Nhân cách dưới góc nhìn của nhân học văn hóa

17/04/2015

NHÂN CÁCH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHÂN HỌC VĂN HÓA

NGUYỄN ANH TUẤN *

PHẠM THU TRANG**

Nhân cách được hiểu là trạng thái tích hợp những phẩm chất của con người với tư cách là chủ thể của hoạt động và của văn hóa. Vấn đề nhân cách là một trong những vấn đề trung tâm của nhân học văn hóa và nhân học xã hội, trong đó xu hướng nghiên cứu “văn hóa và nhân cách” thường được coi là cơ sở lý luận để hình thành các bộ môn khoa học mới như tâm lý học văn hóa, nhân học tâm lý,…

Các khoa học khác nhau có cái nhìn khác nhau về nhân cách. Nếu như phân tích tâm lý học về nhân cách hướng đến nghiên cứu thế giới nội tâm thường hiện ra như tổng thể các cảm xúc, tình cảm, các quá trình nhận thức và nhiều quá trình khác; tiếp cận xã hội học hướng đến nghiên cứu nhân cách như là chủ thể của tương tác xã hội và các hình thức thiết chế biểu hiện ra trong hệ thống các quan hệ xã hội; thì cách tiếp cận nhân học ngay từ đầu đã định hướng nghiên cứu các thuộc tính tộc loài của nhân cách và những hình thức sống được thể hiện trong văn hóa như là trong phương thức tồn tại và phát triển con người phổ quát và đặc thù người. Để làm rõ sự khác biệt của cách tiếp cận nhân học văn hóa về nhân cách so với các cách tiếp cận khác, bài viết này sẽ tập trung vào ba nội dung chính: giới thiệu các lý thuyết nhân học văn hóa về nhân cách, phân tích cấu trúc nhân cách và phân loại nhân cách từ góc nhìn của nhân học văn hóa.

  1. Các lý thuyết nhân học văn hóa về nhân cách

Ngay từ khi xuất hiện, nhân học là khoa học hướng đến nghiên cứu con người chỉnh thể. Truyền thống này khởi nguồn từ I. Kant (1724 - 1804), người đã coi nhân học là tri thức hệ thống về con người, là sự nghiên cứu thực tiễn về con người. Theo ông, nhân học bao gồm nhân học thân thể (nghiên cứu giải phẫu sinh lý người) và nhân học duy hành động (nghiên cứu hành động người). Ông viết: “Nghiên cứu giải phẫu sinh lý người được hiểu là nghiên cứu việc tự nhiên làm ra cái gì từ con người, còn nghiên cứu hành động người là nghiên cứu với tư cách sinh thể tự do hành động, con người tự làm gì hay có thể và cần phải làm gì từ chính mình”1. Nhân học hành động nghiên cứu con người như là công dân thế giới, tức là từ góc độ các dấu hiệu loài chung của nó. I. Kant cũng xây dựng quan điểm con người tộc loài, trong đó xem xét con người như là chủ thể của hoạt động tự do và tự giác trong trạng thái công dân - hợp pháp phổ biến. Về sau này, nhiều học giả nghiêng về xác định các thuộc tính tộc loài của con người như là những cái phổ quát nhân học.

     Martin Heidegger (1889 - 1976), một trong những triết gia chủ yếu của thế kỷ XX đã coi nhân học là khoa học về con người. Khoa học này thâu tóm toàn bộ thông tin có thể thu được về bản chất con người như là cái được cấu thành từ thể xác, linh hồn và tinh thần. Ông cho rằng nhân học “cần phải nghiên cứu con người ở các chiều cạnh tự nhiên, sinh học và tâm lý học, nó cần phải thu về một mối các kết quả nghiên cứu của các bộ môn như tính cách học, phân tâm học, tâm lý học sư phạm, hình thái học văn hóa và phân loại học,…”2

Trong tâm lý học hiện đại vẫn có những nhà nghiên cứu tiếp tục quan điểm này, trong đó phải kể đến phân tâm học hiện sinh. Chẳng hạn, L. Binsvanger (1881 - 1966) đã luận chứng cho sự phân tích - tồn tại - ở đây (hay tồn tại - trong - thế giới), khiến con người được mô tả trong kinh nghiệm độc đáo và được lấp đầy nội dung cá nhân.

