VẬN DỤNG BỘ TIÊU CHÍ ĐO ĐẠC VỀ CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ
VÀO ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
TRỊNH THỊ KIM NGỌC *
Đặt vấn đề
Kể từ lần đầu tiên đề xuất quan điểm phát triển con người (PTCN) và báo cáo PTCN (HDR) từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX cho tới nay, UNDP đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm đo đạc và công bố thường niên chỉ số PTCN (HDI) của các quốc gia. Tuy nhiên, gần 25 năm qua cũng là một quá trình UNDP không ngừng hoàn thiện và phát triển lý luận và phương pháp luận về PTCN, cũng như bộ công cụ đo đạc chỉ số HDI. Quá trình này luôn diễn ra đồng thời với những đề xuất và tranh luận nhằm tìm ra một cách tiếp cận đánh giá vừa mang tính hệ thống, khách quan, vừa thể hiện được đặc trưng phát triển của từng cộng đồng. Cũng như gần 200 quốc gia khác, Việt Nam cũng đã tham gia đo đạc và công bố chỉ số HDI của người Việt Nam ngay từ báo cáo đầu tiên năm 1991. Tuy nhiên, cho dù luôn luôn ủng hộ quan điểm nhân văn của UNDP, việc đo đạc HDI và đánh giá PTCN của Việt Nam cho tới nay không phải đã nhận được những ý kiến hoàn toàn đồng thuận. Đặc biệt, với đặc thù của nền kinh tế và những điều kiện địa lý, dân cư và xã hội của Việt Nam thì việc còn nhiều tranh luận cũng là điều dễ hiểu.
Cũng với mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ đo đạc và có thêm các tiêu chí để đánh giá PTCN Việt Nam được thuận lợi và khoa học hơn, để cung cấp các bằng chứng và số liệu cho bộ công cụ HDI truyền thống đã được đông đảo các quốc gia chấp thuận sử dụng[1], tác giả bài viết này đề xuất để giới chuyên gia có thể xem xét phương án vận dụng bộ tiêu chí đo đạc chất lượng dân số vào đánh giá PTCN. Đề xuất đó được dựa trên một số cơ sở lý luận và thực tiễn được đề cập sau đây.
1. Chất lượng dân số và bộ tiêu chí về chất lượng dân số
1.1. Khái niệm dân số, dân cư và chất lượng dân số
1.1.1. Khái quát về dân số
Tài liệu giảng dạy về dân số học cơ bản coi dân số là dân cư được xem xét, nghiên cứu ở góc độ: quy mô và cơ cấu. Tức theo nghĩa hẹp, dân số là số lượng và chất lượng người của một cộng đồng dân cư, cư trú trong một vùng lãnh thổ (hành tinh, khu vực, châu thổ, quốc gia,…) tại một thời điểm nhất định. Nhưng chúng tôi muốn đề cập đến khái niệm dân số với nghĩa rộng lớn nhất của nó, đó là việc coi dân số là toàn bộ dân cư được xem xét ở các góc độ: quy mô, cơ cấu và chất lượng, chứ không chỉ là về số người, cơ cấu theo độ tuổi và giới tính,... mà nó còn bao gồm cả các vấn đề kinh tế - xã hội, sức khỏe thể chất, trí lực và kĩ năng, văn hóa và ngôn ngữ,... gắn với cộng đồng dân cư đó, nó rộng hơn rất nhiều so với nghĩa hẹp của khái niệm dân số. Với đặc trưng là dân số luôn luôn biến động theo thời gian và không gian do trong xã hội luôn có người được sinh ra và mất đi, cũng như ở mọi nơi hiện tượng di cư đang rất sôi động, cho nên cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Tuy nhiên, dân số là yếu tố đầu vào quan trọng nhất tạo nên nguồn nhân lực, trở thành một nhân tố mang tính quyết định đối với sự thành bại của quá trình phát triển nói chung, trong đó có PTCN.
1.1.2. Khái niệm chất lượng dân số
Khái niệm chất lượng dân số (CLDS) lần đầu tiên được sử dụng trong văn học từ thế kỷ XVIII. Khái niệm về chất lượng dân cư cũng đã được Ănghen sử dụng trong các nghiên cứu của mình. Ănghen đã xem xét chất lượng dân cư như là yếu tố vật chất, có nghĩa là các điều kiện kinh tế, là một mặt của “yếu tố kỹ thuật”, coi như một trình độ phát triển của tư liệu sản xuất.
Khái niệm về CLDS đã được sử dụng khá rộng rãi trong thuyết ưu sinh và dựa trên cơ sở gen di truyền, điển hình là thuyết chủng tộc (thế kỷ XIX), cho rằng có chủng tộc "Thượng đẳng" và "Hạ đẳng" và sự phân hóa này mang tính tự nhiên, di truyền và bất biến. Do vậy, các nhà khoa học tư sản đã chứng minh sự tồn tại của bất bình đẳng về xã hội xuất phát từ nguồn gốc sinh học và đưa ra khả năng giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách hoàn thiện bản chất nguồn gốc của con người.
Các nhà nhân khẩu học Nga coi CLDS là ''khái niệm trung tâm của hệ thống
tri thức và dân số" và được phản ánh qua các chỉ tiêu sau:
1) Trình độ giáo dục;
2) Cơ cấu nghề nghiệp xã hội;
3) Tính năng động và tình trạng sức khỏe.
Các chỉ tiêu về dân số nêu trên cũng đã được các nhà khoa học và hoạch định chính sách tham khảo và đưa vào xem xét chất lượng nguồn nhân lực của nước Nga.
Theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, bản chất và nội dung của CLDS xuất phát từ các quá trình và quan hệ xã hội, được hình thành thông qua quá trình con người được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo để trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của phát triển. Như vậy, CLDS được phản ánh thông qua các thuộc tính có thể liên quan trực tiếp đến tình trạng thể lực, trí lực, trình độ giáo dục, trình độ khoa học kỹ thuật, cơ khí và kĩ năng nghề nghiệp, xã hội và tính năng động của dân cư.
