tổn thương) trong xã hội (Routlege Revials, 2018).
Quyền con người bao gồm: quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi nhóm quyền con người bao gồm các quyền khác nhau. Quyền chính trị bao gồm trước hết quyền bất khả xâm phạm tính mạng. “Mọi người đều có quyền được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện” (Điều 6.1, Công ước Liên hợp quốc, 1966). Quyền chính trị, dân sự tiếp theo là quyền thể hiện ở việc “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm” (Điều 7, Công ước Liên hợp quốc, 1966); Không ai bị bắt làm nô lệ, mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm; không ai bị bắt làm nô dịch; Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức (Điều 8, Công ước Liên hợp quốc, 1966); Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ; Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lí do và theo đúng những thủ tục luật định (Điều 9, Công ước Liên hợp quốc, 1966).
Phân tích quyền bất khả xâm phạm tính mạng (hay gọi là quyền sống) của con người có thể thấy rất rõ mối liên hệ giữa quyền con người và quyền có môi trường sống trong lành, bền vững. Ở những thế kỉ trước đây, khi môi trường chưa trải qua những cuộc khủng hoảng toàn cầu, đe dọa sự sống của con người thì việc đòi hỏi các chính phủ đảm bảo các quyền chính trị, dân sự được coi là những mục tiêu chủ yếu của vận động, đấu tranh xã hội. Kết quả của chúng là các công ước quốc tế về quyền con người được kí kết và việc hiến định các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội được thực hiện ở tuyệt đại đa số các quốc gia. Vào những thập niên cuối của thế kỉ XX, nhất là hai thập niên đầu của thế kỉ XXI, vấn đề môi trường và phát triển, môi trường và quyền sống của con người được đặt ra một cách khẩn cấp. Cuộc sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng những cái chết đến từ các hành vi phạm tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của cá nhân vẫn diễn ra song số lượng của chúng không thể sánh với những thiệt hại về tính mạng, tài sản do các khủng hoảng khí hậu, môi trường mang đến. Các cuộc khủng hoảng khí hậu lại chủ yếu do con người tạo ra bằng việc gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hủy hoại đa dạng sinh học. WHO dự báo rằng biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050 do các yếu tố như suy dinh dưỡng, sốt rét và nắng nóng, v.v.. Với hơn một phần tư dân số hành tinh dựa vào rừng để kiếm sống trong khi 1,2 tỉ người ở các nước nhiệt đới dựa vào thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình (Ty Green và David Sangokoya, 2021).
Môi trường ô nhiễm, suy thoái dẫn đến những sự xói mòn, thậm chí xóa bỏ những điều kiện duy trì cuộc sống con người. Hơn 95% dân số thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm, không khí không an toàn. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ở châu Phi và châu Á1. Mỗi năm nhân loại thải ra một lượng lớn chất thải (2,12 tỉ tấn). Nếu tất cả chất thải này được đưa vào xe tải thì số lượng xe xếp vòng quanh trái đất có thể lên đến 24 vòng2. Các chuyên gia ước tính, con người đến nay sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa thì 6,3 tỉ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên3. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Dự kiến đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá. Việt Nam là quốc gia thải ra rác nhựa nhiều của thế giới4. Theo Stuart Batterman, giáo sư khoa học sức khỏe và môi trường, đại học Michigan, có bằng chứng cho thấy bụi mịn (PM2.5) làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh, suy giảm hệ miễn dịch, chức năng nhận thức và miễn dịch. Bụi mịn này có thể đi sâu và tồn tại trong phổi, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. “Đây là nguyên nhân làm tăng các trường hợp nhập viện hoặc gây tử vong vì hen suyễn, bệnh tim mạch hay bệnh phổi”5 (Stuart Batterman et all, 2020).
Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra ở Việt Nam với những nguyên nhân và hậu quả tương đồng dù có sự khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam còn rất nhiều thách thức (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021). Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam là chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương với mức lên đến 0,28 - 0,73 triệu tấn hàng năm (chiếm 6% toàn thế giới), chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines (Tuyên giáo, 2021). Chất thải rắn và chất thải nhựa đang bủa vây con người ở mọi phía. Từ trong nhà bước ra ngõ, chúng ta đã gặp phải chất thải rắn đủ các loại và các túi nhựa. Chúng vô hại đối với nhà riêng của mỗi người, song cộng hưởng lại chúng là nguyên nhân gây hại đến sức khỏe con người. Vấn đề thu gom, xử lí rác thải, đặc biệt là rác thải y tế và rác thải rắn công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các đô thị cũng ngày càng khó khăn. Ước tính, mỗi năm toàn quốc thải ra khoảng 13 triệu tấn rác, trong đó khu vực đô thị là 7 triệu tấn/năm, chiếm 55,8%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60 - 70% chất thải rắn được thu gom và xử lí. Việc thu gom và xử lí chất thải đô thị được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp nhưng mới chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố có bãi chôn lấp được thiết kế xây dựng hợp vệ sinh. Tuy nhiên, vì quy trình xử lý chưa đồng bộ nên vẫn gây ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí khu vực lân cận.
Cần khẳng định rằng ở nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hết sức đáng báo động. Hệ thống cống thoát nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư không đúng tiêu chuẩn, không được xử lí nước thải tập trung. Nước thải không được thu gom, xử lí trước khi thải vào các dòng sông nên đã gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng. Ô nhiễm nước còn có nguyên nhân từ việc lạm dụng các hóa chất diệt cỏ, diệt sâu bệnh, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng. Thực trạng ô nhiễm đất cũng rất đáng lo ngại. Ô nhiễm nguồn nước cũng làm cho ô nhiễm đất do nước chảy ngầm trong đất. Việc sử dụng các loại hóa chất mang lại kết quả trước mắt nhưng rất có hại cho môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn thực phẩm của con người. Đó là chưa kể đến việc người dân mua phải hóa chất giả thì việc sử dụng sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ cho môi trường, đất, nước, không khí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng báo động đỏ ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hai thành phố này do mật độ dân cư đông, nhiều phương tiện giao thông hoạt động trong khi ít cây xanh và bề mặt đất hầu hết bị bê tông hóa khiến cho ít có những ngày trong năm được thông báo là không khí trong lành, an toàn đối với sức khỏe. Ở các địa phương, các vùng nông thôn thì tình trạng ô nhiễm không khí chưa nghiêm trọng trừ những địa phương có nhiều làng nghề đang hoạt động.
Từ thực trạng trên cho thấy, quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người rất khó được đảm bảo nếu thiếu môi trường sống, làm việc trong lành, bền vững. Ước tính có khoảng 60% các ca nhiễm trùng ở người có nguồn gốc từ động vật. Có rất nhiều loại virus khác nhau chuyển từ động vật sang người. Có tới 1,7 triệu loại virus chưa xác định thuộc loại lây nhiễm sang người vẫn tồn tại ở động vật có vú và chim nước. Bất kì một trong số này đều có thể mang tới bệnh hay dịch bệnh mới, có khả năng gây rối loạn và gây chết người hơn COVID-19. Vì vậy, ý nghĩa lớn lao của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững đối với việc thực hiện các quyền con người khác khiến nó thành một yếu tố đầu tiên trong các chiến lược, kế hoạch và ưu tiên phát triển của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi doanh nghiệp. Mối tương quan cơ bản giữa bảo vệ môi trường và thực hiện hiệu quả quyền con người là trung tâm của chiến lược, kế hoạch và ưu tiên phát triển đó (Yann Aguila, 2021).
