Trong phát biểu khai mạc, PGS.TSKH. Lương Đình Hải khẳng định trong bối cảnh hiện nay các vấn đề xã hội và phát triển con người có mối quan hệ mật thiết. “Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” do vậy con người luôn được đặt trong các mối quan hệ với môi trường tự nhiên, với xã hội, với con người và với chính bản thân con người. Chỉ số phát triển con người được tính toán dựa trên các chỉ số về thu nhập, tuổi thọ và học vấn. Nhiều vấn đề xã hội có tác động qua lại trực tiếp, gián tiếp đến các chỉ số này. Các tham luận trong hội thảo sẽ góp thêm những tư liệu để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, suy ngẫm và là cơ sở để đưa ra những công bố khoa học trong thời gian tới đây. PGS.TSKH cũng hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến phát biểu làm sâu sắc hơn các vấn đề đã được nêu và phân tích.
Hội thảo đã nhận được 17 tham luận. Do khuôn khổ có hạn, 5 tham luận đã được lựa chọn trình bày. Tham luận Nghèo đa chiều và phát triển con người của Việt Nam và một số quốc gia khu vực Đông Nam Á hiện nay do TS Nguyễn Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Con người và Chu Thị Hương, Viện Thông tin KHXH Việt Nam thực hiện, được TS. Nguyễn Đình Tuấn trình bày; tham luận Quan điểm triết học Mác về bản chất con người và ý nghĩa của nó đối với phát triển con người trong bối cảnh công nghiệp hóa lần thứ Tư do PGS.TS Nguyễn Minh Hoàn và ThS. Nguyễn Thị Thu Hường, Học viện Báo chi và tuyên truyền thực hiện, được PGS.TS. Nguyễn Minh Hoàn trình bày; tham luận Tác động của Cách mạng khoa học- công nghệ đến con người Việt Nam hiện nay do PGS.TSKH Lương Đình Hải trình bày; tham luận Ô nhiễm nguồn nước liên quan tới một số khía cạnh trong phát triển con người ở Việt Nam hiện nay do ThS. Nguyễn Thị Nga trình bày; tham luận Một số vấn đề an ninh lương thực của cộng đồng cư dân tái định cư: Nghiên cứu trường hợp người Khơ Mú ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do NCS. Lê Mạnh Hùng trình bày.
Hội thảo đã nhận được 09 lượt phát biểu ý kiến vừa hỏi vừa trao đổi, chia sẻ thêm các thông tin với mong muốn làm rõ hơn các vấn đề được trình bày. Tựu chung lại có ba vấn đề lớn được nêu gồm những vấn đề liên quan đến cách mạng khoa học công nghệ, ô nhiễm nguồn nước và sinh kế tái định cư cho người dân tộc thiểu số.
Về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ThS. Nguyễn Thị Nga khẳng định việc ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ hiện tại mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều này. Liên quan đến giáo dục, thực tế tài liệu cũng như cơ sở khoa học chưa nhiều, chưa đủ nhưng đây cũng là một gợi ý nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn bản thân đã trải qua. ThS. cho rằng khi trẻ em tiếp xúc nguồn nước bị ô nhiễm đã bị hưởng hưởng đến thể chất, bị bệnh tật dẫn đến những gián đoạn trong học tập, hoặc phải dành thời gian đi lấy nước đã hạn chế thời gian dành cho việc học. ThS. cũng mong muốn các nhà nghiên cứu có cùng quan tâm nghiên cứu tìm hiểu thêm tài liệu và chia sẻ thêm các thông tin có liên quan để làm sâu sắc hơn vấn đề được nêu.
Về vấn đề tái định cư của người Khơ Mú, NCS. Lê Mạnh Hùng chia sẻ phương pháp nghiên cứu “ba cùng” và “những câu chuyện đời” cũng như kinh nghiệm bản thân khi thực hiện nghiên cứu này ở vùng người dân tộc. Đây là phương pháp đặc trưng của ngành nhân học. Người Khơ Mú đã có chiến lược thích ứng để đảm bảo sinh kế bằng cách họ đã trồng xen canh nhiều các loại rau màu. Phương pháp trồng truyền thống cũng như lối sống và tri thức bản địa của họ đã được một số nhà nghiên cứu cho rằng nó giúp bảo vệ môi trường v.v… Theo quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, người lao động người dân tộc thiểu số thường chỉ đi làm ăn xa một thời gian ngắn. Do môi trường làm việc có nhiều khác biệt, nhiều trong số họ lại quay về địa phương sinh sống cho nên việc phát triển nông nghiệp tại địa phương vẫn là một giải pháp lâu dài.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hoàn đưa ra một số lập luận, phân tích và nhấn mạnh nhiều giá trị trong quan điểm của chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên tính thời sự, nhiều nhận định vẫn hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện nay. Việc chỉ ra những yếu tố nào lỗi thời lạc hậu được được các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra thời gian tới trong Chương trình nghiên cứu đang mới triển khai thực hiện do Ban Bí thư giao Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.
PGS. TSKH Lương Đình Hải cũng chia sẻ và đáp lời một số câu hỏi liên quan đến cách mạng khoa học công nghệ và ảnh hưởng của nó đến con người trên hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. PGS.TSKH Lương Đình Hải nhấn mạnh, những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực của các thành tựu khoa học công nghệ phụ thuộc vào chính mục đích của con người, do con người thực hiện. PGS.TSKH cũng chỉ ra một số điểm không còn phù hợp trong quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin trong thực tiễn phát triển hiện nay của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Các vấn đề nêu ra đêu nhận được nhiều sự quan tâm của những người tham dự. Nhiều câu hỏi thảo luận đã được đáp lời, giải thích, nhiều thông tin đã được chia sẻ. Do khuôn khổ thời gian có hạn, một số câu hỏi “lớn” cần thêm thời gian nghiên cứu, một số vấn đề cần được bàn luận rõ hơn ở những hội thảo, tọa đàm sau.
Thu Hà