Trong hai thập kỷ vừa qua, các nhà dân số học Việt Nam đã bàn nhiều về chất lượng dân số để đi đến một định nghĩa tổng quát rằng: Chất lượng dân số hàm chứa một hệ thống các đặc trưng của dân số, được biểu thị bằng các thuộc tính bản chất của dân số, đó là trình độ học vấn, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu xã hội, tính năng động, tình trạng sức khỏe và các đặc trưng khác của dân số. Tổng hợp lại đó có thể là các thuộc tính về thể lực, trí lực, năng lực xã hội và tính năng động xã hội,[2]... Theo đó, mỗi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất sẽ tương ứng với một mức độ chất lượng dân số nhất định. Như vậy, chất lượng dân số được phản ánh thông qua hàng loạt các tiêu chí cụ thể liên quan đến tầm vóc, thể lực, sức khỏe sinh sản, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật, cơ cấu và kỹ năng nghề nghiệp, đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống tinh thần và các vấn đề văn hóa thông tin, gắn kết cộng đồng và an ninh xã hội,... của toàn thể dân cư.
Pháp lệnh Dân số 06/2003/PL-UBTVQH ngày 09/01/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”, đồng thời quy định chất lượng dân số gồm những thành tố sau: 1) Thể chất: gồm các số đo về chiều cao, cân nặng, sức mạnh, tốc độ, sức bền, sự khéo léo,... dinh dưỡng, bệnh tật, tuổi thọ, các yếu tố giống nòi, gen di truyền (như tật nguyền bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc hóa học, chất độc màu da cam,…) của người dân; 2) Trí tuệ: gồm các yếu tố trình độ học vấn, thẩm mỹ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu ngành nghề,… thể hiện qua tỉ lệ biết chữ, số năm bình quân đi học/đầu người, tỉ lệ người có bằng cấp, được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật,... ; 3) Tinh thần: gồm các yếu tố về ý thức và tính năng động xã hội thể hiện qua mức độ tiếp cận và tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, thông tin, vui chơi, giải trí,... của người dân.
1.2. Bộ tiêu chí HDI trong mối quan hệ với chất lượng dân số
Để đánh giá mức độ PTCN của một quốc gia, chúng ta có thể sử dụng bộ công cụ đo đạc HDI, gồm 3 thành tố cơ bản sau:
1) Một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh được đo bằng tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (HDI1).
2) Kiến thức được đo bằng tỉ lệ người lớn biết chữ (với quyền số 2/3) và tỉ lệ nhập học thô của các cấp giáo dục tiểu học, trung học và đại học (với quyền số l/3) (HDI2).
3) Mức sống đo bằng GDP thực tế đầu người thô sức mua tương đương tính bằng đô la Mỹ (PPP$) (HDI3).
Như vậy, chỉ số HDI là trung bình giản đơn của ba chỉ số thành phần nói trên: HDI = 1/3 (HDI1 + HDI2 + HDI3). HDI có giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là trình độ PTCN càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là trình độ PTCN càng thấp.
Để phản ánh các lĩnh vực liên quan đến PTCN, ngoài HDI, sau này báo cáo còn được bổ sung một số chỉ số quan trọng khác:
· Chỉ số phát triển giới (Gender Development Index - GDI).
· Thước đo vị thế giới tính (Gender Emprowement Measure - GEM).
· Chỉ số đói nghèo (Human poverty Index - HPI).
· Chỉ số nghèo đa chiều (Multidimensional Poverty Index - MPI)
· Chỉ số bất bình đẳng xã hội hay chỉ số an ninh con người,...
Quan sát thực tế tính toán nhiều năm qua của chúng tôi cho thấy, khi chất lượng dân số được nâng cao, tức khi tuổi thọ, sức khỏe thể chất và tiềm năng trí lực cùng được tăng lên; khi thu nhập của người dân cũng được tăng lên, thì ba chỉ số thành phần trên cũng tăng lên theo tỉ lệ thuận. Khi đó, HDI càng tiến gần đến 1. Điều này có thể thấy rõ ở các trường hợp như: HDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,... khi thu nhập và tuổi thọ của họ đều cao, hai thành tố này dễ dàng kéo theo chỉ số HDI tăng lên.
Thực tiễn học thuật về PTCN cũng cho thấy, HDI từ lâu đã được giới học giả coi là một hợp phần quan trọng với những thông tin không thể bỏ qua để đánh giá chất lượng dân số, đồng thời về bản chất, nó còn được coi là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Theo tính toán hồi quy của các nhà chuyên môn, một quốc gia muốn tăng HDI lên thêm 0,010 điểm, thì GDP bình quân đầu người của quốc gia đó phải được tăng thêm 18%, theo đó tuổi thọ trung bình của người dân cũng được kéo dài thêm 1,8 năm và tỉ lệ đi học của học sinh ở các cấp thêm 3%. Tương quan trên cũng đồng thời thể hiện một nghịch lý rằng, các quốc gia càng có mức phát triển cao hơn thì càng gặp khó khăn hơn trong việc nâng cao thêm chỉ số PTCN.
2. Bộ công cụ đánh giá chất lượng dân số
Thông thường, CLDS được các quốc gia cấu thành từ 5 thành tố cơ bản sau:
1) Thể chất và sức khoẻ: thể hiện năng lực về sức mạnh thể chất của một cộng đồng, trong đó có từng cá thể; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các cá nhân có đầy đủ năng lực về sức mạnh thể chất, từng người khỏe mạnh.
2) Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề: thể hiện năng lực về trí tuệ, thông qua trình độ học vấn cũng như tay nghề trong các hoạt động sáng tạo, sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các cá nhân có đầy đủ năng lực về trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề.
3) Tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng: thể hiện năng lực về lối sống, văn hóa, quan hệ và cách ứng xử trong cộng đồng, đảm bảo cho cộng đồng có sự gắn kết và đó cũng là sức mạnh để đạt tới sự phát triển bền vững; một dân số có chất lượng cao là cộng đồng gồm các thành viên có đầy đủ sức mạnh tinh thần, văn hóa, có khả năng gắn kết và sự đoàn kết chặt chẽ; mọi người có sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau; có các quan hệ lành mạnh, tiến bộ.
