Tác giả bài viết trước khi đưa ra một bức tranh về cái nhìn nhà trường Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đã dựa trên những ý tưởng từ thông báo kết luận của Bộ chính trị về thực hiện nghị quyết TW 2 (khóa VIII) đó là “ xây dựng nền giáo dục mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Tác giả cho rằng kết luận này mang tính triết lý rất sâu sắc được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử giáo dục Việt Nam từ thời khởi nguồn cho đến ngày nay đặc biệt có thể thấy rõ triết lý này đạt đỉnh cao nhất phải kể đến thời kỳ nhà Lý, sau đó là giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám. Gần đây, khi đất nước ta gia nhập tổ chức WTO khiến cho việc giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục tăng cường nên sẽ có nhiều yếu tố nước ngoài thâm nhập vào nhà trường Việt Nam. Vì thế, để kế thừa giá trị tinh hoa của nền giáo dục mang đậm bản sắc dân tộc, tác giả cũng nhấn mạnh nhà trường Việt Nam cần phải nên nêu cao “lòng tự hào, tự tôn dân tộc” làm sao để cả nhà trường, các giảng viên, sinh viên nước ngoài hợp tác với ta nhưng vẫn phải tôn trọng văn hóa của chúng ta. Để làm được điều đó, theo tác giả trước hết nhà trường Việt Nam phải truyền đạt cho người học thấm nhuần hệ giá trị Việt Nam.
Nguyễn Thu Thủy lược thuật