Giới thiệu bài: Truyền thông đại chúng: tương tác văn hóa/ Mai Quỳnh Nam// Tạp chí Nghiên cứu Con người._ Số 3, 2010

19/03/2013

Trong giao tiếp đại chúng, mối quan hệ giữa công chúng với TV, radio, báo viết, báo điện tử được thực hiện bằng các tương tác gián tiếp thông qua sự trao đổi và tác động lẫn nhau. Từ quan điểm đó, tác giả bài viết đặt ra câu hỏi: điều gì đã chi phối sự khác biệt của các bộ phận công chúng trong giao tiếp đại chúng? Có nhiều yếu tố, trong đó văn hóa giữ vai trò nổi bật. Sự khác biệt có nguyên nhân từ văn hóa và nhu cầu của sự thấu hiểu. Theo bài viết, điều này đã phản ánh sự liên kết ở tính ba mặt của giao tiếp trong truyền thông đại chúng: đó là mặt tương tác, mặt thông tin và mặt nhận thức. Tính đặc thù của quá trình này thể hiện ở chỗ nhận thức giữa các nhóm công chúng có thể xuất hiện mà không có sự tương tác trực tiếp của các thành viên trong nhóm với các nhà truyền thông. Bù lại, các phương tiện truyền thông đại chúng là tác nhân cơ bản tạo nên văn hóa đại chúng, được đặc trưng bởi khả năng sản xuất hàng loạt, bởi độ bao phủ rộng lớn, bởi sự liên kết của các quan hệ chức năng tạo thành hệ thống đa phương tiện. Nhưng chính những tác nhân này lại dẫn đến sự lo ngại bởi nguy cơ phá vỡ các quan hệ văn hóa cộng đồng được tạo nên từ trầm tích lịch sử tại các khu vực cư trú vốn có từ ngàn xưa. Vì thế, truyền thông đại chúng với tư cách  là một thiết chế cơ bản trong xã hội hiện đại thì cần phải chuẩn mực, phải duy trì các giá trị, phải tạo dựng khuôn hình văn hóa. Do đó, trường phái Xã hội học Chicago đã rất coi trọng vai trò quảng bá văn hóa của truyền thông đại chúng trong việc xã hội hóa các cá nhân trong xã hội.

Phạm Thu Hương lược thuật

The older news.............................