4) Các đặc trưng nhân khẩu học: phản ánh các đặc trưng như mức sinh, chết; cơ cấu dân số, nhất là cơ cấu giới tính, độ tuổi, theo địa lý; một dân số có chất lượng cao là cộng đồng có cơ cấu hợp lý về đầy đủ các khía cạnh đảm bảo cho quá trình phát triển dân số và kinh tế - xã hội hài hòa, bền vững.
5) Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản: phản ánh khía cạnh hiệu quả của dân số: một dân số có chất lượng cao là cộng đồng hoạt động có hiệu quả về kinh tế - xã hội, cũng như có sự tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Dựa trên 5 thành tố cơ bản trên, để đánh giá chất lượng dân số, từ năm 2008, các nhà dân số học Việt Nam cũng đã đề xuất một bộ tiêu chí bao gồm 17 tiêu chí thành phần, phản ánh 5 lĩnh vực của chất lượng dân cư (nguồn nhân lực) như sau:
a) Nhóm thành tố về Thể chất và sức khỏe: thể hiện năng lực về sức mạnh thể chất của một cộng đồng dân tộc, trong đó có từng cá nhân, được đo đạc thông qua 4 tiêu chí:
· Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh;
· Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi);
· Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin;
· Tỉ lệ người tàn tật trong cộng đồng.
b) Nhóm thành tố về Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề: thể hiện năng lực về trí tuệ, thông qua trình độ học vấn cũng như tay nghề của dân cư trong các hoạt động sáng tạo, sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm 02 tiêu chí:
· Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi phổ thông;
· Tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đã qua đào tạo;
c) Nhóm thành tố về Tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng: Thể hiện năng lực về lối sống, văn hóa, quan hệ và cách ứng xử của cá nhân trong cộng đồng, đảm bảo cho cộng đồng có sự gắn kết và đó cũng là sức mạnh để đạt tới sự phát triển; một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng gồm các thành viên có đầy đủ năng lực về tinh thần, văn hóa, có khả năng gắn kết và sự đoàn kết chặt chẽ với 4 tiêu chí:
· Tỉ lệ hộ dân đạt chuẩn văn hóa;
· Số lượt người được phục vụ trong thư viện tính trên 1.000 dân;
· Tỉ lệ hộ dân có sử dụng tivi;
· Số người sử dụng Internet tính trên 100 dân.
d) Nhóm thành tố về Các đặc trưng nhân khẩu học: phản ánh các đặc trưng nhân khẩu học như mức sinh, mức tử; tốc độ sinh; cơ cấu dân số, nhất là các cơ cấu về giới tính, độ tuổi, khu vực địa lý;... một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng có cơ cấu hợp lý về đầy đủ các khía cạnh để đảm bảo cho quá trình phát triển dân số cũng như kinh tế - xã hội được bền vững với 3 tiêu chí:
· Tổng tỉ suất sinh (TFR);
· Tỉ số giới tính của trẻ em mới sinh;
· Tỉ lệ dân số thành thị.
e) Nhóm thành tố về Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản: phản ánh khía cạnh hiệu quả hoạt động của dân số: một dân số có chất lượng cao phải là cộng đồng hoạt động có hiệu quả, đạt kết quả cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như có tăng trưởng kinh tế hợp lý bao gồm 4 tiêu chí tiếp theo như sau:
· Thu nhập bình quân đầu người một tháng;
· Tỉ lệ nghèo trong dân cư;
· Tỉ lệ dân số được sử dụng nước sạch;
· Tỉ lệ hộ dân dùng hố xí hợp vệ sinh[3].
Chất lượng cuộc sống (CLCS) là một khái niệm động, phát triển từ thấp lên cao phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, chế độ chính trị, quan niệm về văn hóa và truyền thống của mỗi dân tộc ở từng giai đoạn phát triển của hình thái xã hội. CLCS có quan hệ qua lại với nhiều yếu tố như nguồn tài nguyên, sự phát triển dân số, hệ thống chính trị - xã hội, lối sống, các giá trị văn hóa, tôn giáo và trình độ phát triển kinh tế của xã hội,... Chính vì vậy, CLCS một mặt là hệ quả, là một tiêu chí của CLDS, nhưng nó luôn là mục tiêu của PTCN,... Đổi mới các chính sách xã hội và có cơ chế tăng cường tính thích ứng của các chính sách có liên quan đến CLDS, cải thiện phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội, đảm bảo công bằng xã hội một cách hợp lý là những giải pháp để không chỉ nâng cao CLDS mà còn góp phần thúc đẩy PTCN một cách có hiệu quả.
3. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề xuất nêu trên
3.1. Cơ sở lý luận
Thứ nhất, dân số là một nhân tố cơ bản của phát triển nên không thể bỏ qua trong đánh giá PTCN. Ở bất kỳ một hình thái kinh tế - xã hội nào, khi muốn tồn tại và phát triển đều phải duy trì hai quá trình sản xuất: i) sản xuất ra của cải vật chất xã hội, bao gồm tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng; và ii) sản xuất ra chính bản thân con người - nguồn lực quan trọng bậc nhất của mọi quá trình sản xuất, cũng như mọi quá trình phát triển. Tuy nhiên, quá trình sản xuất ra tư liệu sản xuất sẽ không thực hiện được nếu không có con người, bởi suy cho cùng, tư liệu sản xuất hay sản phẩm tiêu dùng đều là sản phẩm trí tuệ của con người. Sự đa dạng, phong phú của chúng cũng như sự hiện đại từng bước của khoa học và công nghệ là những bằng chứng về sự phát triển trí tuệ của con người. Vì vậy, việc nghiên cứu tái sản xuất dân số là một lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp và quyết định đến sự tồn tại và phát triển xã hội. Thực tiễn phát triển của các nước “hóa rồng” đã chứng minh, các quốc gia phát triển trở thành những cường quốc thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, hay Ấn Độ hiện nay đều ở thời kỳ dân số vàng.