Nghiên cứu về các hình thức tồn tại của nhân cách, xã hội học và nhân học đã tìm hiểu ở các góc độ khác nhau: xã hội học nghiên cứu nhân cách như là các đơn vị cấu trúc cô đọng mang tính thiết chế (chẳng hạn, thiết chế gia đình, tập tục,…), còn nhân học lại nghiên cứu chủ yếu những hiện tượng (những mối liên kết) ngoài cấu trúc và những thứ ở bên ngoài thiết chế. Dĩ nhiên, cả nhân học và xã hội học đều không thể bỏ qua việc tìm kiếm các cơ sở văn hóa của các quá trình thiết chế hóa. Trong khi đó, nhân học văn hóa hiện đại nghiên cứu nhân cách trong sự thống nhất các hình thức sống được thể hiện ở các nền văn hóa khác nhau và các đặc trưng cấu trúc do văn hóa sinh ra và chế định.

Về vấn đề này, nhà lý luận Mỹ E. Tirikian cũng đã phân biệt các cấu trúc thiết chế với cấu trúc tiềm tàng của hoạt động sống con người. Ông chỉ ra rằng, sự phát triển của xã hội bị quyết định phần lớn bởi xung đột giữa các hiện tượng thiết chế và phi thiết chế. Loại những hiện tượng thứ nhất cấu thành các lớp hữu hình, lộ thiên của đời sống xã hội, loại thứ hai - lớp ẩn dấu, tiềm tàng. Văn hóa trong hệ thống xã hội là hệ thống nhiều lớp các biểu tượng (niềm tin, các tư tưởng đạo đức,…). Phần vô hình đó của đời sống xã hội ngấm sâu vào các quan hệ thiết chế của con người. Vì văn hóa thể hiện là cơ sở thiết định tổ chức xã hội ở mọi cộng đồng, nên nhân học cần phải mở rộng ảnh hưởng của mình lên việc nghiên cứu các lớp sâu của nó không chỉ trong các xã hội nguyên thủy mà còn trong các xã hội hiện đại.

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, trong các nghiên cứu của R. Benedikt và M. Mid đã ra đời xu hướng nghiên cứu “nhân cách - và - văn hóa”, sau này được phát triển tiếp trong các công trình của tập thể các nhà nhân học văn hóa nổi tiếng như R. Linton, K. Klaknon, J. Honigman, A. Kardiner,... Họ phê phán các cách tiếp cận truyền thống trong dân tộc học khi thiếu chú ý đến môi trường tâm lý của nhân cách. Các đề tài phân tích có hệ thống của họ là: nhân cách trong tự nhiên, xã hội và văn hóa, nhân cách và môi trường văn hóa, nhân cách và liệu pháp tâm lý, nhân cách và giáo dục trẻ em,…

Theo họ, những tư tưởng cơ bản được thể hiện trong hệ chuẩn văn hóa - lịch sử của nghiên cứu nhân cách bao gồm:

“1) Chỉ có thể làm rõ nhân cách nếu nghiên cứu và giải thích được môi trường văn hóa mà trong đó nhân cách được hình thành;

2) Các mô hình văn hóa kết hợp với nhau nhờ các biểu tượng khác nhau và là hệ thống đa lớp mà sự vận hành chức năng của nó không thể giải thích được nhờ các cách tiếp cận dân tộc học truyền thống;

3) Cần phải tiếp cận nghiên cứu sự phát triển, chuyển đổi, tích hợp văn hóa dựa trên quan điểm rằng, tự thân nhân cách con người là hệ thống phức tạp nhất có khả năng sinh ra các ý tưởng”3.  

