Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về công tác tuyên truyền năm 2022, sáng ngày 09 tháng 8 năm 2022, Chi bộ Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm Phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành tại Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII tới toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chi bộ
Buổi sinh hoạt do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Bí thư Chi bộ, Viện trưởng chủ trì và TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó bí thư Chi bộ thay mặt cấp ủy phổ biến tới toàn thể đảng viên trong Chi bộ nội dung 4 Nghị quyết đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt trong hai ngày 21 và 22/7, trên toàn quốc bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (thành phố Hà Nội) và hơn 11.600 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập. Cụ thể:
-
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
-
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
-
Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
-
Về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Theo TS. Nguyễn Đình Tuấn, Chuyên đề 1 về Nghị quyết số 18-NQ/TW, do Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt nhiều nội dung về/liên quan đến đổi mới, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực phát triển... Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như: đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. (Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV); đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Chuyên đề thứ 2 do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quán triệt về nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đ/c Trần Tuấn Anh đã quán triệt các nội dung trọng yếu của Nghị quyết số 19 và 5 quan điểm phát triển mà nghị quyết đưa ra theo hướng: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết đưa ra nhiều nội dung mới và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thực sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chuyên đề 3 do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW với nhiều nội dung quan trọng của kinh tế tập thể, đặc biệt là trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế số hiện nay. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chuyên đề 4 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt. Vấn đề mấu chốt là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đề cao tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy.
Theo TS. Nguyễn Đình Tuấn, 4 chuyên đề trên được cho là hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển đất nước, do đó các đảng bộ, chi bộ cơ sở cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu, rộng tới toàn thể đảng viên. Ngoài 4 Nghị quyết trên, các đồng chí đảng viên cũng cần đặc biệt quan tâm đến 2 bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 5 của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 5.
Đặng Thị Quỳnh Anh