Bên cạnh đó, trong mối liên hệ với nền sản xuất xã hội, con người vừa là chủ thể quyết định sự tồn tại và phát triển của nó, vừa là khách thể, là lực lượng tiêu dùng những của cải do mình tạo ra. Vì vậy, các kế hoạch sản xuất, dịch vụ của một nền kinh tế không thể thiếu được các căn cứ về quy mô, cơ cấu dân số. Việc nghiên cứu thị trường bắt đầu bằng việc mô tả khái quát tình hình dân số mà nó phục vụ.
Thứ hai, các yếu tố dân số có ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên, trạng thái môi trường và phát triển bền vững. Nhân tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực luôn luôn gắn liền với sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của sự phát triển suy cho cùng là nhằm nâng cao CLCS và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp và có tác động tích cực đến sự phát triển.
Ðể có sự phát triển bền vững, việc đáp ứng nhu cầu và nâng cao CLCS của các thế hệ hiện tại không được ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai trên cơ sở sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái và chất lượng của sự phát triển. Trong thực tế, các yếu tố dân số có ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên và trạng thái môi trường. Dân số phù hợp sự phát triển nói chung và PTCN nói riêng đòi hỏi sự điều chỉnh các xu hướng dân số phù hợp với sự phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phù hợp đó là yếu tố quan trọng kích thích sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao tiềm lực của lực lượng sản xuất; là yếu tố cơ bản để xóa đói, giảm nghèo, giảm tình trạng thất nghiệp, giảm tỉ lệ mù chữ, tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, nâng cao vị thế của người phụ nữ, giảm rủi ro về môi trường, mở rộng dịch vụ y tế, xã hội và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, khoa học và công nghệ; góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, do đó nó cũng là vấn đề quan trọng trong PTCN; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế và các thành quả PTCN, là yếu tố cơ bản để nâng cao CLCS của con người. Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững và PTCN.
Thứ ba, dân số như một chỉ báo quan trọng, cho phép dự báo về xu hướng kinh tế - xã hội trong tương lai. Quy mô, cơ cấu, sự gia tăng dân số thường là kết tinh của các yếu tố kinh tế - xã hội, phản ánh các điều kiện xã hội. Vì vậy, xuất phát từ các đặc trưng của dân
số, có thể tìm hiểu, phát hiện, dự báo các vấn đề khác trong tương lai. Chẳng hạn, nghiên cứu luồng di dân giữa nông thôn và thành thị cho phép đánh giá tình hình phát triển kinh tế của đất nước, khi có “sự bùng nổ trẻ em hôm nay” sẽ giúp ta dự báo sự bùng nổ nhu cầu việc làm trong khoảng 15 - 20 năm sau; khi xuất hiện sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng cảnh báo trước những vấn đề xã hội của 15 - 20 năm sau, khi đó có thể xảy ra tình trạng lừa gạt, buôn bán phụ nữ, trẻ em,... gia tăng như ở Trung Quốc thời gian qua.
Thứ tư, nâng cao chỉ số HDI và nâng cao CLDS đều là các mục tiêu quan trọng trong các chiến lược phát triển của thế giới cũng như trong các chiến lược kinh tế xã hội của các quốc gia. Vấn đề nâng cao CLDS được đề cập trên diễn đàn quốc tế tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (Cairô, Ai Cập) năm 1994 và được nhấn mạnh trong Tuyên bố Almaty (Kazakhstan) về dân số và phát triển năm 2004. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam đã đưa mục tiêu nâng cao CLDS vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Ở Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh tới vấn đề nâng cao CLDS giai đoạn 2011 - 2020 và chỉ rõ: CLDS là tập hợp những đặc điểm về năng lực của một quần cư, một cộng đồng, một đất nước được thể hiện qua hệ thống các chỉ báo: cơ cấu tuổi, thể lực, trí lực, mức sống và ý thức xã hội,… trong việc thực hiện những chức năng xã hội nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn bộ dân số nói chung và sự phát triển của chính bản thân mỗi gia đình, mỗi người dân nói riêng,... Đảng Cộng sản Việt Nam còn khẳng định, “Nâng cao CLDS là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nhà nước thực hiện chính sách nâng cao CLDS về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm nâng cao chỉ số PTCN của Việt Nam lên mức tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”... Đảng ta chủ trương, việc xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá CLDS phản ánh sự phát triển nguồn lực đất nước là cần thiết cho việc đo lường, đánh giá và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của đất nước.
3.2. Các cơ sở về phương pháp luận
Về mặt phương pháp luận, để tính được HDI và các chỉ số liên quan đến HDI cấp toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố ở nước ta một cách khách quan và khoa học, cần phải tiến hành theo quy trình nhiều bước và dựa vào nhiều nguồn số liệu khác nhau, trong đó những số liệu và tiêu chí về CLDS là điều không thể bỏ qua. Đề xuất này được xem xét bởi nó thỏa mãn những nguyên tắc sau đây trong việc đánh giá CLDS và PTCN:
Thứ nhất, có rất nhiều điểm gặp nhau trong bộ công cụ HDI và bộ tiêu chí đánh giá CLDS.
Qua bộ tiêu chí đánh giá CLDS nêu trên chúng ta thấy hầu hết các chỉ tiêu trong thành phần cơ bản của bộ công cụ đánh giá HDI đều được thể hiện các tiêu chí thành phần trong bộ công cụ về CLDS. Bảng 1 sau đây về 25 tiêu chí đã được các nhà khoa học thống kê đề xuất để tính HDI của Việt Nam năm 2010, tác giả xin dẫn ra đây để những ai quan tâm có thể trực quan so sánh.
