Giới thiệu bài: Tâm tính người Nhật qua biểu tượng văn hóa/ Vũ Minh Chi// Tạp chí Nghiên cứu Con người._ Số 5, 2011.

26/12/2012
Trong bài viết này, tác giả đã dừng lại ở loại hình “biểu tượng nhân vật”, hơn nữa, cũng chỉ giới hạn ở hai loại biểu tượng nhân vật, một là các nhân vật được in trên tiền giấy của Nhật và hai là một số bức tượng đồng lớn, nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, qua đó góp một tiếng nói vào những nỗ lực nhằm “giải mã tính cách Nhật Bản” giữa những người quan tâm, am hiểu hoặc chuyên nghiên cứu về Nhật Bản đang trở nên sôi nổi gần đây.

Tâm tính người Nhật qua biểu tượng văn hóa

TS. Vũ Minh Chi

Một trong những góc nhìn mà Nhân loại học văn hóa - khoa học nghiên cứu con người qua văn hóa coi trọng nhằm giải mã  tính cách dân tộc chính là thông qua các biểu tượng, cụ thể là biểu tượng văn hóa. Có thể kể ra rất nhiều biểu tượng văn hóa trong vô số biểu tượng của một nền văn hóa mà người ta thường diễn đạt là “rừng biểu tượng”, trong bài viết này, tác giả đã dừng lại ở loại hình “biểu tượng nhân vật”, hơn nữa, cũng chỉ giới hạn ở hai loại biểu tượng nhân vật, một là các nhân vật được in trên tiền giấy của Nhật và hai là một số bức tượng đồng lớn, nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, qua đó góp một tiếng nói vào những nỗ lực nhằm “giải mã tính cách Nhật Bản” giữa những người quan tâm, am hiểu hoặc chuyên nghiên cứu về Nhật Bản đang trở nên sôi nổi gần đây.

Trong khi ở các nước, hầu hết trên tiền tệ đều có  in hình chân dung các nhân vật trọng yếu trong lĩnh vực quân sự hay chính trị (chính trị gia) thì  ở Nhật Bản, từ thời Minh Trị đến nay (bắt  đầu từ năm Minh Trị thứ 14 tức năm 1881), khi thực hiện Âu hóa, người Nhật cũng học người nước ngoài in chân dung các nhân vật lên tiền giấy, ban đầu cũng là các vị vua chúa và chính trị gia, song trải qua một thời gian đến thời hiện đại, có một điều khác biệt thể hiện một nét tính cách Nhật Bản là các nhân vật được chọn làm biểu tượng in trên tiền giấy không còn là những nhân vật quyền thế nữa, thay vào đó đều là chân dung các nhà văn hóa tiêu biểu của Nhật Bản thời cận đại (nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà văn và nhà khoa học). Nhắc đến các bức tượng đồng ở Tokyo, mọi người đều nhắc ngay tới hai bức tượng đồng nổi tiếng là Hachiko ở ga Shibuya và tượng Saigo Takamori ở công viên Ueno. Các biểu tượng tượng đồng nổi tiếng nhất ở Tokyo đều là tượng của các nhân vật khác biệt, kiệt xuất, nhưng điều quan trọng mà họ được chọn dựng tượng là ở một điểm chung: đều có số phận kết thúc bi thương tác động đến lòng trắc ẩn của con người.

Kết quả  tìm hiểu loại hình biểu tượng văn hóa là các nhân vật được in trên tiền giấy và một số  tượng cá nhân dựng trong thành phố Tokyo đã cho thấy một nét tính cách Nhật Bản được gọi là hoganbiiki - nghĩa là ít đề cao kẻ mạnh mà có xu hướng ưu ái những số phận bi kịch - hoặc những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa hơn là quân sự và chính trị. Có thể nói, tâm tính này của người Nhật là một cánh cửa đã được mở ra cho sự giải mã tính cách Nhật Bản - một đề tài được bình luận sôi nổi gần đây sau trận động đất và sóng thần lịch sử tháng 3 năm 2011.

Nguyễn Thắm lược thuật

The older news.............................