Hiện nay, các thuyết cơ sở, thuyết quy chuẩn và thuyết tình thái về nhân cách đang giữ vị trí nổi bật trong nhân học văn hóa. Nhờ hoạt động tích cực của các nhà khoa học mà đã xuất hiện bộ môn mới - nhân học tâm lý nghiên cứu “số phận các cá nhân trong khung cảnh văn hóa đặc thù và lý giải các dữ kiện nhờ các phương pháp tâm lý học”4. Nhằm mục đích phân tích sâu và chi tiết hơn mối quan hệ qua lại giữa nhân cách và văn hóa, các nhà nhân học đã đưa thêm các khái niệm mới và xây dựng các cách tiếp cận riêng. Bộ môn nhân học tâm lý bao gồm khá nhiều các trào lưu và trường phái như tiếp cận phân tâm học, định hướng so sánh,… Nhân học tâm lý đã thực hiện nghiên cứu các đề tài như tính đồng nhất sắc tộc, văn hóa và tư duy, văn hóa và sinh thái học, phân tích các nghi thức, dân tộc học trẻ thơ, văn hóa và sinh học, liệu pháp dân gian và liệu pháp tâm lý dân tộc, những trạng thái biến đổi của ý thức,…

Một trong các đại diện chủ yếu của khuynh hướng này là J. Honigman, đã đề xuất thêm khái niệm “mẫu hình” thường được hiểu là “phương thức tính tích cực tương đối vững chắc của tư duy và cảm tính (tri giác)”5. Ông xét nhân cách như là “văn hóa được phản ánh trong hành vi cá nhân”6.

Nhà nghiên cứu người Mỹ là A. Kardiner đã sử dụng khái niệm các hệ thống hình chiếu để diễn đạt kết quả tác động của các thiết chế văn hóa cấp một lên nhân cách. Hệ thống này còn bao gồm cả các thiết chế thứ cấp như tôn giáo, ma thuật, nghi lễ, nghỉ ngơi và giải trí.

Như vậy, tiếp cận nhân học về tổng thể được đặc trưng bởi tâm thế nghiên cứu khá xác định về sự vận động của tư tưởng từ các lớp ngoài của tổ chức xã hội tới các kết cấu văn hóa tiềm ẩn, từ các thiết chế xã hội như là các hình thức quan hệ xã hội bền vững đến văn hóa như là kết cấu đích thực của xã hội. Vì thế khách thể chủ yếu của nó không phải là xã hội, mà là văn hóa. Còn đối tượng của nghiên cứu nhân học văn hóa về nhân cách là “con người trong văn hóa”. Theo đó, một mặt, tiếp cận nhân học văn hóa gắn liền với sự mô tả các hình thức sống mà nhân cách tham dự vào nhờ văn hóa, mặt khác, nó gắn với việc nghiên cứu các đặc trưng về cơ sở, tình thái,… và các mô hình nhân cách thường gặp trong xã hội đó và chịu sự biến đổi dưới tác động của các yếu tố văn hóa xã hội xác định.

  1. Sự phân loại nhân cách trong nhân học văn hóa

Trong số các nhà nhân học xã hội và nhân học văn hóa đã đưa ra các mô hình phân loại nhân cách, nổi tiếng hơn cả là R. Linton, A. Kardiner, F. Boias và M. Mid. 

 R. Linton (1893 - 1953) không chỉ là một trong những người sáng lập thuyết vai trò về nhân cách, mà còn là tác giả của các quan điểm thuyết nhân cách cơ sởquy chuẩn. Ông hiểu nhân cách cơ sở là kiểu tích hợp đặc thù cá nhân vào môi trường văn hóa trên cơ sở xã hội hóa các thành viên của cộng đồng đó7. Cấu trúc cơ sở của nhân cách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ văn hóa. Nhân cách quy chuẩn là tổng thể các vai trò tiêu chuẩn đã bám chắc vào quy chuẩn xác định của nhân cách8. Đến lượt mình, các phần tử chung của các nhân cách quy chuẩn của xã hội này hay khác lại được ông xét như kiểu nhân cách cơ sở.

