Trong khuôn khổ hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Con người năm 2022, ngày 22/9/2022, tại Hội trường trụ sở 9A Kim Mã Thượng, Viện Nghiên cứu Con người (sau đây gọi là Viện) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành: một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự Hội thảo, phía Viện Ngiên cứu Con người có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng, cùng đông đảo nhà nghiên cứu và các cán bộ trong Viện. Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia khách mời GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; PGS.TS. Nguyễn Thị Báo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Nguyễn Thị Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn tỉnh Nghệ An. Các đại biểu khác bao gồm các nhà nghiên cứu, các giảng viên, nhà hoạt động vì môi trường đến từ Viện Nghiên cứu Con người, Viện Địa lí nhân văn, Đại học Lao động xã hội, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị khu vực IV, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Viện Nhà nước và Pháp luật, v.v… tham dự bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê trân trọng cảm ơn sự tham gia của các diễn giả, các nhà khoa học và các đại biểu. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê khẳng định sống trong môi trường trong lành là một trong số các quyền cơ bản của con người, cần được đặt trong bối cảnh mới và có sự chung tay của cả cộng đồng. Ở Việt Nam, các quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường có tính hệ thống và xuyên suốt, thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng các khoá. