Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo Kế hoạch số 586-KH/ĐU ngày 16/8/2022, sáng ngày 25 tháng 8 năm 2022, Chi bộ Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản, cốt lõi trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành tại Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII. Tham dự hội nghị có toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Con người. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Bí thư Chi bộ, Viện trưởng chủ trì hội nghị.

Thành viên tham dự hội nghị
Phần 1, Hội nghị đã nghe TS. Nguyễn Đình Tuấn - Phó bí thư Chi bộ, phó Viện trưởng giới thiệu tóm lược các nội dung cơ bản, cốt lõi của 04 Nghị quyết được ban hành tại Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII ngày 16/6/2022, đã được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng phổ biến, quán triệt tại Hội nghị toàn quốc ngày 21 và 22 tháng 7. Cụ thể gồm:
Nghị quyết số 18-NQ/TW, về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”;
Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;
Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”;
Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Theo báo cáo viên, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2021 đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, như: đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất (Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV); đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2021 đã đưa ra 5 quan điểm phát triển theo hướng: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết đưa ra nhiều nội dung mới và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thực sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2021 đưa ra nhiều nội dung quan trọng của kinh tế tập thể, đặc biệt là trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế số hiện nay. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2021 đưa ra các vấn đề mấu chốt là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đề cao tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy.
Phần 2, các thành viên Hội nghị nghe toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Đây là 2 bài phát biểu được giới truyền thông trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, tại buổi học tập, nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết toàn quốc diễn ra vào ngày 21- 22 tháng 7 năm 2022, đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Thường trực Ban Bí thư đã đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hai bài phát biểu quan trọng này; lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 5 trong toàn đơn vị.
Hội nghị đã nhận được các ý kiến trao đổi, chia sẻ thông tin về/liên quan đến nội dung các Nghị quyết và 2 bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư đã nêu trên. Trong phần thảo luận, đồng chí Nguyễn Thị Hoài Lê trao đổi với tinh thần cởi mở, dân chủ và quán triệt các nội dung Nghị quyết tới toàn thể hội nghị trong đó nhấn mạnh các nội dung liên quan đến các đề tài nghiên cứu mà cán bộ Viện đang thực hiện và đề nghị cần vận dụng những nội dung trong các Nghị quyết vào các nghiên cứu để liên hệ với thực tiễn. Các chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến và báo cáo sơ lược tình hình thực hiện, trong đó khẳng định các nội dung liên quan đến Nghị quyết sẽ được trình bày chi tiết hơn trong báo cáo tổng hợp của đề tài.
Có thể nói, việc phổ biến, tuyên truyền và quán triệt nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tới toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động theo yêu cầu của đ/c Thường trực Ban bí thư có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã giúp các đảng viên, viên chức và người lao động trong viện nắm vững và có hệ thống về các quan điểm của Đảng để bảo vệ và có thể phản bác nếu có sự xuyên tạc, bôi nhọ; đồng thời góp phần đưa các Nghị quyết đi vào cuộc sống thuận lợi.
Đặng Thị Quỳnh Anh