Bài viết tập trung trình bày hai phần. Phần 1 đề cập tới việc huy động, sử dụng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, nhìn từ giác độ chung là nguồn nhân lực của phát triển và từ giác độ là đội ngũ lao động trình độ cao. Phần 2 nêu một số suy nghĩ về đổi mới chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để tránh “bẫy thu nhập trung bình”. Ở phần 1, tác giả đã chỉ ra thực trạng trình độ khoa học và công nghệ nước ta, trong đó nhân lực khoa học và công nghệ là nhân tố chủ thể, còn cách xa không chỉ với thế giới và khu vực mà còn xa hơn với các mục tiêu gắn với định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, cơ cấu nền kinh tế được định hướng chuyển dần sang chiều sâu, ít thâm dụng tài nguyên, năng lượng của nước ta. Qua đó, bài báo đưa ra một số suy nghĩ về hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Nếu nhìn từ thực trạng nhân lực và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nước ta hiện nay thì phải đổi mới cả về mặt tư duy, nhận thức và hành động. Và cũng theo tác giả, có lẽ còn cần suy nghĩ nhiều thêm về loại giải pháp chính sách mang tính chất tạo dựng những chiếc “cầu nối” nối hai “bờ sông” hiện còn đang bị cách trở, tách rời, đó là: hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động kinh tế.
Phạm Thu Hương lược thuật