Tọa đàm khoa học với Đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Ba Lan

29/11/2016

 

29/11/2016

Sáng ngày 28/11/2016, tại Viện Nghiên cứu Con người đã diễn ra buổi làm việc giữa các cán bộ của Viện Nghiên cứu Con người và đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Triết học và Xã hội học (thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Ba Lan). Tại buổi làm việc, đoàn cán bộ của Ba Lan đã có các bài trình bày và trao đổi khoa học với các cán bộ của Viện Nghiên cứu Con người.

Toàn cảnh buổi trao đổi khoa học

 

Mở đầu buổi làm việc, giáo sư Franciszek Sztabiński (Viện Triết học và Xã hội học Ba Lan) đã trình bày về vấn đề thu thập số liệu bằng phương thức kết hợp đối với nhóm đối tượng khó tiếp cận. Nhóm đối tượng được lựa chọn để minh họa là nhóm bác sĩ và nha sĩ (do đây là những người khó liên lạc được bởi họ thường làm việc hơn 10 tiếng/ngày, họ có thêm những nơi làm việc khác ngoài bệnh viện và họ cũng thường từ chối tham gia vào các cuộc khảo sát). Thu thập số liệu bằng phương thức kết hợp là việc thu thập cùng một loại thông tin bằng những kỹ thuật khác nhau nhằm tiết kiệm được chi phí trong khi vẫn đảm bảo được tỷ lệ trả lời và chất lượng của số liệu. Có hai loại thiết kế nghiên cứu bằng phương thức kết hợp – đó là thiết kế nghiên cứu liên tiếp và thiết kế nghiên cứu đồng thời. Mặc dù thu thập số liệu bằng phương thức kết hợp giúp tiết kiệm chi phí nhưng nó có thể mắc phải một số sai số, bao gồm sai số về độ bao phủ, sai số về chọn mẫu, sai số do không trả lời và sai số về đo lường. Diễn giả đã minh họa cho hai loại thiết kế này qua các kết quả khảo sát về cơ hội và rào cản đối với sự phát triển nghề nghiệp của bác sĩ và nha sĩ và qua khảo sát về điều kiện làm việc, xung đột lợi ích và các kỹ năng mềm của các bác sĩ và nha sĩ. Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện bằng phương pháp gửi bảng hỏi qua bưu điện; phương pháp thứ hai thực hiện bằng việc phỏng vấn qua máy tính và điện thoại. Từ thực tế việc tham gia trả lời của người dân trong hai nghiên cứu này, diễn giả đã đi đến kết luận rằng việc thu thập số liệu bằng phương thức hết hợp đem đến triển vọng cho một loại thiết kế nghiên cứu phù hợp với những nhóm đối tượng khó tiếp cận. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức, ví dụ như khi nào thì nên sử dụng loại thiết kế liên tiếp, khi nào nên sử dụng loại thiết kế đồng thời, thách thức trong việc xây dựng bảng hỏi và lựa chọn xem kỹ thuật nghiên cứu nào sẽ phù hợp với những chủ đề nào.

Tiếp đó, giáo sư Henryk Domański đã trình bày về sự lựa chọn hôn nhân và phân tầng xã hội trong giai đoạn 2002-2014 ở châu Âu. Việc lựa chọn hôn nhân sẽ phản ánh tính mở của xã hội đó là như thế nào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cá nhân có xu hướng lựa chọn bạn đời có sự tương đồng về xã hội, cụ thể ở đây là về học vấn và vị trí nghề nghiệp. Trình độ giáo dục có ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn bạn đời hơn là vị trí nghề nghiệp. Điều này được rằng có thể bị chi phối bởi tác động của vốn giáo dục do sự xã hội hóa, đi học, mạng lưới xã hội trong sự so sánh với ảnh hưởng của nghề nghiệp. Phân tích tính mở của xã hội ở các nước châu Âu qua mô hình lựa chọn bạn đời cho thấy các xã hội hậu Xô Viết có tính đóng hơn các xã hội ở Tây Âu.

Cuối cùng, giáo sư Pawel B. Sztabinski đã trình bày về thái độ đối với việc nhập cư và người nhập cư ở các quốc gia châu Âu thông qua kết quả khảo sát xã hội ở châu Âu lần thứ bảy (được tiến hành từ 9/2014-5/2015). Kết quả cho thấy người châu Âu có xu hướng chấp nhận những người nhập cư có cùng sắc tộc và đến từ các quốc gia châu Âu hơn là chấp nhận những người nhập cư khác chủng tộc và đến từ các quốc gia ngoài châu Âu. Người châu Âu cũng có những mối quan ngại về một số vấn đề thường đi kèm với các luồng nhập cư, ví dụ như tội phạm, sử dụng quá mức các dịch vụ y tế và phúc lợi. Theo quan điểm của người châu Âu, có một số yếu tố được cho rằng sẽ tạo nên một “người nhập cư tốt” bao gồm: sẵn sàng cam kết với cách sống của nước mà họ nhập cư; có khả năng sử dụng ngôn ngữ của nước đó; có các kỹ năng làm việc cần thiết cho quốc gia đó. Kết quả khảo sát cũng cho thấy những người bắc Âu có thái độ tích cực đối với việc nhập cư và người nhập cư hơn là ở các quốc gia khác ở châu Âu.

Trong suốt buổi tọa đàm khoa học, các cán bộ nghiên cứu đã có sự trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi đối với các diễn giả đến từ Viện Triết học và Xã hội học của Ba Lan. Buổi làm việc đã diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình, đem lại triển vọng về những cơ hội hợp tác trong tương lai giữa hai Viện.

V.T