Bài viết xem xét khái niệm văn hóa trong khoa học nghiên cứu về con người là Nhân loại học văn hóa, trên cơ sở phân tích sự đa dạng và phức tạp của một khái niệm tưởng như gần gũi nhưng cũng hết sức mơ hồ. Các nhà nghiên cứu Việt Nam thường hay nhắc đến công trình hệ thống lại khái niệm văn hóa: Culture: A critical Review of Concepts and Definitions (1952) của Kroeber Alfred và Kluckhohn. Từ khi công trình này ra đời cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngày nay người ta cho rằng số lượng định nghĩa văn hóa đã tăng lên nhiều, có người cho rằng có tới hơn 600 định nghĩa. Điều này cho thấy, đến nay vẫn chưa có được một định nghĩa nào về văn hóa được đa số chấp nhận. Tác giả bài báo cũng chỉ ra rằng: khái niệm văn hóa trong khoa học nghiên cứu về con người thông qua văn hóa là Nhân loại học văn hóa thường được hiểu theo nghĩa tổng hợp là “phương thức sống”. Tuy nhiên, bài báo cũng khẳng định, đối với khái niệm văn hóa trong Nhân loại học văn hóa, một cách khái quát nhất thì có thể tổng kết thành 4 cách tiếp cận. (1) cách thứ nhất nắm bắt văn hóa một cách tổng quát; (2) cách thứ hai coi văn hóa là hệ thống thích ứng với điều kiện tự nhiên; (3) cách thứ ba coi văn hóa là hệ thống khái niệm; (4) cách thứ tư nắm bắt văn hóa như một hệ thống biểu tượng. Tương ứng với 4 cách tiếp cận này, nội dung khảo sát đối tượng văn hóa của Nhân loại học được hình thành từ 4 mảng chính là: văn hóa kỹ thuật (tương đương với hệ thống thích ứng); văn hóa giá trị (tương đương với hệ thống khái niệm); văn hóa xã hội (tương đương với lối sống) và văn hóa ngôn ngữ (tương đương với biểu tượng). Cuối cùng, tác giả lưu ý rằng, khái niệm văn hóa trong khoa học mang tính mô hình khái niệm tức là đã được làm đơn giản hóa nhằm thuận lợi cho việc nghiên cứu, vì vậy khi vận dụng (mô hình khái niệm) cần lưu ý đến tính gắn kết không thể tách rời giữa các yếu tố cấu thành được tạm thời phân cắt trong mô hình.
Phạm Thu Hương lược thuật