Chiều ngày 21/6/2024, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), Viện Nghiên cứu Con người phối hợp với nhóm chuyên gia trẻ Sumernet (SYP) thuộc Chương trình Summernet của Viện Môi trường Stockholm khu vực Châu Á tổ chức toạ đàm khoa học quốc tế với chủ đề “An ninh nguồn nước ở khu vực Mê Kông: Hướng tới tương lai”. Toạ đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
Hiện nay, khu vực Mê Kông đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường. Tác động của biến đổi khí hậu đang làm suy yếu sự phát triển bền vững của khu vực, làm chậm quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia. Các vấn đề như suy giảm nguồn nước, ô nhiễm môi trường và xung đột về quyền sử dụng nguồn nước đang đe dọa không chỉ đến môi trường sống mà còn đến sinh kế của hàng triệu người dân sống phụ thuộc vào sông Mê Kông. Việc bảo vệ an ninh nguồn nước ở khu vực Mê Kông không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để các quốc gia cùng nhau hợp tác, tìm kiếm những giải pháp bền vững và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Sự cam kết và nỗ lực của tất cả các bên liên quan sẽ là chìa khóa để khu vực Mê Kông vượt qua thách thức hiện tại và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách, mối quan hệ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Con người và Nhóm chuyên gia trẻ Sumernet đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và nâng cao nhận thức cộng đồng. Những năm qua, Viện Nghiên cứu Con người cùng với Viện Môi trường Stockholm triển khai nhiều hoạt động hợp tác khoa học thiết thực. Năm 2022, hai bên đã thực hiện dự án về ô nhiễm không khí làng nghề, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, đoàn thanh niên của Viện Nghiên cứu Con người tiếp tục phối hợp với SYP tổ chức tọa đàm“Vai trò của thanh niên trong truyền thông về môi trường”. Sự kiện này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các đoàn viên, thanh niên và đạt được kết quả tốt, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Năm 2024, Viện Nghiên cứu Con người và SYP tiếp tục tổ chức tọa đàm “An ninh nguồn nước ở khu vực Mê Kông: Hướng tới tương lai”. Đây là một chủ đề hấp dẫn và thiết thực, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh niên. Tọa đàm là cơ hội tốt để thanh niên trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp cải thiện các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước. Đồng thời, sự kiện cũng là diễn đàn để các đơn vị giao lưu, học hỏi và mở rộng mạng lưới quan hệ, góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người
phát biểu khai mạc
Tiếp lời PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, TS. Chantana Wungaeo (Thái Lan) - Chủ tịch Ban Chỉ đạo Sumernet cho biết bà rất vinh dự khi được chứng kiến sự nỗ lực của các chuyên gia trẻ ở cả hai bên trong việc tổ chức một diễn đàn chung và không ngừng nỗ lực để vượt qua các thách thức về biến đổi khí hậu. Theo TS. Chantana, rõ ràng biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến đời sống con người và không thể vượt qua các thách thức này chỉ bằng cách khắc phục ảnh hưởng, mà phải đi sâu hơn, hiểu rõ hơn về chúng. Tọa đàm sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng quan hệ và tìm kiếm giải pháp để cùng nhau vượt qua những vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước tại khu vực sông Mê Kông và hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực trong tương lai.
