Bài viết xem xét mối quan hệ giữa nhân học với xã hội học, và đặt câu hỏi liệu chúng có thực sự được coi là hai ngành riêng biệt không. Để trả lời câu hỏi đó, tác giả đi kiểm chứng những giả định thông thường về mối quan hệ giữa hai ngành khoa học và chứng minh: những bậc tiền bối chung của hai ngành khoa học, việc sản sinh lý thuyết xuyên ngành, cũng như những biến động lịch sử trên thế giới đã truyền bá ranh giới giả định giữa hai ngành khoa học này.
Nếu ta nhìn vào nghĩa của từ: Nhân học (Anthropology) bắt nguồn từ chữ anthropos, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “con người” (human) và chữ logos có nghĩa là lý lẽ (khoa học). Theo đó, nghiên cứu nhân học tập trung vào con người. Như vậy, Nhân học không khác nhiều so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Xã hội học, theo nghĩa gốc Hy Lạp, từ socius, theo nghĩa đen là bầu bạn, hoặc khái quát hơn là xã hội loài người và tương tác xã hội. Với nghĩa rộng hơn, xã hội học và nhân học chia sẻ cùng nhau đối tượng nghiên cứu là con người và cách mà con người tổ chức cuộc sống và làm nên ý nghĩa của cuộc sống.
Có một điểm khác biệt quan trọng về trọng tâm và cách mà nhà xã hội học và nhân học nghiên cứu con người và xã hội. Phổ biến nhất là phát biểu cho rằng các nhà xã hội học nghiên cứu các xã hội “hiện đại” hoặc “công nghiệp hóa”, và các nhà nhân học nghiên cứu các xã hội “nguyên thủy” hoặc các xã hội “bộ lạc”. Tuy nhiên, sự phân biệt này từ lâu đã không còn giá trị, nhất là trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa hiện nay. Một tuyên bố khác cũng thường được đưa ra là các nhà xã hội học sử dụng phương pháp định lượng, trong khi đó các nhà nhân học tiến hành các nghiên cứu định tính. Sự quả quyết này cũng quá mơ hồ. Cuối cùng, người ta hay cho rằng xã hội học nghiên cứu xã hội và nhân học nghiên cứu văn hóa. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nhân học và xã hội học giờ đây đã nhất trí, xã hội và văn hóa không phải là hai phạm trù tách biệt rạch ròi và cố định, mà có có nhiều điểm chồng chéo giữa chúng.
Bất kể những khác biệt về nguồn gốc, xã hội học và nhân học có chung một số bậc tiền bối về mặt học thuật. Cả hai ngành có thể có chung nguồn gốc từ các nhà tư tưởng thời kỳ Ánh sáng như Montesquieu. Những kết nối quan trọng nhất giữa nhân học và xã hội học có thể nhìn thấy trong tuyến lý thuyết thuộc Pháp, đại diện tiêu biểu là Durkheim, Bourdieu. Song, không chỉ trong truyền thống Pháp, nhân học và xã hội học mới gần gũi nhau mà ở Mĩ cũng vậy. Nhân vật quan trọng được nhắc đến đó là nhà nhân học Mỹ lừng danh Clifford Geertz.
Từ việc kiểm chứng những giả định trên, tác giả bài viết khẳng định, sự trao đổi giữa nhân học và xã hội học - cũng như các ngành khác trong khoa học xã hội và nhân văn - thậm chí đã và đang rõ rệt hơn do dự sự nổi lên của những lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào các chủ đề, chẳng hạn như đô thị học, nghiên cứu tộc người, nghiên cứu giới, và nghiên cứu di cư. Sẽ là quá hấp tấp để chỉ ra ở đây sự liên kết lại giữa hai ngành, nhưng điều quan trọng đối với các nhà nhân học và các nhà xã hội học là làm thế nào để những tiếp cận riêng và những mối quan tâm trung tâm của họ không chỉ bổ sung mà còn ủng hộ lẫn nhau.
Nguyễn Thắm lược thuật