Hội thảo khoa học: Những vấn đề trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

11/11/2021

Ngày 10 tháng 11 năm 2021, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”.

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người. Về phía khách mời, có PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Đỗ Ngọc Thanh, Bộ môn Luật, Học Viện Tài Chính, Bộ Tài Chính; TS triết học - Vũ Thị Hằng, khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Xây dựng HN. Về phía các Viện nghiên cứu, các trường đại học, có các đại biểu đến từ Viện xã hội học, Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật - Đại học Huế, Viện Quyền con người- Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia; Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Giáo dục cùng toàn thể các nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Con người.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người và TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng Phòng Quyền con người - An ninh con người đồng chủ trì hội thảo.

Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của nghiên cứu Quyền con người và đảm bảo quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế và chính trị thế giới, các vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang gia tăng, đặc biệt là sự tham gia ngày càng có uy tín trong tư cách là thành viên của Liên hợp quốc và tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bất chấp những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, nhân quyền. Kinh tế và chính trị đất nước ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và ổn định. Trong suốt quá trình lãnh đạo, vấn đề quyền con người, quyền công dân được khẳng định luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới…; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức và công dân. Đảng đặc biệt quan tâm đến bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài” (Văn kiện ĐH XIII). Báo cáo đề dẫn cũng khẳng đinh. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức khiến nhiều quyền con người và quyền của nhiều nhóm xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này đặt ra những đòi hỏi như: các chủ thể phải có nhận thức đầy đủ, toàn diện và hành động mạnh mẽ hơn trong thụ hưởng quyền và thực hiện trách nhiệm vì một xã hội bình đẳng; các quyền con người, quyền công dân của tất cả mọi người đều phải được tôn trọng, được bảo vệ và được thực hiện.

Hội thảo đã được nghe 6 tham luận trình bày tại hai phiên

Phiên thứ nhất: “Quyền con người và những vấn đề lý luận về bảo đảm quyền con người”, gồm 3 tham luận được trình bày:

Thứ nhất, TS. Vũ Thị Thanh - Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận “Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam trong xã hội truyền thống và hiện đại”

 

TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Diễn giả trình bày tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến và trong xã hội hiện nay. Tham luận cho thấy trong các xã hội, từ truyền thống đến đương đại, vấn đề về quyền con người đã được Việt Nam quan tâm. Tư tưởng về quyền con người ở Việt Nam, thể hiện qua các quy định, pháp luật của Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử, thường hướng tới việc đảm bảo sự an sinh trên các phương diện của đời sống của người dân, đề cao sự bình đẳng và dành sự quan tâm đặc biệt cho các nhóm xã hội yếu thế. Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần đảm bảo quyền con người, Đảng và nhà nước Việt Nam coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện quy trình lập pháp và xây dựng nền tư pháp, hướng tới việc xây dựng một nhà nước pháp quyền để đảm bảo công bằng, công lý và quyền con người của người dân.

Thứ hai, TS. Phạm Thị Tính - Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận “Về phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở quyền con người: những giá trị lý luận và thực tiễn: vận dụng tiếp cận dựa trên quyền vào nghiên cứu phát triển con người”

 

TS. Phạm Thị Tính, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Trong tham luận này, diễn giả trình bày quan điểm của Liên hợp quốc về vấn đề quyền con người và phát triển con người; về vai trò của phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở quyền con người và những giá trị lý luận và thực tiễn của phương pháp  từ đó vận dụng phương pháp vào nghiên cứu phát triển con người  vì mục tiêu phát triển con người bền vững và bảo vệ phẩm giá con người thông qua việc nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội cho con người. Diễn giả cũng trình bày các quan điểm của Đảng ta trong vấn đề quyền con người và sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng này, từ đó đưa ra các nhận diện về sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực nhân quyền. Diễn giả cho rằng để bảo vệ các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhân quyền chúng ta phải hiểu, phải nâng cao cảnh giác với mọi chiêu bài của thế lực thù địch và không ngừng đấu tranh bảo vệ; Bên cạnh đó cần phải tăng cường truyền thông, phổ biến và nâng cao nhận thức cho người dân, cho công chức viên chức, người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng &nhà nước; phát hiện & ngăn chặn kịp thời những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

Thứ ba, TS. Nguyễn Đình Tuấn - Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận “Tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay: một vài phân tích từ hướng tiếp cận quyền”

 

TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Đây là báo cáo kết hợp cả lý luận về quyền con người và vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền vào nghiên cứu trường hợp đối với trẻ mầm non tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Trên cơ sở sử dụng nguồn số liệu từ Tổng Cục Thống kê, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, các số liệu từ kết quả điều tra khảo sát của đề tài cấp cơ sở “Tiếp cận giáo dục bậc mầm non của trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong khu công nghiệp (nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh)” năm 2021.  Diễn giả đã phân tích thực trạng việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em trong gia đình lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Phiên 2: Đảm bảo quyền con người - các vấn đề thực tiễn đặt ra, gồm 3 tham luận trình bày:

Thứ nhất, ThS. Đoàn Phương Thúy – Viện Xã hội học, trình bày tham luận “Tham gia xã hội của người cao tuổi ở nông thôn hiện nay từ hướng tiếp cận quyền con người: nghiên cứu tại xã ven đô Hà Nội”

ThS. Đoàn Phương Thúy – Viện Xã hội học, trình bày tham luận tại hội thảo

 

Bằng việc sử dụng nguồn tư liệu thứ cấp và kết quả khảo sát định tính tại xã Tân lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, sử dụng hướng tiếp cận quyền con người, diễn giả đã nêu một số đặc điểm xã hội, sự tham gia xã hội và một số yếu tố chi phối đến sự tham gia xã hội của người cao tuổi (NCT). Nhìn chung, NCT ở địa bàn nghiên cứu đang tích cực tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và công tác cộng đồng ở địa phương. Điều này phản ánh tính năng động và độc lập của NCT cũng như tính tích cực xã hội của NCT. Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự tham gia xã hội của NCT nhận thức xã hội; điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình; động cơ tham gia v.v. Việc tham gia các hoạt động xã hội của NCT bên cạnh giá trị đóng góp công sức, trí tuệ cho cộng đồng còn giúp cho bản thân NCT được cải thiện sức khỏe tinh thần, trí tuệ và uy tín của NCT được khẳng định vì sự có ích của bản thân.

Thứ hai, CN. Trần Mộng Bình - Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người khuyết tật ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế”

 

CN. Trần Mộng Bình - Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo

 

Diễn giả luận bàn về quyền tiếp cận công lý, thực trạng thực hiện bảo đảm và đưa ra một số giải pháp giúp đảm bảo tốt hơn quyền tiếp cận công lý của người khuyết tật ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Diễn giả cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người khuyết tật giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người khuyết tật được hoà nhập vào xã hội một cách trọn vẹn, an toàn và bình đẳng. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế như hiện nay, vấn đề bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người khuyết tật cần nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước và xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người yếu thế này. Các ý kiến bàn luận cũng cho rằng, thực tiễn quyền của người khuyết tật nói chung, trong đó có quyền tiếp cận công lý thời gian qua đã có những cải thiện từ sau khi Việt Nam ký Công ước và Luật về quyền của người khuyết tật được ban hành. Các ý kiến cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền của người khuyết tật trên cơ sở các chuẩn mực và nguyên tắc của quyền con người để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, ThS. Nguyễn Thị Huệ - Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận “Quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

 

ThS. Nguyễn Thị Huệ - Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận

 

Diễn giả đã trình bày đôi nét về các làn sóng dịch Covid diễn ra trên thế giới. Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, đến nay đã trải qua 4 làn sóng và tác động của nó ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt đã và đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến việc làm ở Việt Nam, cụ thể: việc làm bị giảm và mất đi, dẫn đến cuộc sống của người dân bị đảo lộn trầm trọng do mất thu nhập, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội thì không gian sinh tồn của con người bị thu hẹp hơn bao giờ hết. Diễn giả cũng phân tích cho thấy quyền có việc làm của người lao động bị ảnh hưởng trước các tác động của đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội trên thế giới và Việt Nam đã làm gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng tới phát triển thị trường lao động. Giải pháp được diễn giả gợi mở như: tăng cường an sinh xã hội cho người lao động khi bị ảnh hưởng việc làm do dịch, các chính sách nhằm điều tiết thị trường lao động....

Ngoài các tham luận được trình bày, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung chia sẻ, trao đổi làm rõ một số vấn đề các tham luận đã trình bày, đề cao những đóng góp về lý luận nghiên cứu quyền con người, phương pháp nghiên cứu dựa trên quyền và thực tiễn vận dụng phương pháp nghiên cứu dựa trên quyền trong các nghiên cứu cụ thể. Việc bảo đảm vấn đề việc làm, quyền của người lao động, quyền của nhóm người cao tuổi, của người khuyết tật, quyền của trẻ mầm non trong tiếp cận giáo dục khi đại dịch Covid xảy ra, ảnh hưởng ngày càng sâu sắc là những chủ đề chính được nhiều ý kiến thảo luận trao đổi.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Tại phiên thảo luận, nhiều quyền của con người tiếp tục được bàn thảo: Liên quan quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng và không phân biệt đối xử đối với nhóm trẻ mầm non bị khuyết tật. Thực tiễn Quyền được tiếp cận giáo dục là phổ quát, tuy nhiên tùy thuộc tình hình kinh tế chính trị xã hội ở địa phương mà có những hoạt động thúc đẩy cũng như đảm bảo quyền, đặc biệt đối với những nhóm người yếu thế trong xã hội đồng thời đảm bảo quyền của nhóm này không vi phạm quyền của nhóm khác. Để thúc đẩy đảm bảo quyền cho nhóm trẻ mầm non ở khu công nghiệp, nhiều giải pháp đã được thực hiện, tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng vẫn cần quan tâm vào một số giải pháp khác như: chính quyền địa phương/ khu công nghiệp phải thực hiện tốt các nghị định, quyết định của chính phủ đưa ra như những quy định về quyền của lao động nữ ở khu công nghiệp hay quy định về đảm bảo các điều kiện cho lao động nữ trong khu công nghiệp như xây dựng nhà trẻ, mầm non khi đầu tư xây dựng khu công nghiệp; đầu tư ngân sách và có chính sách ưu tiên, có thể cho thuê cơ sở, hỗ trợ đất xây dựng trường mầm non tư thục. Ngoài nhà nước, địa phương thì các doanh nghiệp cần có trách nhiệm xây dựng/hỗ trợ đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ là con em của lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Về vấn đề việc làm, như Đồng Nai, Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, xuất hiện tình trạng là nhà nước đã kêu gọi một số nhà đầu tư quay về bằng việc cho thuế về 0 và nhiều chính sách ưu đãi khác nữa, nhưng có nghịch lý, chủ sử dụng lao động thiếu nguồn nhân lực để làm việc cho họ vì người lao động đã quay trở về địa phương khi dịch bệnh Covid - 19 diễn ra. Các chính sách hỗ trợ tốt rồi, nhưng thực hiện việc hỗ trợ cho người lao động đến đâu khi đại dịch bùng phát. Có thể thấy, chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp qua các đợt dịch, từ giảm thuế, đóng chậm, bảo hiểm y tế, nhưng thực tế còn nhiều vấn đề bất cập, chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động.