Theo nhà tâm lý học Mỹ A. Kardiner (1891 - 1981), những thay đổi trong tổ chức xã hội nhất định dẫn đến sự cải tổ căn bản kiểu nhân cách cơ sở. Do vậy, sau này quan điểm nhân cách cơ sở đã bị xét lại một cách căn bản. Nhiều nhà nghiên cứu đã nghi ngờ chính khả năng tìm thấy một tiêu chuẩn thống nhất cho kiểu nhân cách cơ sở. Nhằm mục đích luận chứng kinh nghiệm cho các đặc trưng cơ sở thì khái niệm nhân cách tình thái đã được đưa vào. Trong nhân học, các nhà nghiên cứu F. Boias (1858 - 1942) và K. Điubua (1903) được cho là tác giả của khái niệm đó.

Khác với kiểu cơ sở được chia ra khá đều ở tất cả các thành viên của xã hội đó, nhân cách tình thái là kiểu nhân cách thường gặp nhất ở kiểu văn hóa nào đó. Đây chính là chỗ khác biệt về nguyên tắc giữa hai kiểu nhân cách. Kiểu thứ nhất chịu sự kiểm chứng kinh nghiệm, kiểu thứ hai - thực tế là không.

 Theo F. Boias, khái niệm nhân cách tình thái được sử dụng để mô tả các quan hệ giữa nhân cách và văn hóa trong các trường hợp sau:

- Nếu phần lớn các thành viên của cộng đồng không thể có cùng một cấu trúc nhân cách (dữ kiện thiếu vắng hay đã bị loại bỏ kết cấu cơ sở);

- Nếu cộng đồng có thể được mô tả thông qua các đặc trưng điển hình của nhân cách vốn hay gặp trong nó và ở đây chịu sự so sánh (dữ kiện tham gia của nhân cách vào cộng đồng, sự thuộc về nó).

Nhưng nhân cách tình thái cũng phụ thuộc cả vào các chuẩn văn hóa ưu thế, vào các truyền thống và các khuôn mẫu đã hình thành trong xã hội đó. Trong các xã hội khác có thể có yêu cầu về kiểu nhân cách tình thái hoàn toàn khác.

Nhân học văn hóa đã phân biệt và phân tích khá chi tiết các kiểu nhân cách cơ sở, quy chuẩn và tình thái. Con người tộc loài cũng được xác định tương ứng thông qua các thuộc tính phổ quát của con người (các phổ quát nhân học) đặc trưng cho sự thuộc của nó về toàn bộ giống người, nhân cách cơ sở - thông qua những nét điển hình của con người như là đại diện của cộng đồng cụ thể. Nhân cách quy chuẩn là tổng hợp các vai trò được chuẩn hóa buộc chặt vào kiểu người xác định tồn tại trong cộng đồng đó. Và, cuối cùng, nhân cách tình thái đặc trưng cho đại diện điển hình của cộng đồng mà con người sống trong đó.

  1. Nhân học văn hóa về cấu trúc của nhân cách

Để hiểu cấu trúc của nhân cách cần phải tuân theo các yêu cầu của tiếp cận nhân học như sau:

Thứ nhất, nhân học đòi hỏi sự phân chia cấu trúc của nhân cách cần thực hiện theo hai căn cứ liên hệ lẫn nhau: căn cứ theo hoạt động (như là yếu tố định hình hệ thống của văn hóa), và căn cứ theo các quan hệ xã hội mà nhân cách tham gia vào trong quá trình hoạt động sống của mình.

Thứ hai, các tiểu hệ thống hoạt động đồng thời cũng là các thời kỳ (hay giai đoạn) của nó, vốn thường thay thế và chế định lẫn nhau. Tổng thể các giai đoạn đó tạo thành quá trình hoạt động thống nhất.

Thứ ba, chính chúng thể hiện là các tiểu hệ thống của nhân cách như là chỉnh thể năng động tự phát triển. Các yếu tố của hoạt động gia nhập vào cấu trúc của nhân cách không đầy đủ mà chỉ phần nào, trong khi trung gian hóa các mối liên hệ giữa nó như là chủ thể với các mặt khác của tương tác.