Bảng 1: Bộ chỉ tiêu phục vụ tính HDI và GDI
cấp toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố
STT
|
Tên chỉ tiêu
|
1
|
Tổng dân số toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
2
|
Dân số trong độ tuổi từ 6-24 của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
3
|
Dân số nam của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
4
|
Dân số nam độ tuổi từ 6-24 của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
5
|
Dân số nữ của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
6
|
Dân số nữ độ tuổi từ 6-24 của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
7
|
GDP theo USD-PPP của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
8
|
Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
9
|
Tổng số lao động nam đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
10
|
Tổng số lao động nữ đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
11
|
Tỉ lệ người lớn biết chữ của cả nước và các tỉnh, thành phố
|
12
|
Tỉ lệ người lớn nam biết chữ của cả nước và các tỉnh, thành phố
|
13
|
Tỉ lệ người lớn nữ biết chữ của cả nước và các tỉnh, thành phố
|
14
|
Số học sinh phổ thông của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
15
|
Số học sinh nam phổ thông của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
16
|
Số học sinh nữ phổ thông của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
17
|
Số học sinh trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
18
|
Số học sinh nam trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
19
|
Số học sinh nữ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
20
|
Tuổi thọ trung bình tại lúc sinh của dân số chung toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
21
|
Tuổi thọ trung bình tại lúc sinh của dân số nam toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
22
|
Tuổi thọ trung bình tại lúc sinh của dân số nữ toàn quốc và các tỉnh, thành phố
|
23
|
Chênh lệch tiền công của nữ so với nam trong phạm vi toàn quốc và tại các tỉnh, thành phố
|
24
|
Sức mua tương đương tiền đồng Việt Nam so với đô la Mỹ
|
25
|
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian của các tỉnh, thành phố
|
Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu TCTK về bộ công cụ tính chỉ số HDI[4]
Bảng trên cho thấy, dựa vào thế mạnh về tính cụ thể của bộ tiêu chí đánh giá CLDS đã cho phép làm rõ được thêm một số chiều cạnh quan trọng của PTCN. Cũng chính vì giữa hai bộ công cụ có nhiều điểm gặp nhau nên trước khi có bộ tiêu chí đánh giá CLDS (năm 2010), các nhà dân số học cũng đã sử dụng chỉ số HDI để đánh giá CLDS của Việt Nam[5].
Cả hai bộ tiêu chí đánh giá CLDS và bộ công cụ HDI đều thỏa mãn những nguyên tắc xây dựng chung, đó là:
1) Nguyên tắc 1: Tiêu chí được lựa chọn phải phản ánh đồng thời thực chất CLDS và chất lượng PTCN.
Nguyên tắc này thỏa mãn được việc các tiêu chí được lựa chọn sẽ đồng thời phản ánh rõ thực trạng về CLDS và chất lượng PTCN. Đảm bảo thể hiện được tính chất lượng của phát triển, cũng như đảm bảo các số liệu đo đạc được luôn trong trạng thái diễn tiến thực tế của các bình diện trong CLDS và PTCN, cho phép dự báo các chiều hướng phát triển đi lên hay tụt hạng trong PTCN và gợi ý những nguyên nhân của các xu hướng.
2) Nguyên tắc 2: Khi không có được tiêu chí phản ánh trực tiếp, có thể xác định tiêu chí thay thế.
Nguyên tắc này thỏa mãn việc trong những trường hợp thiếu số liệu đối với các tiêu chí phản ánh trực tiếp về CLDS và PTCN, chúng ta vẫn có thể tìm được các tiêu chí phản ánh gián tiếp để thay thế, ví dụ, để phản ánh thu nhập của người dân khi tính chỉ số HDI, lẽ ra người ta phải sử dụng tiêu chí tổng thu nhập quốc dân (GNI), nhưng vì thiếu số liệu về GNI bình quân đầu người (nhất là ở các quốc gia có trình độ thống kê chưa cao), nhiều quốc gia đã sử dụng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người để thay thế, tức là coi GDP và GNI đều có khả năng phản ánh CLDS như nhau.
3) Nguyên tắc 3: Đảm bảo tính hướng đích hiệu quả của thông tin.
Mục đích cuối cùng của việc xây dựng các bộ tiêu chí thống kê nói chung và bộ đánh giá HDI cũng như CLDS, đó là cung cấp công cụ thu thập số liệu đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, những người làm công tác nghiên cứu và sử dụng thông tin cho truyền thông,... trong từng lĩnh vực KT-XH cụ thể. Với nguyên tắc này, việc xây dựng các bộ tiêu chí luôn nhằm đảm bảo cung cấp thông tin theo yêu cầu các nhiệm vụ một cách hệ thống và khoa học, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu và hoạch định chính sách.
4) Nguyên tắc 4: Đảm bảo tính thống nhất của bộ tiêu chí.
Nguyên tắc này đảm bảo tính thống nhất về nguồn số liệu và tính tổng hợp về thông tin, giúp cho việc thu thập và cập nhật các thông tin số liệu được dễ dàng. Việc đảm bảo tính thống nhất giúp cho việc thu thập các số liệu thống kê nhất quán, đảm bảo tính hệ thống và khoa học, đặc biệt là đối với nguồn số liệu ở cấp trung ương.
5) Nguyên tắc 5: Đảm bảo tính chính thống của thông tin.
Tính chính thống của thông tin được thể hiện bằng việc sử dụng các số liệu thống kê chính thức, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc này giúp cho việc đánh giá CLDS và PTCN cũng mang tính chính thống, thống nhất và khách quan, khoa học. Thực tế đo đạc PTCN ở cấp tỉnh nước ta vào thập kỷ trước đã cho thấy những tranh cãi về thứ hạng giữa các tỉnh khi chưa có một công bố chính thức về chỉ số PTCN cấp tỉnh ở nước ta.
6) Nguyên tắc 6: Tiêu chí và số liệu đánh giá được phân tổ tới cấp tỉnh.
Tính toán chỉ số CLDS tổng hợp hay chỉ số HDI thường được ưu tiên trong đánh giá chung ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, với những đặc thù về khu vực, vùng miền, địa lý và dân tộc, việc cập nhật các số liệu đặc trưng của các địa phương là vô cùng cần thiết. Ngoài số liệu chung của cả nước, những người đánh giá còn phải có số liệu của các tiêu chí thống kê tương ứng được phân bổ tới cấp tỉnh, nhằm đảm bảo nguồn thông tin, số liệu sát với thực tiễn phát triển của các địa phương.
