Bài báo đi vào giới thiệu quá trình hình thành và triển khai công tác đào tạo của cơ sở đào tạo nhân loại học văn hóa trình độ tiến sĩ của Viện nghiên cứu Con người, từ đó so sánh với chương trình và mục tiêu đào tạo của Nhật Bản và rút ra một số ý kiến mang tính trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác đào tạo nhân loại học văn hóa nói chung tại Việt Nam. Trước hết, có thể nêu ra hai lý do thúc đẩy sự ra đời của cơ sở đào tạo này: một là việc chọn lựa khoa học nền tảng cho Viện, hai là nhận thức về vai trò tác động tương hỗ giữa đào tạo và nghiên cứu, về nhu cầu xã hội sẽ nảy sinh đối với với nguồn nhân lực có kiến thức về khoa học mới mẻ này. Tuy nhiên, đối với xã hội, nhân loại học văn hóa xã hội vẫn còn là một khoa học rất mới, ít người biết và ít được quan tâm, vì vậy nhu cầu đào tạo chưa thể nói là thực sự cao mặc dù có tăng lên hàng năm. Điểm quan trọng nhất của bài báo chính là việc tác giả đi so sánh và chỉ ra được hạn chế trong công tác đào tạo nhân loại học văn hóa xã hội ở Việt Nam và Nhật Bản về chương trình đào tạo và mục tiêu đào tạo. Trong khi chương trình đào tạo của Nhật Bản rất chú trọng vào hai mảng văn hóa chung (khu vực và so sánh) và điền dã thì chương trình của Việt Nam lại có vẻ xem nhẹ hai mảng thể hiện linh hồn của ngành học này. Sự khác biệt còn được thể hiện rõ rệt ở sự tương phản trong mục tiêu đào tạo giữa hai nước. Trong mục tiêu đào tạo của Nhật Bản – được thể hiện bởi chương trình thực học nói trên – phản ánh cụ thể, rõ ràng tính chất của ngành học thì của Việt Nam chỉ mang tính chung chúng ít mang bản sắc của ngành đào tạo. Hơn nữa, đào tạo nhân học ở Việt Nam cũng chịu tác động của một số yếu tố: ngoại ngữ của sinh viên còn hạn chế; chưa có tạp chí Nhân loại học văn hóa xã hội; việc nghiên cứu và đào tạo dường như chưa được gắn kết chặt chẽ. Những yếu tố này cũng góp phần tạo cho ngành khoa học này cũng chưa thực sự đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo. Đây chính là những thách thức đặt ra cho người làm nghiên cứu và đào tạo nhân loại học ở Việt Nam cần phải xem xét, tổng kết lại công tác mới mẻ này nhằm tạo đà cho một bước phát triển mới trong tương lai.
Phạm Thu Hương lược thuật