Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận y tế, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về chăm sóc sức khoẻ toàn dân

05/12/2022

 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản và có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; Bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đoàn kết dân tộc là vấn đề luôn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Người viết: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân..., phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc..., phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”.

Việt Nam là một quốc gia bao gồm 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những đặc thù riêng ngôn ngữ, lối sống và văn hóa. Theo danh sách chính thức, Việt Nam có 53 nhóm tộc người đều được gọi là DTTS, và một nhóm dân tộc đa số, được gọi là người Kinh. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở tại thời điểm 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,3% và 53 DTTS chiếm 14,7%. Giữa các nhóm này có sự khác nhau rõ ràng về đặc tính văn hóa như trang phục, ngôn ngữ, tập quán, phong tục, tín ngưỡng, đến quy mô dân số và tốc độ phát triển[1].

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, Nhà nước đã ban hành hệ thống các luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó có những chính sách phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các DTTS. Việt Nam cam kết thực hiện Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo hiểm y tế toàn dân thể hiện thông qua việc ban hành các quyết định, nghị quyết, nghị định và luật về CSSK cho người DTTS. Cụ thể, quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa" được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg được hưởng 100% phí dịch vụ bảo hiểm y tế (BHYT). Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg, ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện khám, chữa bệnh cho người nghèo là chủ trương mang tính đột phá trong việc thực thi quan điểm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tạo cho người nghèo, nhân dân các vùng khó khăn và bộ phận lớn đồng bào DTTS có đủ nguồn lực tài chính để sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến cao nhất (Thủ tướng chính phủ, 2002). Năm 2003, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về Công tác dân tộc, trong đó việc phát triển sự nghiệp y tế và CSSK vùng đồng bào DTTS và miền núi được đặc biệt chú trọng. Điều 16 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc quy định:

  1. Đảm bảo đồng bào các DTTS được sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS theo quy định của pháp luật.
  2. Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
  3. Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
  4. Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật.
  5. Đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hoá y tế, thực hiện chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển y tế ở vùng DTTS.

Mặc dù công tác y tế và CSSK cho đồng bào DTTS luôn được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn vừa qua, thực trạng về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn khó khăn như tuổi thọ trung bình dù đã được nâng lên nhưng còn thấp, tỉ lệ chết ở trẻ em và tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi một số vùng vẫn còn cao, tiếp cận cơ sở y tế khám chữa bệnh thấp, so với mặt bằng chung của cả nước . Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục có các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo người DTTS được tiếp cận tốt hơn các cơ sở y tế khám chữa bệnh, thông qua đó, nâng cao các thành tựu về sức khỏe, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” ở lĩnh vực y tế.

Việc người dân nói chung và người DTTS nói riêng được chăm sóc y yế tốt hơn chính là căn cứ quan trọng góp phần bảo vệ tư tưởng của Đảng về đoàn kết dân tộc, chống các tư tưởng thù địch, chống phá.

Nguyễn Lê

 

 

 

 


[1] World Bank. 2019. Drivers of Socio-Economic Development Among Ethnic Minority Groups in Vietnam. Washington, D.C. : World Bank Group.