Căn cứ thứ nhất (hoạt động) của sự phân nhóm nhân cách được sử dụng chủ yếu trong tâm lý học, còn căn cứ thứ hai (quan hệ) - trong xã hội học. Cách tiếp cận nhân học cho phép kết hợp cả hai căn cứ đó vào một sơ đồ kết cấu - lôgích duy nhất. Có thể trình bày mối tương quan giữa chúng nhờ các phạm trù nội dunghình thức. Từ phía nội dung có thể tách biệt ra cấu trúc nền tảng của nhân cách, còn từ phía hình thức của nó ra cấu trúc xã hội và văn hóa.

Từ giác độ tiếp cận nhân học phức hợp có thể giả định, trong kết cấu nền tảng của nhân cách có thể tách biệt ra sáu tiểu hệ thống hoạt động: 1) Hệ thống định hướng chung dẫn dắt hành vi con người trong không gian và thời gian, gồm cả không - thời gian văn hóa xã hội (các ý nghĩa, định hướng và chiến lược sống); 2) Hệ thống động cơ gây tác động kích thích và tích cực hóa lên hành vi con người (các nhu cầu, lợi ích, động lực); 3) Hệ thống mục đích và quyết định ý chí đảm bảo những định hướng bền vững của nhân cách với các cách giải quyết tương ứng (các mục đích và quyết định); 4) Hệ thống công nghệ đảm bảo việc hiện thực hóa các định hướng của nhân cách bằng các phương tiện và phương thức hoạt động cần thiết (các công nghệ hành vi); 5) Hệ thống hành vi vạch ra toàn bộ tiềm năng của chủ thể trong lĩnh vực hành vi (các bước hành vi hiện thực); 6) Hệ thống phản tư điều tiết và kiểm soát từ sự khởi động ban đầu đến các giai đoạn hoạt động khác.

Cấu trúc nêu trên của nhân cách như chủ thể của hoạt động là chung cho tất cả các khoa học xã hội, nhưng trước hết nó thể hiện tính chất phức hợp của nhân học. Cấu trúc như vậy đã được đưa ra trên cơ sở nguyên tắc thống nhất các phẩm chất phổ biến (tộc loài), đặc thù (cho một kiểu xã hội) và đơn nhất (độc đáo, không lặp lại về mặt cá thể). Cấu trúc đó được tạo thành bởi tổng thể các phẩm chất liên hệ với nhau về mặt chức năng của nhân cách và là những phẩm chất cần và đủ để hoạt động diễn ra.     

Theo cách tiếp cận này, mỗi kiểu hoạt động xác định đều tương ứng với một phẩm chất hệ thống của nhân cách và nhóm các phẩm chất nền tảng (hoạt động) này hay khác sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của các khoa học về con người.

Định nghĩa hệ thống về nhân cách

Kiểu hoạt động

Các nhóm phẩm chất nền tảng và các

đặc trưng của con người như là nhân cách

Định nghĩa nhân học: nhân cách như con người tộc loài (kiểu nhân cách cơ sở)

Hoạt động tộc loài

Các thuộc tính nền tảng: các phẩm chất tộc loài (các phổ quát nhân học) và các đặc trưng cơ sở của con người bị chế định bởi các quá trình văn hóa và tồn tại dưới dạng các mô hình khái quát và các tâm thế (các khuôn mẫu, các quan niệm tập thể và các vị thế).

Định nghĩa xã hội họctâm lý xã hội: nhân cách như là cá nhân (nhân cách tình thái và quy chuẩn)

Ý thức xã hội (vai trò) và hành vi

Các nét xã hội điển hình cố hữu ở cá nhân như là đại diện của các cộng đồng xã hội và tồn tại trong các tình huống tương tác mẫu (các vị thế xã hội, vai trò và các mong đợi hợp chuẩn).

