Sinh hoạt khoa học chi đoàn tháng 3

25/03/2013

Sinh hoạt khoa học chi đoàn tháng 3

Chào mừng ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Viện, chi đoàn Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức hai buổi sinh hoạt khoa học. Với chủ đề về Nghiên cứu Nhân học, hai đoàn viên là Lê Thị Đan Dung và Lê Mạnh Hùng đã có hai buổi thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tham gia buổi sinh hoạt khoa học, ngoài sự có mặt của toàn thể đoàn viên chi đoàn còn có sự tham dự của Lãnh đạo Viện và một số cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.

Dựa trên nghiên cứu của mình về “Người Mông làm du lịch tại Sapa Việt Nam”, chị Lê Thị Đan Dung, hiện là nghiên cứu sinh tại Hà Lan, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu và xây dựng đề cương nghiên cứu theo hướng nhân học. Trong đó, chị nhấn mạnh vào cách lựa chọn câu hỏi nghiên cứu, thường là những câu hỏi phân tích, câu hỏi với “how” thì tốt hơn câu hỏi với “why” và câu hỏi thường phải gắn với khái niệm lý thuyết hay một quan điểm. Ngoài ra chị cũng phân tích những phần bắt buộc đối với một đề cương chi tiết, những lỗi thường gặp của người nghiên cứu và kinh nghiệm viết đề cương nghiên cứu khi đi xin học bổng nước ngoài.

Cũng dựa trên các kinh nghiệm điền dã trên thực địa thông qua các nghiên cứu, các chuyến khảo sát của mình, nghiên cứu trẻ Lê Mạnh Hùng đã có buổi trình bày đầy sinh động, hấp dẫn về một vài thao tác khuôn mẫu và kinh nghiệm điền dã nhân học/ dân tộc học. Điền dã nhân học/ dân tộc học đòi hỏi người nghiên cứu phải có những sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức khoa học, trang thiết bị cần thiết và tâm lý. Điền dã nhân học có những nguyên tắc mà người nghiên cứu cần chú ý như việc chọn địa bàn, chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết, xây dựng mối quan hệ khoa học, làm quen với địa bàn nghiên cứu và cần nghĩ trước những phương án trả lời khi người dân hỏi lại v.v... Một số kinh nghiệm được người trình bày chia sẻ: người nghiên cứu cần phải học ngôn ngữ tại đại bản nghiên cứu, đây là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn đặc biệt nếu địa bàn là các vùng dân tộc thiểu số; cần phải có óc tưởng tượng, ghi nhớ tốt, ghi chép cẩn thận, duy trì “sự ngây thơ” trong quá trình thực địa, có cái nhìn khách quan và phải biết “đi la cà” v.v...

Hai buổi chia sẻ kinh nghiệm điều ít nhiều giúp ích cho các đoàn viên nghiên cứu trẻ trong Viện. Nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề này được người trình bày và các cán bộ nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm trong Viện làm rõ và gợi mở cho các nghiên cứu viên trẻ. Đây là tiền đề thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu của Viện ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả.

Lê Thị Thu Hà