Hội thảo: “Phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: thành tựu, thách thức và giải pháp”

08/12/2015

Trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch khoa học năm 2015, ngày 07 tháng 7 năm 2015, tại thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: Phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: thành tựu, thách thức và giải pháp.

Tham dự Hội thảo về phía Viện Nghiên cứu Con người có: PGS.TSKH. Lương Đình Hải - Viện trưởng, TS. Đào Thị Minh Hương - Phó Viện trưởng. Về phía khách mời có PGS.TS. Nguyễn Văn Lý - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông - Phó viện trưởng Viện Triết học, ông Nguyễn Đình An - Nguyên Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Phó trưởng ban Ban tổ chức thành phố Đà Nẵng, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ Viện Nghiên cứu Con người, Học viện Chính trị khu vực III và một số cơ quan thuộc thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TSKH. Lương Đình Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển con người là nền tảng, cơ sở của phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay vấn đề phát triển con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết. Con người Việt Nam trong bối cảnh đó đang hiện hữu cả những điểm mạnh - phù hợp và thúc đẩy sự phát triển và cả những điểm yếu - cản trở sự phát triển của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Những điểm mạnh, điểm yếu này cần được nêu ra để tìm những giải pháp phát huy và khắc phục. Đây cũng chính là mục tiêu mà Hội thảo lần này hướng đến.

Ban tổ chức Hội thảo nhận được hơn 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học và các chuyên gia, trong đó, 11 báo cáo đã được lựa chọn để trình bày tại hai phiên của Hội thảo.

Phiên thứ nhất “Những vấn đề chung về phát triển con người và kinh nghiệm quốc tế”. Tại phiên này, các diễn giả tập trung vào chia sẻ những vấn đề chung về phát triển con người từ các chiều cạnh khác nhau (kinh tế, việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...) của một số quốc gia trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và một số quốc gia thuộc Đông Nam Á. Những vấn đề này được so sánh với thực tiễn phát triển con người của Việt Nam, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm đối với phát triển con người ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phiên thứ hai “Những vấn đề thực tiễn về phát triển con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”. Trong phiên thứ hai, các diễn giả tập trung phân tích, thảo luận về những thách thức đối với phát triển con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh quốc gia và an ninh con người.... đến phát triển con người. Từ đó, một số giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã được đưa ra.

Bên cạnh nhưng ý kiến chia sẻ, nhiều câu hỏi cũng đã được các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý nêu ra tại Hội thảo như: vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa; vấn đề chất lượng giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập hướng đến mục tiêu phát triển con người; vấn đề phát triển nguồn nhân lực khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và vấn đề việc làm bền vững của ngư dân ven biển trong bối cảnh đảm bảo an ninh biển đảo...

Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người được tổ chức hàng năm và là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các nhà quản lý chia sẻ những kết quả nghiên cứu về phát triển con người. Sau Hội thảo, một số báo cáo sẽ được lựa chọn biên tập, chỉnh sửa để in trong tạp chí Nghiên cứu Con người.

 

Phòng QLKH&HTQT

The older news.............................

Tin tức nổi bật