Định nghĩa tâm lý học: nhân cách như là cá nhân độc đáo (nhân cách riêng lẻ)

Ý thức cá nhân và hành vi

Các phẩm chất có ý nghĩa cá nhân thể hiện trong các tình huống đời sống cụ thể (các ước muốn chủ quan, các dự định và ý nghĩa cuộc sống).

Như thế, cấu trúc nền tảng của nhân cách được xác định trong nhân học từ giác độ các thuộc tính tộc loài (con người tộc loài), các đặc trưng cơ sở (nhân cách cơ sở) và các đặc trưng xã hội điển hình (nhân cách quy chuẩn và tình thái).

Cần phải xét cấu trúc văn hóa xã hội của nhân cách như là hệ thống mối tương quan ngoàitrong của nhân cách với xã hội và môi trường tự nhiên. Trong đó các quy chuẩn xã hội biểu thị các vị thế khách quan của nhân cách trong thế giới hay không gian xã hội, còn những sự bố trí, sắp đặt đó là các vị thế chủ quan hay lớp chủ quan của các quy chuẩn. Mắt khâu gắn kết giữa chúng, một mặt, là các phần tử tích cực bên ngoài (các nhu cầu, lợi ích, giá trị) chế định các vị thế quy chuẩn, còn mặt khác là các phần tử tích cực bên trong (các định hướng giá trị, mục đích và động cơ) quyết định sự phân bố nhân cách. Các vai trò xã hội vốn trung gian hóa các quá trình tương tác của nhân cách với xã hội đặc trưng cho mặt động trong cấu trúc xã hội của nhân cách.

Mối tương quan giữa các khía cạnh tĩnh và động, hoạt động và quan hệ, chủ quan và khách quan của sự phân chia cấu trúc của nhân cách được chỉ ra trong bảng dưới đây.

Các cách phân chia cấu trúc nhân cách

Các cấp độ và các phần tử của cấu trúc

văn hóa xã hội của nhân cách

Cấp độ khách quan (tương quan ngoài, nhân cách quy chuẩn)

Cấp độ chủ quan (tương quan trong, nhân cách tình thái)

Tĩnh

Các yếu tố của hoạt động

Các dữ kiện hoạt động đơn nhất

Các đồ vật (nhân tạo, tức là các khách thể văn hóa vật chất do con người tạo ra)

Các cấu hình tâm lý của con người, các hiện tượng ý thức của nhân cách

Các yếu tố quan hệ xã hội

Các vị thế xã hội

Các quy chuẩn (các vị thế khách quan)

Các sắp đặt (các vị thế chủ quan)

Động

Các yếu tố của hoạt động

Các định hướng văn hóa và các quan niệm

Các nhu cầu, lợi ích, giá trị

Mục đích, động cơ, định hướng giá trị

Các yếu tố quan hệ xã hội

Các vai trò xã hội

Các mô hình hành vi vai trò (các hình thức vai trò)

Các mong chờ vai trò và các định hướng

Như vậy, khi khảo sát cấu trúc của nhân cách bằng tiếp cận nhân học phức hợp cần chú ý những điểm sau:

- Cấu trúc của nhân cách được xác định theo một trong hai căn cứ - hoạt động hay quan hệ.

- Cấu trúc nền tảng của nhân cách bao gồm các thành tố gắn kết nhau về chức năng là cần và đủ để thực hiện hoạt động đầy đủ.

- Cấu trúc xã hội và văn hóa của nhân cách là hệ thống các mối tương quan ngoài và trong của con người và môi trường tự nhiên xã hội vốn tương ứng với các kiểu nhân cách quy chuẩn và tình thái.

Theo căn cứ thứ nhất, dựa vào hoạt động, nhân học phân tách ra trong cấu trúc nhân cách các tiểu hệ thống cơ bản phù hợp với giai đoạn xác định - với các tiền đề và quá trình, các mục đích và động cơ, các phương tiện,…; theo căn cứ thứ hai, dựa vào quan hệ, phân tách ra các thành tố của các mối liên hệ và quan hệ bền vững được hình thành giữa nhân cách và môi trường văn hóa xã hội của nó.

