Ngày 23/08/2017 tại Viện nghiên cứu Con người, Đề tài “Biến đổi vai trò giáo dục và xã hội hóa cá nhân của gia đình Việt Nam” mã số KXXH-GĐ/16-19/08 tổ chức hội thảo “Một số vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu về biến đổi gia đình và biến đổi chức năng xã hội hóa của gia đình”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đại diện Ban Quản lý Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong và ngoài viện. PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu Con người chủ trì hội thảo.
Trong lời Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Mai Quỳnh Nam – Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh mục đích của hội thảo nhằm chỉ rõ vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu về biến đổi chức năng xã hội hóa của gia đình, những khó khăn đặt ra cho đề tài và mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài viện
Trong khuôn khổ thời gian có hạn, có 04 báo cáo được đưa ra trình bày:
- PGS. TS Mai Quỳnh Nam trình bày chung về nội dung nghiên cứu đề tài “Biến đổi vai trò giáo dục và xã hội hóa cá nhân của gia đình Việt Nam”.
- TS. Lê Ngọc Văn trình bày báo cáo “Góp bàn mấy vấn đề lý luận và phương pháp luận triển khai đề tài “Biến đổi vai trò giáo dục và xã hội hóa cá nhân của gia đình Việt Nam””
- PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi trình bày báo cáo “Chức năng xã hội hóa của gia đình và quan hệ của nó với những môi trường giáo dục khác”
- TS. Vũ Thị Thanh trình bày báo cáo “Xã hội hóa và một số gợi ý nghiên cứu xã hội hóa vai trò giới trong gia đình”
Ngoài các báo cáo trên, hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự, tập trung vào vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu của đề tài. Các vấn đề được nêu gồm: cần phải xác định rõ khái niệm xã hội hóa, xã hội hóa gia đình, xác định các chiều cạnh nghiên cứu (như vấn đề đạo đức, lối sống, vai trò giới… liên quan đến chức năng xã hội hóa của gia đình) để thiết kế bảng hỏi cho phù hợp và thu được nhiều thông tin thiết thực, có hiệu quả nhất; có nhiều lý thuyết để tìm hiểu vấn đề này tuy nhiên các lý thuyết của xã hội học dường như là phù hợp hơn cả, bao gồm: thuyết cấu trúc chức năng, thuyết tương tác biểu trưng, thuyết lựa chọn hợp lý. Nghiên cứu sự biến đổi là rất khó khăn, với đề tài này có thể sử dụng phương pháp nghiên cứu đoàn hệ, phương pháp nghiên cứu hồi cố; cần quan tâm đến các thiết chế khác tác động đến sự biến đổi chức năng xã hội hóa cá nhân v.v…
Trong phát biểu bế mạc. PGS. TS. Mai Quỳnh Nam đã điểm lại các ý kiến đóng góp cũng như đáp lại một số băn khoăn của các học giả tham dự về đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu. Về mặt lý luận, PGS. TS Mai Quỳnh Nam khẳng định, đề tài sử dụng các lý thuyết mang tính trung mô của xã hội học để luận giải vấn đề, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu sẽ có tham vấn các lý thuyết trong tâm lý học khác.
Thu Hà