2.2. Các thành tố pháp lý của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững
Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững được xác định là quyền con người phổ quát, toàn cầu. Tuyên bố của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2021 đã chấm dứt những tranh luận về bản chất của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Tuy nhiên, nội hàm của quyền vẫn chưa được nhận thức thống nhất mặc dù một số thành tố cốt lõi của nó được thừa nhận rộng rãi. Cụ thể, quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững bao gồm quyền có không khí sạch, nước đủ và sạch, thực phẩm lành mạnh và tái sản xuất bền vững, khí hậu an toàn, sự phồn thịnh của các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường không có hóa chất độc hại, nơi con người có thể sống, làm việc, vui chơi an toàn. Cách hiểu trên về quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững mang tính khái quát. Nó giúp xác định những thành tố môi trường có ảnh hưởng quyết định đối với sự tồn tại của quyền sống do gắn liền với sức khỏe, tính mạng của con người. Tuy nhiên, nội hàm cụ thể của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững vẫn còn chứa đựng không ít sự khác nhau về quan niệm. Một số quan điểm cho rằng quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững vừa là quyền cá nhân vừa là quyền tập thể, được đảm bảo thực hiện bằng cộng đồng, bằng tập thể (Elen Cima, 2022; Sumudu Apatattu, 2002). Quan điểm này nhấn mạnh yếu tố liên kết của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Về nguyên tắc, khi đã là quyền con người thì bao giờ cũng gắn với một chủ thể nhất định. Việc Liên hợp quốc tuyên bố quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là quyền con người hàm ý rất toàn diện. Nó không chỉ được coi là quyền của quốc gia, cộng đồng mà còn là quyền cá nhân. Các quyền con người khác như quyền lao động, quyền tự do đi lại, v.v, có thể được bảo vệ bởi chính người bi vi phạm. Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững dù được coi là quyền cá nhân nhưng việc đảm bảo thực hiện nó phải thông qua cộng đồng, thông qua hệ thống pháp lí. Điều này rất dễ giải thích bởi thực tiễn ở Việt Nam. Quyền yêu cầu một doanh nghiệp hay cá nhân chấm dứt hành vi gây ô nhiễm đang đe dọa quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững dù đã được hiến định (Điều 43, Hiến pháp 2013) vẫn khó có thể được đảm bảo ngay cả khi người bị vi phạm yêu cầu. Lí do để xác định là tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và việc vi phạm đó có thực sự là nguyên nhân gây ô nhiễm hay không cần phải được xác định ở quy mô cộng đồng, quy mô khu vực hay quốc gia. Rất khó, nếu không muốn nói là không thể khi một cá nhân đòi doanh nghiệp chấm dứt hành vi gây ô nhiễm nhưng cộng đồng xung quanh không cùng lên tiếng. Câu hỏi mang tính pháp lí đặt ra là liệu việc gây ô nhiễm đó có đến mức làm nước trong giếng, trong ao bị nhiễm độc hay không khí quanh nhà của người yêu cầu có lơ lửng bụi mịn, có khí độc bao trùm hay không. Ngay cả khi có những thứ đó cũng chưa thể kết luận rằng môi trường sống của người này bị vi phạm. Phạm vi không gian sống của một cá nhân rất hẹp và nguy cơ môi trường sống trong lành, bền vững bị tổn hại có thể do sinh hoạt, do sản xuất của chính người đó gây ra. Ở khía cạnh khác, quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là quyền tập thể (collective right) bởi nếu môi trường bị ô nhiễm thì quyền sống của cả cộng đồng bị đe dọa. “Sống cuộc sống khỏe mạnh hay Chết vì ô nhiễm?” (Sumudu Apatattu, 2022 tr. 67) là câu hỏi thể hiện khá rõ bản chất của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững với tư cách là quyền tập thể. Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững có giá trị phổ quát, ràng buộc tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân bằng nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo thực hiện chống lại những hành vi vi phạm. Các công ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia đều tiếp cận như vậy đối với quyền con người. Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững mà chúng ta đang bàn luận không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, quyền yêu cầu đảm bảo môi trường được thực hiện nhân danh cộng đồng hiện tại và nhân danh cộng đồng của các thế hệ tương lai theo đòi hỏi của phát triển bền vững. Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng (quyền) của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của mình.
