Sách báo viết về Hồ Chí Minh, cả trong nước lẫn nước ngoài, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác, ít nhiều đều có ý tưởng tiếp cận với chuyên đề “Chủ nghĩa nhân văn” vì đây chính là một nội dung không thể thiếu khi nói về nhân cách Hồ Chí Minh. Có thể nói đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo trong cùng một vòng tròn logic, gắn liền với tư tưởng cộng sản Mác – Lênin, được nuôi dưỡng trên mảnh đất Việt Nam và các giá trị nhân văn Việt Nam vừa là điểm xuất phát vừa là mục tiêu thường trực của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nhiều những nghiên cứu tập trung trực tiếp vào chủ đề “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh”. Từ những trước tác của Người, cộng thêm những tư liệu có được từ những cộng sự đắc lực, học trò, sống và làm việc bên Người suốt mấy thập kỷ qua đã trở thành xuất phát điểm cho bài viết này của tác giả. Từ đó, tác giả bài viết đã khái quát 6 nội dung của Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: (1) Yêu thương vô hạn con người, nhất là người bị áp bức, nghèo khổ; (2) Coi trọng con người; (3) Giải phóng con người khỏi áp bức, nô lệ, nghèo khổ, lầm than. Đấy là lý tưởng kiên định suốt đời Người; (4) Khoan dung; (5) Sử dụng đúng người; (6) Một triết lý hành động. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ là một triết lý đơn thuần theo nghĩa thông thường mà đó là triết lý hành động – cải tạo thế giới. Từ đó có thể nói, Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng lý thuyết cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Phạm Thu Hương lược thuật