Bài viết này xuất phát từ quan niệm “nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học” gọi ngắn gọn là “trình độ đại học” để phân tích các số liệu thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu và Một số kết quả chủ yếu từ khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010 nhằm chỉ ra những vấn đề bất bình đẳng xã hội cần phải giải quyết trong giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả chỉ ra rằng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng thấp, yếu kém và chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng. Ngay với tỉ trọng thấp như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chứa đựng các hình thức bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về vùng miền, giữa nhóm giàu và nhóm nghèo. Mặc dù Việt Nam đã đạt được trình độ bình đẳng giới khá cao với tỉ lệ nam và nữ đến trường gần như tương đương nhau nhưng tỉ lệ đi học đúng tuổi của cả nam và nữ ở Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học và Sau đại học là rất thấp, nhất là ở vùng nông thôn nghèo.
Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của tình trạng trên là do cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là giáo dục đại học của người Việt Nam vừa bị hạn chế vừa bị phân bố không công bằng, thiếu bình đẳng giữa các khu vực, các vùng miền.
Các kết quả phân tích về hiện tượng “bình đẳng giới cao ở trình độ thấp” và các biểu hiện khác của bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục gợi ra sự cần thiết phải đổi mới tư duy chiến lược, pháp luật và chính sách nhằm nâng cao, mở rộng cơ hội đến trường trung học phổ thông nhất là trường cao đẳng, đại học cho đa số nam và nữ nhất là ở những vùng nông thôn và các hộ nghèo. Giáo dục đại học Việt Nam cần đổi mới theo quy luật “lượng đổi chất đổi” từ giáo dục phổ thông đến đại học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nguyễn Thắm lược thuật