Giới thiệu bài: Các chỉ số về quyền con người ý nghĩa và khả năng áp dụng ở Việt Nam/ Tường Duy Kiên// Tạp chí Nghiên cứu Con người._ Sô 5, 2011.

26/12/2012
Bài viết luận bàn sự cần thiết xây dựng bộ chỉ số về quyền con người ở Việt Nam và gợi ý lộ trình và cách thức thực hiện công việc này.


Cùng với việc xây dựng chỉ số phát triển con người để đo mức  độ phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới, trong một số năm trở lại đây, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã bàn tới chỉ số về quyền con người và từ năm 2006, Liên hợp quốc đã chính thức khởi xướng xây dựng các báo cáo có liên quan tới việc xác định và sử dụng các chỉ số nhằm thúc đẩy và giám sát việc thực hiện quyền con người, gọi chung là các chỉ số nhân quyền (HRI).

Trong Báo cáo của Liên hợp quốc về chỉ số giám sát tuân thủ các điều ước quốc tế về quyền con người, các chỉ số về quyền con người được hiểu là: “những thông tin cụ thể về tính chất của một sự kiện, một hoạt động hoặc một kết quả có liên quan tới các quy phạm và chuẩn mực nhân quyền; nó giải quyết và phản ánh về mối quan tâm và các nguyên tắc nhân quyền; và được sử dụng để đánh giá và giám sát việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Như vậy, các chỉ số nhân quyền là để đo việc hưởng thụ nhân quyền bởi chủ thể mang quyền (cá nhân và cộng đồng) và việc thực hiện các cam kết nhân quyền bởi các chủ thể mang nghĩa vụ (nhà nước).

Khi nghiên cứu các chỉ số về nhân quyền, cần có sự phân biệt giữa chỉ số và thống kê. Chỉ số về nhân quyền bao hàm cả chỉ số định tính và chỉ số định lượng. Chúng có tính chất nghiêng về phân tích nhiều hơn; gắn với mục đích, có tính xác định cụ thể hoặc một vấn đề quan tâm, đồng thời cũng thường gắn với chính sách, thủ tục và sự phát triển. Nghiên cứu chỉ số nhân quyền (HRI) cũng cần chỉ ra những điểm chung và sự khác biệt với chỉ số phát triển con người (HDI). HDI và HRI có ba đặc điểm chung: 1) đều chia sẻ mục tiêu của việc tạo ra thông tin, đưa ra các dấu hiệu chỉ báo về chính sách, và làm thế nào để hiện thực hóa các tự do của con người được tốt hơn, như tự do mong muốn, tự do không bị sợ hãi, và tự do không bị phân biệt đối xử; 2) đều dựa trên các tiêu chuẩn để đánh giá về kết quả đầu vào và đầu ra, để nói về một vấn đề, không chỉ dựa vào tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ tử vong, mà còn tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ học sinh và giáo viên; 3) đều sử dụng các số đo như tỷ lệ trung bình để đưa ra những thông tin ở các cấp độ khác nhau. HDI và HRI cũng có ba đặc điểm khác biệt về nền tảng khái niệm, gây sự chú ý và thông tin bổ sung.

Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về quyền con người công nhận rằng, có ba loại chỉ số về nhân quyền đã được thừa nhận để đo mức độ hưởng thụ và thực hiện nhân quyền. Ba loại chỉ số này không loại trừ nhau mà chúng phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho nhau: 1) Các chỉ số có tính cấu trúc (Structural Indicators) để đo lường việc tuân thủ về mặt lý thuyết (de jure) đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền; 2) Các chỉ số về quá trình (process indicators) để đo việc thực hiện nhân quyền trên thực tế của nhà nước (de factor); 3) Chỉ số kết quả (outcome indicators) để đo việc hưởng thụ trên thực tế các quyền con người. Để minh họa cho các chỉ số về quyền con người, tác giả bài viết đã lấy một ví dụ về quyền thực phẩm tối thiểu được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa để phân tích.

Dựa trên việc phân tích những căn cứ chính trị - pháp lý và thực tiễn của Việt Nam, xác định mục đích và ý nghĩa xây dựng các chỉ số quyền con người, tác giả bài viết đặt ra câu hỏi là liệu Việt Nam có nên xây dựng Bộ chỉ số về quyền con người hay không? Đồng thời cũng khẳng định rằng đây thực sự là vấn đề lớn, cần có lộ trình và thời gian thích hợp. Trước hết, cần tập trung nghiên cứu một cách thấu đáo về cả mục đích, ý nghĩa và phương pháp. Nên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về học thuật, về kỹ năng trong giới chuyên môn. Tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc tế, nhất là những nước có chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội tương tự như Việt Nam và cả những nước có trình độ phát triển cao.

 

Nguyễn Thắm lược thuật

The older news.............................