Một vài nguyên tắc khác cũng đã được các nhà dân số học đề xuất, như đảm bảo sự minh bạch của tiêu chí và số liệu lựa chọn, hay mức độ ưu trội về ý nghĩa của các tiêu chí. Tuy nhiên, tác giả bài viết không đồng tình với các nhà dân số học khi cho rằng, một số tiêu chí không có ý nghĩa cao trong việc xác định CLDS ở nước ta, ví dụ: Tỉ lệ học sinh trong độ tuổi được vào học lớp 1; Tỉ lệ xã có trạm y tế; Tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng điện; Tỉ lệ hộ gia đình có tivi; Tỉ lệ dân sống trong vùng phủ sóng phát thanh; Tỉ lệ dân sống trong vùng phủ sóng truyền hình; Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã; Tỉ lệ xã có trường mẫu giáo; Tỉ lệ xã có trường phổ thông cơ sở,... Trên thực tế, đây là các tiêu chí rất quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa đối với việc đánh giá CLDS và PTCN. Chính các tiêu chí đó đã có tác động trực tiếp đến CLDS và PTCN ở nước ta.
Thứ hai, Mối quan hệ giữa CLDS - CLCS và PTCN.
Có sự liên quan chặt chẽ giữa CLDS, CLCS và PTCN. Việc cải thiện, nâng cao CLDS sẽ là điều kiện vật chất tiên quyết góp phần cải thiện chỉ số HDI cũng như nâng cao CLCS của người dân. Chính sự cải thiện về CLDS được thể hiện ngay trong bản thân CLCS của người dân. Như vậy, có thể coi trong mối quan hệ này, CLDS là điều kiện vật chất để PTCN còn CLCS chính là mục tiêu của PTCN, và đến lượt mình nó lại trở thành điều kiện để nâng cao CLDS và nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Trong thực tế, nhiều chỉ tiêu để đo lường sức khỏe và CLCS cũng như chất lượng giáo dục đã được sử dụng để đo lường sự cải thiện phát triển về CLDS.
Như vậy, CLCS cũng được coi là một khái niệm tổng hợp, bao gồm các chỉ báo tổng hợp, có nội dung rất phong phú liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó thể hiện trong những nhu cầu được thỏa mãn về vật chất cũng như tinh thần của cá nhân, cộng đồng và toàn thể xã hội. Với 12 điểm đặc trưng mà William Ben - nhà dân số học Mỹ đã đề xuất, việc nâng cao CLCS đã trở thành mục tiêu quan trọng nhất mà sự nghiệp PTCN hướng tới:
· An toàn;
· Sung túc về kinh tế;
· Công bằng theo pháp luật;
· An ninh quốc gia;
· Được bảo hiểm lúc già, ốm đau;
· Hạnh phúc tinh thần;
· Sự tham gia vào đời sống xã hội;
· Bình đẳng về giáo dục, nhà ở và nghỉ ngơi;
· Chất lượng đời sống văn hóa;
· Quyền tự do công dân;
· Chất lượng môi trường kỹ thuật giao thông, nhà ở, thiết bị sinh hoạt, thiết bị giáo dục, y tế,...
· Chất lượng môi trường sống [6].
4. Kết quả đánh giá thử nghiệm theo bộ tiêu chí về chất lượng cuộc sống
Trên cơ sở số liệu chính thức công bố năm 2010 của Tổng cục Thống kê (TCTK) về các chỉ số trong CLDS (PQI) của 6 vùng kinh tế - xã hội và 63 tỉnh/thành phố theo bộ tiêu chí mà các nhà dân số học đã đề xuất, trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ tổng hợp một số kết quả được tính toán theo hai phương pháp trung bình cộng về CLDS của các tỉnh nước ta. Các bảng dưới đây sẽ là bằng chứng chứng minh cho sự phù hợp của các chỉ tiêu về CLDS với mức độ tiến bộ về PTCN.
Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi chỉ nêu kết quả của 6 vùng kinh tế tính theo vị trí lãnh thổ (Bảng 2), 6 tỉnh/thành phố có giá trị PQI cao nhất (Bảng 3) và 6 tỉnh có giá trị PQI thấp nhất (Bảng 4) theo phương pháp trung bình cộng. Kết quả như sau:
Bảng 2. Kết quả tính chỉ số CLDS (PQI)
theo trung bình cộng cho 6 vùng nước ta
Các vùng
|
Các nhóm thành tố
|
Chỉ số PQI (Phương pháp trung bình cộng)
|
Thể chất và
sức khỏe
|
Trí tuệ, học vấn, chuyên môn kỹ thuật và tay nghề
|
Tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng
|
Các đặc trưng nhân khẩu học
|
Đời sống vật chất và các dịch vụ XH cơ bản
|
Đông Nam Bộ
|
0.884
|
0.491
|
0.498
|
0.858
|
0.824
|
0.711
|
Đồng bằng
sông Hồng
|
0.868
|
0.546
|
0.491
|
0.727
|
0.696
|
0.666
|
TD và MN
phía Bắc
|
0.820
|
0.437
|
0.438
|
0.672
|
0.425
|
0.558
|
BTB và DH MT
|
0.838
|
0.465
|
0.466
|
0.689
|
0.578
|
0.607
|
Tây Nguyên
|
0.814
|
0.421
|
0.415
|
0.650
|
0.548
|
0.570
|
ĐB sông
Cửu Long
|
0.836
|
0.383
|
0.479
|
0.737
|
0.569
|
0.601
|
Toàn quốc
|
0.843
|
0.464
|
0.473
|
0.751
|
0.624
|
0.631
|
Nguồn: Kết quả thử nghiệm về CLDS của Đoàn Minh Lộc và cộng sự, 2012.
