Bài viết phân tích mối quan hệ giữa sử dụng bền vững đất đai và phát triển con người trong thực tiễn ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp xử lý hiệu quả những bất cập còn tồn tại trong mối quan hệ này.
Đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói riêng mà còn là nguồn vốn to lớn đối với hoạt động kinh tế nói chung. Khai thác đất đai một cách bền vững có tác động tích cực to lớn đến phát triển con người. Ngược lại, sử dụng không bền vững đấ đai có thể dẫn đến suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển con người, làm bùng phát các mâu thuẫn xã hội, thậm chí cả những bất ổn chính trị.
Tại nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu,vùng xa, người nông dân phụ thuộc rất nhiều vào đất để kiếm sống. Tỷ lệ đất nông nghiệp trên đầu người và hệ thống đất đai/ lao động của Việt Nam khá thấp so với mức trung bình của khu vực và thế giới là một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động trong ngành nông nghiệp thấp, thu nhập thấp, đời sống người nông dân bấp bênh.
Bên cạnh việc phân tích mối quan hệ giữa sử dụng bền vững đất đai và phát triển con người trong thực tiễn ở Việt Nam, tác giả cũng chỉ ra rằng, các chính sách về đất đai ở nước ta hiện ít có tác dụng thúc đẩy việc vốn hóa đất đai do đó không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp nói riêng. Do đó, theo tác giả, cần có một chính sách hợp lý về đất đai và có cơ chế hợp lý để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hoàn thiện thị trường đất đai, nhất là thể chế quyền sử dụng đất, thúc đẩy việc chuyển đất đai thành vốn tạo thuận lợi cho việc giao dịch, phân bổ và sử dụng tài nguyên đất đai một cách hiệu quả.
Bùi Thị Hiền Hòa (lược thuật)