LUẬN ÁN TIẾN SĨ XÃ HỘI HỌC: Vốn xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Nghiên cứu trường hợp ba làng nghề ở đồng bằng sông Hồng)

18/12/2015

GIỚI THIỆU LUẬN ÁN TIẾN SĨ XÃ HỘI HỌC:

Vốn xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn trong quá trình đẩy mạnh

công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

(Nghiên cứu trường hợp ba làng nghề ở đồng bằng sông Hồng)

Nghiên cứu sinh: Nguyễn Vũ Quỳnh Anh      

Người hướng dẫn khoa học:    GS.TS. Tô Duy Hợp

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của thông tin và tri thức hiện nay, nguồn lực phát triển kinh tế có nhiều thay đổi, trong đó nổi lên vai trò của nguồn vốn xã hội. Ở nông thôn Việt Nam, vốn xã hội đã tồn tại từ lâu đời và hiện đang là một nguồn vốn ngày càng có vai trò quan trọng trong các cộng đồng nhỏ như làng nghề, doanh nghiệp tại các làng nghề. Vốn xã hội của các DNV&N ở nông thôn là một chủ đề còn ít được nghiên cứu từ góc độ xã hội học. Chính vì vậy, tác giả luận án đã lựa chọn chủ đề này để nghiên cứu với mong muốn tìm hiểu các DNV&N ở nông thôn đã vận dụng nguồn vốn xã hội của họ trong hoạt động sản xuất như thế nào và chúng đã mang lại hiệu quả gì cho doanh nghiệp. Hy vọng nghiên cứu sẽ đóng góp thêm về mặt lý luận cũng như những cứ liệu thực nghiệm vào phát triển chuyên ngành xã hội học nông thôn, đặc biệt là xã hội học kinh tế nông thôn.

Đây là một nghiên cứu trường hợp được thực hiện tại ba làng nghề ở vùng đồng bằng sông Hồng, đó là làng nghề gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), làng nghề mộc Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và làng nghề tái chế kim loại Văn Ổ, Xuân Phao (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Luận án đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để phân tích, làm rõ những chiều cạnh về vốn xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tác giả luận án đã triển khai phỏng vấn bằng bảng hỏi tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại ba làng nghề với tổng số mẫu khảo sát là 132 doanh nghiệp, trong đó Hữu Bằng: 35 doanh nghiệp, Bát Tràng: 50 doanh nghiệp và Đại Đồng: 47 doanh nghiệp. Ngoài ra, tác giả còn thực hiện 21 cuộc phỏng vấn sâu với lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ phụ trách kinh tế các xã, và chủ tịch/phó chủ tịch hội làng nghề của ba làng nghề được khảo sát.

Lý thuyết mạng lưới xã hội, lý thuyết lựa chọn hợp lý và một số luận điểm về vốn xã hội của các học giả trong và ngoài nước đã được tác giả vận dụng để phân tích, biện giải các kết quả thu được. Luận án đã làm rõ được một số yếu tố của vốn xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hiện nay, thực trạng sử dụng vốn xã hội cũng như vai trò của nguồn vốn này đối với hoạt động của doanh nghiệp. Vốn xã hội của doanh nghiệp bao gồm uy tín của doanh nghiệp, các giá trị, chuẩn mực, và mạng lưới xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng các yếu tố này trong sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là trong hoạt động vay vốn, tuyển dụng lao động, phát triển thị trường và quản lý nhân sự.

Với đặc tính của doanh nghiệp gia đình, vốn xã hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề có sự gắn kết chặt chẽ với gia đình, dòng họ và các mối quan hệ quen biết trong làng, xã. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng khả năng kết nối để mở rộng mạng lưới. Nguồn vốn này đang có sự dịch chuyển từ vốn xã hội kết nối sang vốn xã hội cầu nối, qua các mối quan hệ bắc cầu, làm đa dạng và phong phú mạng lưới xã hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc sử dụng, các doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư vào nguồn vốn này bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng.

Nghiên cứu cho thấy vốn xã hội tác động có ý nghĩa đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, làm tăng hiệu suất kinh doanh, tăng cơ hội và sự thành công của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác. Tuy nhiên, bên cạnh những vai trò tích cực thì vốn xã hội cũng có một số tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tác giả đã bảo vệ luận án thành công tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ ngày 8 tháng 10 năm 2015 tại Học viện Khoa học xã hội. Luận án hiện được lưu tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Khoa Xã hội học – Học viện Khoa học xã hội, Thư viện Viện Nghiên cứu Con người, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tin tức nổi bật