Bảng 2 cho thấy, các tỉnh Đông Nam Bộ gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương,... là các tỉnh có các trị số về CLDS cao trong cả nước, đồng thời cũng là các tỉnh có chỉ số PTCN cao nhất; tiếp đến là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bao gồm Hà Nội, Hải Phòng,...; các tỉnh có trị số CLDS dưới trung bình cộng cũng là các vùng có chỉ số PTCN thấp nhất trong cả nước.
Bảng 3. Kết quả tính chỉ số PQI theo trung bình cộng, 6 tỉnh cao nhất
Các tỉnh, thành phố
|
Các nhóm thành tố
|
Chỉ số PQI (Phương pháp trung bình cộng)
|
Thể chất và
sức khỏe
|
Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề
|
Tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng
|
Các đặc trưng nhân khẩu học
|
Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản
|
Tp. Hồ Chí Minh
|
0.909
|
0.550
|
0.512
|
0.934
|
0.880
|
0.757
|
Đà Nẵng
|
0.887
|
0.606
|
0.532
|
0.897
|
0.809
|
0.746
|
Hà Nội
|
0.886
|
0.601
|
0.545
|
0.785
|
0.771
|
0.718
|
Cần Thơ
|
0. 873
|
0.415
|
0.701
|
0.887
|
0.637
|
0.703
|
Bà Rịa-
Vũng Tàu
|
0.877
|
0.483
|
0.524
|
0.834
|
0.779
|
0.699
|
Quảng Ninh
|
0.844
|
0.571
|
0.529
|
0.840
|
0.685
|
0.694
|
Toàn quốc
|
0.843
|
0.464
|
0.473
|
0.751
|
0.624
|
0.631
|
Nguồn: Kết quả thử nghiệm về CLDS của Đoàn Minh Lộc và cộng sự, 2012.
Bảng 3 cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh đứng thứ nhất với PQI là 0,757, Đà Nẵng đứng thứ hai, Hà Nội (bao gồm Hà Tây cũ) đứng thứ ba. Trong tốp đầu của bảng so sánh, trị số các thành tố “Thể chất và sức khỏe” cũng như “Các đặc trưng nhân khẩu học” ở các tỉnh này đều đạt “mức tốt”; tiếp theo là trị số của thành tố “Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản” cũng đạt “mức khá” - đây là trị số gắn bó chặt chẽ nhất, có thể coi là các dữ liệu cơ bản để đánh giá PTCN. Chỉ riêng trị số của các thành tố cơ bản, liên quan chặt chẽ đến nguồn nhân lực và đời sống tinh thần của họ, đó là: “Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề” cũng như “Tinh thần, đời sống văn hóa và gắn kết cộng đồng” lại mới chỉ dừng ở “mức trung bình”. Như vậy, tương quan giữa các trị số tính toán được cho thấy, ngay các tỉnh đứng trong tốp đầu của bảng xếp hạng thì thành quả đạt được của tiến bộ xã hội và PTCN cũng không tương ứng tỉ lệ thuận với nhau.
Bảng 4. Kết quả tính chỉ số PQI theo trung bình cộng, 6 tỉnh thấp nhất
Các tỉnh, thành phố
|
Các nhóm thành tố
|
Chỉ số PQI (Phương pháp
trung bình
cộng)
|
Thể chất và sức khỏe
|
Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và
tay nghề
|
Tinh thần, đời sống
văn hóa
và gắn kết
cộng đồng
|
Các đặc trưng nhân khẩu học
|
Đời sống
vật chất và các dịch vụ xã hội
cơ bản
|
Lào Cai
|
0.796
|
0.409
|
0.407
|
0.600
|
0.363
|
0.515
|
Kon Tum
|
0.782
|
0.410
|
0.398
|
0.537
|
0.444
|
0.514
|
Sơn La
|
0.808
|
0.377
|
0.423
|
0.617
|
0.309
|
0.507
|
Điện Biên
|
0.802
|
0.363
|
0.362
|
0.594
|
0.255
|
0.475
|
Hà Giang
|
0.783
|
0.374
|
0.328
|
0.522
|
0.273
|
0.456
|
Lai Châu
|
0.790
|
0.343
|
0.305
|
0.562
|
0.213
|
0.443
|
Toàn quốc
|
0.843
|
0.464
|
0.473
|
0.751
|
0.624
|
0.631
|
|
Nguồn: Kết quả thử nghiệm về CLDS của Đoàn Minh Lộc và cộng sự, 2012.
Trong số 6 tỉnh xếp ở cuối bảng so sánh, có 5 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, một tỉnh thuộc Tây Nguyên. Đây là những tỉnh nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách trở về địa lý và có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất nước ta. Ở khu vực này hầu hết là người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc miền núi nghèo nhất, trị số thành tố “Đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản” ở mức thấp nhất cả nước. Trị số các thành tố “Trí tuệ, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề” và “Tinh thần, đời sống văn hóa cộng đồng” đều ở mức dưới trung bình. Để chứng minh cho nhận định trên, tác giả tổng hợp trong Bảng 5 và Bảng 6 dưới đây về kết quả tính chỉ số HDI của 6 tỉnh cao nhất và 6 tỉnh thấp nhất trong 63 tỉnh thành ở nước ta.
Bảng 5: Kết quả tính chỉ số HDI của 6 tỉnh cao nhất nước ta năm 2010
trong so sánh với năm 2008
STT
|
Tỉnh/Thành phố
|
Năm 2010
|
Thay đổi so với năm 2008
Tăng (+), Giảm (-)
|
HDI
|
Xếp hạng HDI
|
HDI
|
Xếp hạng HDI
|
1
|
Bà Rịa -
Vũng Tàu
|
0,8467
|
1
|
-0,0201
|
0
|
2
|
Tp. HCM
|
0,8162
|
2
|
0,0437
|
0
|
3
|
Đà Nẵng
|
0,7914
|
3
|
0,0299
|
1
|
4
|
Hà Nội
|
0,7854
|
4
|
0,0155
|
-1
|
5
|
Đồng Nai
|
0,7801
|
5
|
0,0362
|
4
|
6
|
Bình Dương
|
0,7742
|
6
|
0,0505
|
11
|
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả đề tài cấp Bộ của Nguyễn Văn Phẩm và cộng sự, 2010.