- Nếu nhân học đại cương chủ yếu chú ý phân tích cấu trúc cơ bản của nhân cách như là cơ sở của hoạt động và giao tiếp của nó, thì nhân học văn hóa xã hội cũng như xã hội học lại chủ yếu nghiên cứu cấu trúc xã hội của nó - cấu trúc đặc trưng cho cả mối tương quan ngoài lẫn trong của nó với thế giới.

- Do vậy, từ sự phân tích nhân học, cấu trúc của nhân cách được xác định bởi sự thống nhất của các cấu trúc cơ sở và xã hội.

Tóm lại, cách tiếp cận nhân học văn hóa về nhân cách bao gồm cả nghiên cứu các quá trình tương tác của nó với văn hóa định hướng trên bình diện nhận thức lẫn sự tích hợp, một mặt, của các hình thức sống tồn tại khách quan, mà trong phạm vi của chúng nhân cách được định hình, và mặt khác, của các đặc thù tâm lý bị chế định một cách văn hóa bởi chính nhân cách. Khác với tâm lý học, nhân học khảo sát toàn bộ khung cảnh văn hóa xã hội của sự phát triển nhân cách, còn khác với xã hội học, nó hướng vào nghiên cứu các kết cấu miền sâu của tâm thần, thâm nhập vào lĩnh vực cái vô thức. Tính liên ngành của nhân học không làm nó tránh được những khiếm khuyết trong nhận thức về nhân cách. Các nhà nhân học, trong khi quá bị cuốn hút bởi khía cạnh văn hóa của những hình thức sống và của các kết cấu vô thức mà nhân cách đã định hình nhờ chúng, lại nghiêng về đánh giá thấp ý nghĩa của các yếu tố xã hội và tâm lý khác.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. A.A. Belik, Iu. M. Reznik (1999), Nhân học văn hóa xã hội: Nhập môn lý luận - lịch sử, Matxcơva.
  2. L. Binsvanger (1999), Tồn tại-trong-thế giới, Matxcơva.
  3. Phạm Minh Hạc, Lê Đức Phúc (Chủ biên) (2004), Một số vấn đề nghiên cứu nhân cách, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. I. Kant (1966), Tác phẩm, gồm 6 tập, Tập 6, Matxcơva.
  5. N. M. Lebedev (1999), Nhập môn tâm lý học dân tộc và văn hóa, Matxcơva.
  6. Đào Thị Oanh (2007), Vấn đề nhân cách trong tâm lý học ngày nay, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  7. Lê Đức Phúc (2005), “Về lịch sử nghiên cứu vấn đề nhân cách”, Tạp chí Tâm lý học, Số 11.
  8. Barry D. Smith, Harold J. Vetter (2005), Các học thuyết về nhân cách, Biên dịch: Nguyễn Kim Dân, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  9. Trần Trọng Thủy (1991), “Vấn đề nhân cách trong tâm lý học phương Tây”, Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, Số 27 và 28.
  10. Văn hóa học, Thế kỷ XX, Bách khoa toàn thư (1998), Tập 1, Xanhpeterburg.

 

 


* PGS. TS.; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhận văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

** ThS.; Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

1 I. Kant (1996), Tác phẩm gồm 6 tập, T. 6, M, Tr. 351.

2 Trích theo: L. Binsvanger (1999), Tồn tại-trong-thế giới, M., Tr. 19.

3 N. M. Lebedev (1999), Nhập môn tâm lý học dân tộc và văn hóa, M., Tr. 96.

4 Sđd, Tr. 273.

5 A.A. Belik, Iu. M. Reznik (1999), Nhân học văn hóa xã hội: Nhập môn lý luận - lịch sử, M, Tr. 274.

6 A.A. Belik, Iu. M. Reznik, Sđd .

7 N. M. Lebedev (1999), Nhập môn tâm lý học dân tộc và văn hóa, M., Tr. 97.

8 Văn hóa học, Thế kỷ XX, Bách khoa toàn thư (1998), Tập 1, Xanhpeterburg, 1998, Tr. 406.