Hội thảo khoa học: Một số vấn đề lý luận nghiên cứu về an ninh con người

01/12/2016

Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch khoa học năm 2016, ngày 30 tháng 11 năm 2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học Một số vấn đề lý luận nghiên cứu về an ninh con người. Tham dự hội thảo có PGS, TS Mai Quỳnh Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, TS Đào Thị Minh Hương – phó Viện trưởng viện Nghiên cứu con người – chủ trì hội thảo, đại diện Ban Hợp tác quốc tế viện Hàn lâm khoa học xã hội VN và đông đảo các cán bộ trong viện Nghiên cứu con người (NCCN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Thị Minh Hương nhấn mạnh nghiên cứu về an ninh con người (ANCN) được nhìn nhận là bức thiết đặc biệt là trong nghiên cứu về phát triển con người (PTCN) được thể hiện trong báo cáo PTCN của UNDP năm 1994. Vấn đề này ngày càng được quan tâm thỏa đáng hơn không chỉ trên toàn thế giới mà cả ở Việt Nam. Hơn nữa, trong xu thế các chủ đề nghiên cứu của Viện NCCN thì bên cạnh phòng nghiên cứu về ANCN thì đã có các hệ đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở nghiên cứu về vấn đề này và thu hút được sự quan tâm của các cán bộ trong viện. Hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận, trong khuôn khổ hội thảo, có 6 bài tham luận đã được trình bày tại hội thảo.

Tham luận đầu tiên do TS Đào Thị Minh Hương trình bày với tên gọi An ninh con người và các chiều cạnh an ninh con người: một số vấn đề lý luận và khả năng áp dụng tính toán. Tác giả đã nêu khái quát những vấn đề Lý luận về ANCN cũng như quá trình phát triển của khái niệm ANCN. Quan niệm về ANCN đã được phát triển, các vấn đề cần làm sáng tỏ: an ninh quốc tế, an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh con người. Từ đó, chỉ ra các thách thức đe dọa tới an ninh. ANCN gồm 4 đặc trưng: tính phổ biến, tính phụ thuộc lẫn nhau, ngăn ngừa sớm, lấy con người làm trung tâm. Bên cạnh đó, diễn giả đã giới thiệu các chiều cạnh của ANCN, theo diễn giả cần phân biệt giữa an ninh con người và an ninh phi truyền thống. ANCN gồm 7 chiều cạnh: an ninh kinh tế; an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, an ninh chính trị. Chỉ số ANCN được tổng hợp từ 20 chỉ số đầo vào chia theo 3 nhóm: chỉ số kinh tế, chỉ số chính trị xã hội, chỉ số môi trường. Đồng thời, diễn giả cũng chỉ ra các chỉ số làm mất ANCN. Các chỉ số này phân ra làm 4 mức độ: mức độ an ninh, mức độ tương đối an ninh, mức độ tương đối mất an ninh và mức độ mất an ninh.

Tham luận thứ hai với tên gọi Một số vấn đề lý luận về an ninh con người trong an ninh phi truyền thống do TS. Phạm Thị Tính trình bày. Diễn giả đã nêu ra một số quan điểm truyền thống về an ninh và sự phát triển của khái niệm an ninh. Phần thứ hai của tham luận, những quan niệm của xã hội hiện đại về an ninh con người trong an ninh phi truyền thống được quan tâm trong bối cảnh đầu thế kỷ 21. Nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống được được đưa ra bởi các học giả phương Tây. Tại Châu Á, các học giả Trung quốc đã đưa ra 5 nhóm trong an ninh phi truyền thống. Ở khu vực ASEAN, an ninh phi truyền thống được đưa ra năm 2002  trong tuyên bố chung ASEAN – Trung quốc. Theo UNDP thì an ninh phi truyền thống cũng bao gồm 7 lĩnh vực. Các học giả VN cũng đưa ra các vấn đề trong an ninh phi truyền thống. Tác giả cho rằng, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về ANCN nhưng vẫn cần theo báo cáo PTCN năm 1994 của UNDP đưa ra về ANCN và cần đưa ANCN vào trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh VN có nhiều thách thức.