Môi trường trong lành, bền vững là điều kiện tiên quyết, không thể thay thế cho việc đảm bảo quyền sống. Sự tồn tại của loài người và những sự can thiệp ngày càng lớn hơn của con người vào môi trường khó cho phép nói đến môi trường lí tưởng. Vì vậy, định nghĩa một môi trường trong lành, bền vững để từ đó xác định quyền được sống trong môi trường như vậy và xác định trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng trong việc đảm bảo thực hiện nó là rất khó trong thời đại ngày nay. Trái đất của chúng ta đang bị ô nhiễm, tầng khí quyển bị đun nóng, nhiệt độ tăng, nước biển dâng là những hệ quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tưởng chừng như là hiện tượng của thiên nhiên nhưng về bản chất, nó là hậu quả của những tác động ngày càng lớn, ngày càng nghiêm trọng của con người vào thiên nhiên. Vì thế, môi trường bị ô nhiễm ở mức độ nhất định là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là làm sao mức độ ô nhiễm môi trường vẫn chưa tạo và không thể tạo ra nguy cơ đe dọa quyền sống của con người. Đó chính là mục tiêu của Liên hợp quốc và của mỗi quốc gia được xác định trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Môi trường trong lành, bền vững và có khả năng đáp ứng quyền sống của con người phải bao gồm quyền được hít thở không khí trong lành, quyền có đủ nước và nước an toàn và đất không bị ô nhiễm để sản xuất thực phẩm an toàn, bền vững, quyền sống của con người không bị đe dọa. Môi trường trong lành, bền vững bao gồm cả các hệ sinh thái bền vững, chống lại các tác động của động, thực vật ngoại lai đe dọa chúng.
Với những thành tố cơ bản trên của môi trường trong lành, bền vững, các quốc gia cần có những giải pháp đảm bảo để mỗi thành tố đó và trong sự kết hợp tổng thể các thành tố này tạo được môi trường cần thiết cho quyền sống của con người. Những giải pháp mà các quốc gia đưa ra cần bao gồm những khía cạnh cụ thể sau: Một là, hạn chế các vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững không nên chỉ giới hạn trong hành động của nhà nước, không chỉ dựa vào nhà nước mà phải dựa vào tất cả mọi thành viên của xã hội. Tất cả đều phải có nghĩa vụ không vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Hai là, tiêu chí đánh giá tác động của môi trường bị ô nhiễm đến sức khỏe con người nên xác định ở mức độ “đáng kể” chứ không phải là “nghiêm trọng”. Nếu để môi trường ô nhiễm gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người mới cấu thành vi phạm thì việc thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững rất khó được đảm bảo. Ba là, như đã phân tích, quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững được bảo vệ không chỉ đối với cá nhân. Quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững của mỗi thành viên trong xã hội đều bị vi phạm khi mỗi thành tố đất, nước hoặc tổng thể của các thành tố đó ảnh hưởng đến chất lượng, lối sống của họ hoặc gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng. Gây tổn thương hoặc hủy hoại thực vật, động vật hoặc sự cân bằng sinh thái mà con người dựa vào đó để sống là cũng vi phạm quyền được sống trong trường trong lành, bền vững.
Cách tiếp cận nội hàm khái niệm quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là cần thiết cho sự phát triển bền vững. Vì thế, quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững cần bao gồm các nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà nước liên quan đến phát triển bền vững. Sự tham gia của cộng đồng vào các quyết định có ảnh hưởng đến sự hiện hữu của quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là một trong những nghĩa vụ mà nhà nước cần đảm bảo. Trong quá trình ra quyết định, những người bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển phải có nhiều tiếng nói mạnh không khác những cơ quan nhà nước - những người ra quyết định. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân cũng là một nghĩa vụ mà nhà nước phải đảm bảo. Tiếp cận thông tin là yếu tố cần thiết để tăng hiệu quả tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp triển khai dự án. Điều quan trọng là các quốc gia phải đảm bảo các thủ tục cho phép cá nhân liên quan thực hiện hành động khi đối mặt với suy thoái môi trường. Những quyền này bao gồm quyền được nhận thông tin về các vấn đề môi trường, tham gia vào các quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến môi trường và tiếp cận với công lý hiệu quả.