Đối với nhóm người cao tuổi, đại dịch Covid gây ảnh hưởng đến sự tham gia của họ vào các hoạt động xã hội như không được tham gia liên tục, chương trình hoạt động bị dừng v.v… Tuy nhiên, NCT vẫn phát huy vai trò của họ với chính quyền trong việc tuân thủ, tuyên truyền các hộ dân cư trong ngõ xóm thực hiện yêu cầu phòng chống dịch.  Làm thế nào đảm bảo quyền của người cao tuổi. Vấn đề này cần được xem xét từ khía cạnh nhận thức xã hội và bối cảnh chung của địa phương, nhận thức được nhu cầu của người cao tuổi, thể hiện ở hành động, chương trình, các tổ chức nhóm kêu gọi sự tham gia của người cao tuổi.

Với người khuyết tật, để bảo vệ quyền của họ, không chỉ trực diện mà còn nhiều yếu tố khác. Ví dụ cơ chế đại diện, ủy quyền, vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý và nhiều cơ quan khác tham gia v.v… Hiện nay, tiếp cận công lý của người không khuyết tật cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Ngoài ra, còn nhiều tranh luận về cơ chế bảo đảm bảo vệ quyền con người ngay cả trong ngành giới làm luật, cho nên cũng cần có ý kiến đóng góp chia sẻ từ các ngành khác trong việc bảo vệ quyền con người.

Trong phát biểu kết luận, TS Phạm Thị Tính đã tổng kết: Hội thảo đã nhận được 18 báo cáo tham luận, các báo cáo đều có chất lượng chuyên môn tốt, 6 báo cáo được chọn để trình đã mang tính đại diện cao nhất cho chủ đề và các mục tiêu của Hội thảo. Hội thảo nhận được (14) lượt chia sẻ, bình luận, trao đổi tập trung vào các vấn đề được trình bày. Phát biểu kết luận cũng cho rằng vấn đề bảo đảm Quyền con người ở Việt Nam từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực đã có nhiều chuyển biến tích cực cả trong lý luận và thực tiễn; Tuy nhiên, trong thực hiện còn nhiều vấn đề, đặc biệt là quyền của các nhóm yếu thế. Điều này cũng không quá bất ngờ bởi sự chuyển đổi từ lý luận sang thực tiễn, từ thói quen lối sống thụ động sang chủ động cần có thời gian thích nghi; trong thực thi bảo đảm quyền con người cũng cần có lộ trình cho sự thay đổi về nhận thức và hành động của các chủ thể. Các đề xuất kiến nghị đòi hỏi có thời gian để hoàn thiện cả về cơ chế, thể chế, thay đổi thói quen, phong tục tập quán. Với tư cách là cơ quan nghiên cứu và đề xuất chính sách, chúng ta cần tiếp tục triển khai các nghiên cứu gắn với thực tiễn để tìm ra những bất cập và đề xuất kiến nghị nhằm nhằm giúp cho việc điều chỉnh chính sách pháp luật kịp thời và đi sát với thực tiễn cuộc sống.

Thay mặt ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người cảm ơn quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã gửi bài, tham gia trình bày, đã thảo luận và chia sẻ các ý kiến, thay mặt Viện nghiên cứu Con người, Viện trưởng mong nhận được nhiều sự tham dự góp ý để chất lượng các hội thảo thời gian tới được tốt hơn, các vấn đề về quyền con người cần được nghiên cứu sâu hơn nữa; gợi mở nghiên cứu về các vấn đề mới nảy sinh trong thời gian tới.

Thu Hà

 

 

 

 

 

The older news.............................

Tin tức nổi bật