Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX.05: “Phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do GS.VS.TSKH. Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người làm cơ quan chủ quản. Chương trình gồm 12 đề tài, trong đó có 01 đề tài về cơ sở phương pháp luận của chương trình, 11 đề tài còn lại chia làm ba nhóm: 03 đề tài về văn hóa và phát triển văn hóa; 04 đề tài về con người và phát triển con người; 04 đề tài về phát triển nguồn nhân lực. Chương trình được thực hiện từ 2001-2005. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của hơn 500 nhà khoa học trên các nước, thuộc 55 Viện Nghiên cứu, 62 học viện, trường đại học, cao đẳng, 10 doanh nghiệp.
Mục tiêu của Chương trình: (i) Tổng kết thực tiễn thực hiện đường lối, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà; (ii) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số mặt chính của văn hóa, con người và nguồn nhân lực ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (iii) Xây dựng các luận chứng khoa học cho việc hoạch định các quan điểm, đường lối, chính sách và giải pháp phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực giai đoạn 2002-2020.
Hoạt động của Chương trình: Các đề tài được thực sự triển khai từ tháng 10/2001. Chương trình đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với nghiên cứu thực tiễn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, dựa vào thực tiễn đề phát triển lý luận. Nhiều hội thảo khoa học của các đề tài được tổ chức thành công, đặc biệt, Chương trình KX.05 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế năm 2003 tại Hà Nội, đã mời hơn 24 nhà khoa học của 16 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, hơn 200 nhà khoa học của Việt Nam đã tham gia. Chương trình đã tổ chức được 4 đoàn nghiên cứu tại Malaysia, Xingapore, Hàn Quốc, Đức và Italia.
Kết quả của Chương trình: Các mục tiêu của chương trình đặt ra ban đầu được triển khai thực hiện theo đúng định hướng. Ba nhóm đề tài chính của chương trình đã bám sát mục tiêu đã đề ra để triển khai nội dung nghiên cứu trong các đề tài của mình. Đặc biệt, Chương trình đã công bố 261 báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế; 115 bài báo khoa học và 27 đầu sách. Kết thúc hoạt động nghiên cứu, có 3/12 đề tài được đánh giá xuất sắc; 9/12 đề tài đạt loại khá.