Với lập luận rằng, có nguồn nhân lực dồi dào với 86 triệu dân năm 2009, đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam không có con đường nào tốt hơn là xây dựng và thực thi chiến lược phát triển lấy con người làm trung tâm, bài viết đã đi sâu vào phân tích vai trò của giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đồng thời xây dựng những chiến lược để thực hiện tốt chiến lược này. Theo tác giả, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo bậc cao, đại học và trên đại học. Đây là lĩnh vực hiện đang còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những nhu cầu của giai đoạn phát triển mới gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Muốn làm được điều đó, trước hết các cấp đại học và trên đại học phải dạy và học các kiến thức quốc tế để đào tạo ra người có khả năng làm việc cả ở trong nước và nước ngoài. Cần xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục, xây dựng một hệ thống giáo dục thực sự phục vụ phát triển, coi trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mười, thành tích thi cử một. Hơn nữa, cần giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các cá nhân, vùng miền. Đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 25% và phải xây dựng được một đội ngũ các nhà doanh nhân giỏi. Cuối cùng, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là việc giải phóng tư duy và năng lực sáng tạo, trọng dụng người tài, loại bỏ những rào cản gây trở ngại đối với sự sáng tạo và đóng góp của người tài.
Phạm Thu Hương lược thuật