Quyền được sống trong trường trong lành, bền vững đòi hỏi phải có những quy định pháp luật thực định và pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo để nó được thực hiện. Rất nhiều quốc gia đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Việc ban hành các quy định pháp luật thực định và pháp luật tố tụng đồng nghĩa với việc các tòa án quốc gia được áp đặt trách nhiệm đối với các chủ thể nếu không thực hiện nghĩa vụ liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. Việc tranh tụng tại các tòa án nhằm buộc các chính phủ, doanh nghiệp tôn trọng các quyền con người trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững cũng đang bắt đầu mang lại kết quả. Thẩm quyền của Tòa án không nên chỉ dừng ở việc xét xử các vi phạm, tuyên bồi thường cho nạn nhân, mà còn phải ngăn chặn các vi phạm đó xảy ra thông qua chính hoạt động xét xử.
Để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững đòi hỏi việc thi hành pháp luật chú trọng đến yếu tố ngăn ngừa. Trước hết phải thi hành các quy định về đánh giá rủi ro môi trường, kiểm soát chất lượng không khí và nước, quy định môi trường và lập kế hoạch khẩn cấp (Council of Europe, 2019).
Quan trọng hơn, nhiều quốc gia hiến định quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững để tạo nền tảng cho việc ban hành pháp luật bảo vệ môi trường hướng tới việc đảm bảo hiệu quả quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững. “Rất nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng việc bao gồm các quyền môi trường đã được hiến định có liên quan tích cực đến hoạt động môi trường tốt hơn” (Yann Aguila, 2021).
Việc thực hiện quyền được sống trong trường trong lành, bền vững đòi hỏi các cam kết, đối thoại để điều hòa các lợi ích kinh tế và xã hội. Mặc dù pháp luật quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải khắc phục các tác động môi trường tiêu cực do các hoạt động của họ gây ra, nhưng do cơ chế quản lí yếu kém của chính phủ khiến việc thực thi trở nên khó khăn. Những thách thức này thậm chí còn rõ ràng hơn trong các vụ việc liên quan đến những doanh nghiệp đa quốc gia.
Một hệ thống tổ chức xã hội yếu kém, hoạt động không hiệu quả sẽ không đóng vai trò đáng kể và dễ bị vô hiệu hóa cũng không hỗ trợ được việc giám sát mức độ tuân thủ các nghĩa vụ môi trường, cũng không có đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng chính sách môi trường. Do đó, cần tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường.
3. Kết luận
Việc Liên hợp quốc tuyên bố quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững là quyền con người có ý nghĩa rất lớn bởi là tính toàn cầu, phổ quát của quyền con người mang lại. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm hiến định quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững, cụ thể là trước tuyên bố của Liên hợp quốc gần một thập niên. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam cũng đã chi tiết hóa quyền này thành các quyền, nghĩa vụ của chủ thể. Tuy nhiên, để quyền này thực sự trở thành quyền con người trong pháp luật, trong thực tiễn đời sống ở Việt Nam thì cần phải hoàn thiện rất nhiều lĩnh vực. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững và nhất là nội hàm của nó. Thực tế cũng đã có, dù không nhiều các công trình nghiên cứu về quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững đã thực hiện ở Việt Nam song mới là các nghiên cứu của cá nhân, kết quả nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở những kiến nghị chung, chưa hướng đến các giải pháp đảm bảo (Phạm Thị Tính, 2015). Chính vì vậy, sau tuyên bố của Liên hợp quốc, các chuyên gia pháp luật Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu nội hàm quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững ở khía cạnh thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền con người quan trọng nhất này.
Tài liệu tham khảo
1.Batterman, Stuart A., Berrocal, Veronica J., Milando, Chad, Gilani, Owais, Arunachalam, Saravanan, and Zhang, K. Max. 2020. “Enhancing models and measurements of traffic- related air pollutants for health studies”, https://digitalcommons.bucknell.edu/fac_journ.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2021. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn
2016 - 2020.
3. Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
4. Council of Europe. 2019. “Human Right Comment: Living in a clean environment: a neglected human rights concern for all of us”, (https://www.coe.int/en/web/commissioner/- /living-in-a-clean-environment-a-neglected-human-rights-concern-for-all-of-us).
5. David Sangokoya. 2021. “Why having a clean and healthy environment is a human”. World Economic Forum, (https://www.weforum.org/agenda/2021/11/why-having-a- clean-and-healthy-environment-is-a-human-right/).
6.Elena Cima. 2022. “The right to a healthy environment: Reconceptualizing human rights in the face of climate change”. Review of European Comparative & International Environemental Law, 31, 42.
7. Erin Eacott. 2021. “A Clean & Healthy Environment: The Barriers & Limitations of This Emerging Human Right”, 2001 10 Dalhousie Journal of Legal Studies 74, 2001, CanLIIDocs 26, 87-88, 2001, (https://canlii.ca/t/282, retrieved on 2022-08-10, 87-88.
8. Nguyễn Việt Hải. 2016. Đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành. Luận văn Thạc sĩ. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
9.Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013.
10. Nguyễn Hoài. 2018. “Lượng rác thải nhựa mỗi năm dự báo quanh 4 vòng trái đất”, (http://soha.vn/luong-rac-thai-nhua-moi-nam-du-bao-quanh-4-vong-trai-dat-20181012133905334.htm)
11. https://www.foxnews.com/science/more-than-95-percent-of-worlds-population - breathe - polluted-dangerous-air-study-says.
12.http://www.theworldcounts.com/counters/shocking_environmental_facts_and_statistics
/world_waste_facts.
-
Ionel Xamfir. 2021. “A universal right to a healthy environment, Eurpean Parlementary Service”, (https://epthinktank.eu/2021/12/14/a-universal-right-to-a-healthy-environment/).
-
IUCN. 2021. “The Right to a Healthy Environment)”, (https://www.iucn.org/news/world- commission-environmental-law/202110/right-a-healthy-environment).
-
Nguyễn Quỳnh. 2018. “95% dân số thế giới sống trong không khí ô nhiễm, 1 năm chết 6 triệu người”, (http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/95-dan-so-the-gioi-song- trong-khong-khi-o-nhiem-1-nam-chet-6-trieu-nguoi-a226763.html).
-
Routlege Revials. 2018. The Right of Children to a Clean Environment. Edited by Agata Fijalkowskl & Malgosla Fitzmaurice.
-
Sumudu Apatattu. 2002. “The Right to a Healthy Life or the Right to Die Polluted? The Emergence of a Human Right to a Healthy Environment Under International Law”. Tulane Environmental Law Journal, Vol. 16, No. 1, pp. 65 - 126.
-
Thu Thảo. 2017. “Những thống kê về đại nạn rác thải nhựa trên trái đất”, (https://vnexpress.net/khoa-hoc/nhung-thong-ke-ve-dai-nan-rac-thai-nhua-tren-trai-dat- 3685672.html#ctr=related_news_click).
-
Ty Green & David Sangokoya. 2021. “Why having a clean and healthy environment is a human right”. World Economic Forum, 30 October 2021, (https://www.weforum.org/agenda/2021/11/why-having-a-clean-and-healthy-environment-is- a-human-right/).
-
Phạm Thị Tính. 2015. Quyền con người được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ. Học viện Khoa học xã hội.
-
Tuyên giáo. 2021. “Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới”, (https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/viet- nam-nam-trong-so-20-quoc-gia-co-luong-rac-thai-lon-nhat-va-cao-hon-muc-trung-binh-cua-the-gioi-136175).
-
Vašák, Karel. 1977. “A 30-year struggle; the sustained efforts to give force of law to the Universal Declaration of Human Rights”, 29. UNESDOC, (https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/ pf0000048063).
-
Yann Aguila. 2021. “The Right to a Healthy Environment, IUCN 29 October 2021”, (https://www.iucn.org/ news/ world-commission-environmental-law/202110/right-a- healthy-environment).
The older news.............................
|
|