Bảng 6: Kết quả tính chỉ số HDI của 6 tỉnh thấp nhất nước ta năm 2010
trong so sánh với năm 2008
STT
|
Tỉnh/
Thành phố
|
Năm 2010
|
Thay đổi so với năm 2008
Tăng (+), Giảm (-)
|
HDI
|
Xếp hạng HDI
|
HDI
|
Xếp hạng HDI
|
58
|
Lào Cai
|
0,6385
|
58
|
-0,0051
|
-1
|
59
|
Cao Bằng
|
0,6326
|
59
|
-0,0250
|
-4
|
60
|
Sơn La
|
0,6229
|
60
|
-0,0176
|
-1
|
61
|
Hà Giang
|
0,5795
|
61
|
0,0092
|
1
|
62
|
Điện Biên
|
0,5795
|
62
|
-0,0203
|
-1
|
63
|
Lai Châu
|
0,5394
|
63
|
0,0018
|
0
|
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả đề tài cấp Bộ của Nguyễn Văn Phẩm và cộng sự, 2010.
Kết quả nêu trên cho thấy, không phải không có lý do mà tác giả nghiên cứu này đưa ra đề xuất Vận dụng bộ tiêu chí đo đạc về chất lượng dân số vào đánh giá phát triển con người. Rõ ràng là có một sự trùng hợp kỳ diệu về thứ hạng của các chỉ số HDI ở cấp tỉnh với thứ hạng của CLDS của 63 tỉnh thành ở nước ta. Do có những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, đề xuất này của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của các nhà dân số học, các nhà thống kê, và các nhà dân tộc học ở nước ta. Nhiều ý kiến đã nhất trí cao với chúng tôi là nên đưa đề xuất này lên UNDP để từng bước kiểm chứng và vận dụng vào đo đạc HDI của các quốc gia và các khu vực.
Kết luận
Có cùng chung các mục tiêu nhân văn là hướng tới sự cải thiện ngày càng cao hơn CLCS của con người, trên cơ sở tổng hợp, phân tích những kết quả nghiên cứu đã có được của các nhà thống kê dân số học, nghiên cứu này của chúng tôi đã chỉ rõ sự phù hợp và thỏa mãn cao các nguyên tắc khoa học chung của các chỉ tiêu, các tiêu chí đánh giá CLDS và PTCN. Với những cơ sở khoa học xác đáng, chúng tôi hi vọng đề xuất mạnh dạn này sẽ có những đóng góp nhất định trong việc đánh giá PTCN ở nước ta được toàn diện và chính xác hơn, khắc phục được những hạn chế vốn có của bộ công cụ HDI khi vận dụng vào thực tiễn đánh giá PTCN ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.
2. Nguyễn Đình Cử (2004), “Mối quan hệ giữa dân số và phát triển - Phương hướng nghiên cứu và khả năng ứng dụng”, Tạp chí Xã hội học, Số 3.
3. Tống Văn Đường (Chủ biên) (2001), Giáo trình dân số và phát triển dùng cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Qũy dân số Liên hiệp quốc (2000), Dân số và phát triển: Một số vấn đề cơ bản (tái bản lần thứ nhất có chỉnh sửa và bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. UBND Tp. Hà Nội (2011), Giáo trình Dân số học cơ bản.
6. Đoàn Minh Lộc, Dương Quốc Trọng và Võ Anh Dũng (2012), “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dân số”, Tạp chí Dân số và phát triển, Số 10 (139).
7. Đoàn Minh Lộc, Dương Quốc Trọng, Võ Anh Dũng và Nguyễn Văn Phẩm (2012), “Bộ tiêu chí phản ánh chất lượng dân số và kết quả đánh giá thử nghiệm”, Tạp chí Dân số và phát triển, Số 7(136).
8. Trịnh Thị Kim Ngọc (2014), “Những cơ hội và thách thức về dân số và nguồn nhân lực tác động đến phát triển con người Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, Số 3(72), tr.13 - 28.
9. Nguyễn Văn Phẩm (2013), Phương pháp và quy trình đánh giá PTCN ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam, TCTK, Hà Nội.
10. Nguyễn Thị Thiềng, Lưu Bích Ngọc, Giáo trình Dân số học (năm 2008), Viện Dân số và các vấn đề xã hội.
11. Tổng cục Thống kê - UNDP (2011), Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hà Nội.
12. Tổng cục Thống kê (2011), Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2010: Kết quả chủ yếu, Hà Nội.
13. Tổng cục Thống kê (2011), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam, Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu, Hà Nội.
14. Trang Web của Tổng cục Thống kê: www.gso.gov.vn
15. Từ điển Bách khoa của Việt Nam (1995), Hà Nội.
16. MC Nussbaum, J Glover (1995), Culture and Development, Oxford University Press Women, A Study of Human Capabilities.
17. UNDP, Các Báo cáo Phát triển con người (HDR) hàng năm của UNDP từ năm 1990 đến năm 2011, http://hdr.undp.org/en/reports.
18. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - UNDP (2006), Phát triển con người 1999 - 2004: Những thay đổi và xu hướng chủ yếu, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
* PGS. TSKH.; Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
[1] Bộ công cụ HDI bao gồm 3 chỉ số thành phần: thu nhập, giáo dục và sức khỏe.
[2] Theo Từ điển Bách khoa của Việt Nam (1995).
[3] Đoàn Minh Lộc, Dương Quốc Trọng và Võ Anh Dũng (2012), “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dân số”, Tạp chí Dân số và phát triển, Số 10 (139).
[4] Nguyễn Văn Phẩm (2010), Đề tài cấp Bộ: “Phương pháp và quy trình tính HDI cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam”, TCTK, Hà Nội.
[5] Trường Trung cấp Y tế Hà Đông (2011), Giáo trình Dân số học cơ bản, tr. 43.
[6] UBND Tp. Hà Nội (2011), Dẫn theo Dân số học cơ bản.