Các đại biểu phát biểu, thảo luận tại tọa đàm
Trong phiên đầu tiên của tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe tham luận Những câu chuyện thành công về an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông: triển vọng cho tương lai của PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Thủy lợi; An ninh nước ngầm và biến đổi khí hậu của Phonevilay Soukhy - Quản lý chương trình Nghiên cứu và khám phá Trung Quốc (CERS Lào); tham luận Hành động các vấn đề về nước: Chuyên gia trẻ với tư cách là chủ thể của sự thay đổi của diễn giả Lê My - nhà báo, thành viên chương trình Mạng lưới tư tưởng lãnh đạo và nhóm chuyên gia tư vấn (MTT) Mekong và báo cáo về Những tác động của các rủi ro mất an ninh nguồn nước tới quyền phát triển của phụ nữ tại An Giang của TS. Phan Thanh Thanh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Mai Đăng, Mê Kông là con sông xuyên biên giới, đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực. Vì vậy, bảo đảm an ninh nguồn nước là yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của vùng. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế - đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước ở khu vực này, nhất là ở các đô thị. Những thách thức bao gồm: suy giảm nguồn nước, ô nhiễm nước, ngập mặn, lòng sông bị hạ thấp, xung đột về quyền sử dụng nguồn nước… PGS.TS Nguyễn Mai Đăng cũng nhấn mạnh rằng an ninh nguồn nước là một khái niệm đa ngành, đa lĩnh vực. Các thách thức về nguồn nước tại khu vực sông Mê Kông đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, bao gồm cả giải pháp cấu trúc và phi cấu trúc. Đặc biệt, cần tăng cường cần hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc công bằng và áp dụng các giải pháp quản lý tài nguyên nước bền vững; chú trọng nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và bảo vệ nguồn nước; tích cực nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước và chú ý đến các giải pháp xanh…
Diễn giả Phonevilay Soukhy, trong phần trình bày về An ninh nước ngầm và biến đổi khí hậu, cho biết nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Lào nói riêng và cư dân ở lưu vực sông Mê Kông nói chung. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mưa lớn…) và các hoạt động của con người, nguồn nước ngầm đang bị suy giảm và ô nhiễm. Bên cạnh việc tái hiện bức tranh về thực trạng nước ngầm và biến đổi khí hậu tại Lào, diễn giả còn giới thiệu các hoạt động nổi bật, thiết thực của thanh niên, nhà nghiên cứu trẻ ở Lào. Phonevilay Soukhy cho biết, thời gian qua, SEI và Sumernet đã thực hiện Dự án GIRA để đánh giá việc quản lý nước ngầm ở bốn khu vực trọng điểm: Viêng Chăn (Lào), Khon Kaen (Thái Lan), Xiem Reap (Campuchia) và Cần Thơ (Việt Nam). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc nâng cao nhận thức, tăng cường giám sát và tham gia tích cực của các quốc gia là rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của tài nguyên nước ngầm. Từ trải nghiệm khi tham gia Dự án GIRA, Phonevilay Soukhy khẳng định việc tham gia nghiên cứu, trải nghiệm thực tế sẽ đem đến cho các nhà nghiên cứu trẻ cơ hội phát triển bản thân (nâng cao năng lực chuyên môn, mài giũa kỹ năng nghiên cứu, học hỏi phương pháp giải quyết vấn đề, tìm thấy hướng nghiên cứu mới).
Tiếp theo nhà báo Lê My đã chia sẻ câu chuyện trải nghiệm và hành trình thay đổi nhận thức của bản thân từ khi tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, diễn giả gửi đến các đại biểu tham dự những thông điệp tích cực như: “Hãy nhìn bản thân sâu hơn”, “Thay đổi cách nhìn nhận về thế giới bên ngoài”, “Hành động về các vấn đề nước: Các chuyên gia trẻ với tư cách là chủ thể của sự thay đổi”… Theo Lê My, nếu những người trẻ tuổi không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao nhận thức, có những hành động thiết thực vì môi trường… thì dù “không cần là nhà báo hoặc nhà truyền thông nhưng chúng ta có thể chia sẻ về vấn đề biến đổi khí hậu một cách tích cực và lạc quan nhất”.
Báo cáo Những tác động của các rủi ro mất an ninh nguồn nước tới quyền phát triển của phụ nữ tại An Giang của TS. Phan Thanh Thanh đã mô tả tình trạng mất an ninh nguồn nước tại tỉnh An Giang. Diễn giả cho biết lưu vực sông Mê Kông là nơi sinh sống của hơn 60 triệu dân, đa số là nông dân và ngư dân nghèo sống dựa vào sông nước. An Giang là tỉnh đầu tiên đón dòng chảy của sông Mê Kông đổ vào Việt Nam từ Campuchia. Nguồn sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nguồn nước và những sản vật đến từ nước. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, xây dựng của con người, khoảng mười năm gần đây, người dân An Giang đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt. Những tác động trực tiếp và dễ nhận thấy nhất là giảm lượng nước, chặn phần lớn phù sa, ngăn dòng di cư của cá, xâm nhập mặt, sụt lún đất… Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến sinh kế và sinh hoạt của người dân. TS. Phan Thanh Thanh nhấn mạnh rằng tình trạng này ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quyền tham gia, quyền có đời sống tối thiểu, quyền tiếp cận nguồn nước, quyền lương thực thực phẩm,… và quyền phát triển của cư dân trong vùng, trong đó có phụ nữ ảnh hưởng an ninh con người và an ninh lương thực.