Tham luận thứ ba do TS. Vũ Thị Thanh trình bày: An ninh con người trong nghiên cứu về phát triển con người. Theo diễn giả, ANCN sớm trở thành vấn đề quan tâm trong PTCN được thể hiện trong báo cáo PTCN năm 1994 của UNDP điều đó cho thấy tầm quan trọng của ANCN trong nghiên cứu về PTCN. Trước tiên, tác giả giới thiệu một số vấn đề lý luận về ANCN và PTCN. Cách tiếp cận chung là nhấn mạnh đến sự phòng ngừa. Những câu hỏi được đặt ra khi nghiên cứu về ANCN là: an ninh cho ai? An ninh vì những giá trị nào? Điều gì đe dọa những giá trị đó? Làm thế nào để đạt được sự an ninh con người?. Từ đó, tác giả nêu ra cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm theo quan điểm của UNDP qua các năm 1994, 2005 cũng như so sánh mối quan hệ giữa ANCN và PTCN. Bên cạnh đó, tác giả điểm qua vấn đề ANCN qua một số báo cáo PTCN: báo cáo PTCN toàn cầu năm 1994 của UNDP, báo cáo PTCN khu vực Ca – ri – bê năm 2012, báo cáo PTCN của khu vực châu Mỹ La Tinh 2013.

Tham luận thứ tư với tên gọi An ninh con người từ cách tiếp cận năng lực: Năng lực tạo lập sự an toàn TS. Lê Thị Đan Dung trình bày. Theo diễn giả, Năng lực tạo lập sự an toàn chính là tăng cường năng lực của con người để phòng ngừa và đối phó với mất an ninh con người. Và để có được năng lực tạo lập sự an toàn, những kỹ năng cần thiết quan trọng nhất là:     Năng lực nhận biết những dấu hiệu cảnh báo, Năng lực tiếp cận thông tin, Năng lực hệ thống hóa thông tin, Năng lực phát triển các kịch bản hành động, Năng lực hành động, Năng lực tương tác với người khác một cách tích cực. Tác giả đã dẫn Nghiên cứu của UNDP Latvia (1994) về an ninh con người ở Latvia đã đưa ra các nguồn lực tạo nên năng lực tạo lập sự an toàn dựa đó là các đặc trưng cá nhân, các mối quan hệ tích cực, an ninh kinh tế, các mạng lưới và lòng tin và năng lực phối hợp với các tổ chức chính phủ và quốc tế.

Tham luận thứ năm được trình bày tại hội thảo là Vấn đề mua bán người nhìn từ góc độ an ninh con người  do ThS. Lưu Thị Lịch trình bày. Có thể nói, mua bán người vi phạm an ninh con người. Đặc biệt, tình trạng thế giới hiện nay vấn đề di cư tăng đã làm tăng tình hình tội phạm xuyên quốc gia trong đó có mua bán người. Rõ ràng, mua bán người là một trong những vấn đề của ANCN. Mua bán người không chỉ ảnh hưởng tới an ninh cá nhân mà ảnh hưởng tới cả an ninh quốc gia và an ninh cộng đồng. Để tăng cường an ninh con người cần có những biện pháp giảm thiểu và hạn chế tình trạng mua bán người cũng như những hệ quả do mua bán người gây ra.

Tham luận cuối cùng được trình bày tại hội thảo là Tự tử nhìn dưới góc độ lý luận về an ninh con người do ThS. Phạm Thu Hương trình bày. Tác giả đưa ra một số quan điểm lý luận về ANCN, so sánh quan điểm của UNDP và trường phái Canada về ANCN. Tự tử nhìn dưới góc độ an ninh cá nhân, theo quan điểm của UNDP, đó là biểu hiện đe dọa mất an ninh cá nhân. Giữa sức khỏe và ANCN có mối liên hệ với nhau. Có bốn tiêu chí ảnh hưởng đến mối quan hệ đó. Tự tử đe dọa tới sự sống và sinh kế của người khác trong cùng một nhóm xã hội. Chính vì thế, việc ngăn chặn tự tử là có thể thực hiện được nhưng cần có sự đảm bảo nhiều chiều cạnh khác nhau của ANCN.

Các tham luận và ý kiện phát biểu được trình bày tại hội thảo rất đa dạng, ngoài những vấn đề lý luận về ANCN thì những vấn đề tạo lập sự an toàn để đảm bảo ANCN hay những vấn đề gây mất ANCN như mua bán người hay tự tử cũng nhận được sự thảo luận sôi nổi. Theo PGS. TS Mai Quỳnh Nam, chủ đề hội thảo phù hợp với hướng nghiên cứu của Viện. Hơn nữa, Viện NCCN là viện nghiên cứu liên ngành, ngoài các hướng nghiên cứu cơ bản thì những hướng nghiên cứu trọng yếu thiết thực với PTCN là rất quan trọng. Với chủ đề này, trong thời gian tới nên đi sâu vào một số lĩnh vực của ANCN, liên hệ nó sang một số chiều cạnh về PTCN, đặt ANCN trong mối quan hệ với PTCN. Hội thảo cũng nhận được nhiều lượt ý kiến thảo luận về các vấn đề liên quan đến ANCN và các chiều cạnh cụ thể của nó cũng như các chỉ số đo lường. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề rất cần có những hướng nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Huệ

 

 

The older news.............................

Tin tức nổi bật