Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp Nhà nước KX.01.40/16-20: “Dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay”, ngày 25 tháng 01 năm 2019, tại Hà Nội, đề tài KX.01.40/16-20 và Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Một số vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu dư luận xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm”.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội nhà báo Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Văn hóa, Viện Nghiên cứu Con người và một số cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh: An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới, từ các quốc gia kém phát triển cho đến các quốc gia phát triển. Ở Việt Nam, an toàn thực phẩm là một vấn đề đang nóng lên từng ngày và gây xôn xao trong dư luận xã hội. Trong những năm gần đây, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến người tiêu dùng tỏ ra hoang mang và lo ngại. Trong bối cảnh đó, việc làm rõ thực trạng của dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó có thể biết được dư luận xã hội của người dân hiện nay như thế nào trước vấn đề mất an toàn thực phẩm và đề xuất được các giải pháp nhằm phát huy vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng, điều hòa xã hội. Để có cơ sở nghiên cứu vấn đề này, việc xác định cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu có vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng chính là những nội dung được trình bày và thảo luận tại Hội thảo của đề tài.
Hội thảo đã nhận được 14 bài viết của các nhà khoa học, giảng viên, nhà báo đến từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội. Nội dung chính của các bài viết tập trung vào: 1/ làm rõ cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu dư luận xã hội; 2/ thực tiễn nghiên cứu dư luận xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm; 3/ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc sử dụng dư luận xã hội để thúc đẩy vấn đề an toàn thực phẩm.
Các báo cáo được trình bày và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn: 1/ bản chất của dư luận xã hội; 2/ các lý thuyết nghiên cứu về dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm và việc vận dụng vào nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay; 3/ vai trò của dư luận xã hội trong việc phản biện xã hội, tham vấn chính sách, định hướng, kiểm soát xã hội và điều hòa xã hội...; 4/ vai trò và tác động của truyền thông, của mạng xã hội hiên nay đối với dư luận xã hội về an toàn thực phẩm; 5/ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong việc đưa thông tin về an toàn thực phẩm và định hướng dư luận xã hội về vấn đề này; 6/ kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong định hướng dư luận xã hội về an toàn thực phẩm…
Hội thảo là một trong những nội dung hoạt động khoa học của đề tài KX.01.40/16-20 nhằm trao đổi với các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý để làm rõ cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu của đề tài.
NĐT