Quang cảnh tọa đàm
Kết thúc phần trình bày của các diễn giả, khách mời, TS. Phan Thanh Thanh - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người, cố vấn, nhà nghiên cứu Nhóm SYP nhận định rằng an ninh nguồn nước là một trong những vấn đề then chốt đối với sự phát triển bền vững của khu vực Mê Kông. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế cùng các hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững đang đặt ra những thách thức lớn cho an ninh nguồn nước ở khu vực này. Những vấn đề này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải hợp tác chặt chẽ hơn và cần có những giải pháp tổng thể, bền vững để bảo vệ nguồn nước. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, xây dựng các chính sách quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước. TS. Phan Thanh Thanh cũng khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước. Thanh niên không chỉ là người thụ hưởng mà còn là những người tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Do đó các bạn trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và cơ hội để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thực thi các giải pháp bảo vệ nguồn nước.
Sau phần trình bày của các diễn giả, phần thảo luận được điều hành bởi PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê và nhà nghiên cứu trẻ Boripat Lebel (Thái Lan). Các đại biểu tham dự đã trao đổi sôi nổi và thẳng thắn về biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước sông Mê Kông; những thành công và thách thức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước và phát triển bền vững; vai trò của các chuyên gia trẻ; về việc tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực; thúc đẩy các sáng kiến công nghệ và giải pháp xanh... Theo các nhà nghiên cứu, an ninh nguồn nước ở khu vực sông Mê Kông là vấn đề xuyên biên giới và xuyên văn hóa. Các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ theo cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam và các nước trong khu vực đang cố gắng kiểm soát vấn đề theo những cách thức phù hợp nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững ở Mê Kông. Những người trẻ tuổi đã và đang tích cực tham gia công tác môi trường, chia sẻ, đóng góp vào các nỗ lực chung. Nhiều nghiên cứu về môi trường và cách thích ứng với biến đổi khí hậu đang được tiến hành. Đó là lý do khiến hầu hết các đại biểu có mặt tại tọa đàm thể hiện cái nhìn tích cực vào triển vọng và hiệu quả của các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước ở khu vực sông Mê Kông.
Cuối buổi tọa đàm là hoạt động kết nối với các nhà nghiên cứu trẻ nhằm thúc đẩy hoạt động của Sumernet trong việc nghiên cứu và thúc đẩy giải pháp cho bền vững nguồn nước và môi trường trong khu vực sông Mê Kông. Các nhà nghiên cứu trẻ đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những hành động cụ thể và đề xuất những dự án nghiên cứu mới, từ đó đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả của các chương trình nghiên cứu và phát triển bền vững trong khu vực. Hoạt động này cũng giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu trẻ và Sumernet, thúc đẩy sự phát triển và lan rộng những giải pháp tiên tiến hơn cho các thách thức về nguồn nước và môi trường tại khu vực sông Mê Kông.
Hoạt động kết nối các nhà nghiên cứu trẻ
Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Con người gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự tọa đàm, đối tác Sumernet, Viện nghiên cứu Môi trường Stockholm khu vực Châu Á đã đồng hành vàphối hợp tổ chức. PGSmong muốn tiếp tục được hợp tác để tổ chức nhiều tọa đàm hơn nữa, đặc biệt thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ tham gia. PGS cũng nhấn mạnh rằng những thông tin được chia sẻ và thảo luận tại tọa đàm là rất bổ ích vàcam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không ngừng nỗ lực hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng và môi trường. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê tin rằng, với sự chung tay của tất cả mọi người, chúng ta sẽ xây dựng được một tương lai xanh và bền vững.
BTP
Trang đã đưa tin
https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Toa-dam-khoa-hoc-quoc-te-an-ninh-nguon-nuoc-o-khu-vuc-Me-Kong-Huong-toi-tuong-lai-1544
https://baotintuc.vn/xa-hoi/hop-tac-bao-ve-nguon-nuoc-song-me-cong-hanh-dong-vi-tuong-lai-ben-vung-20240621175248862.htm
https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/hop-tac-bao-ve-nguon-nuoc-song-me-cong-hanh-dong-vi-tuong-lai-ben-vung-7442821.html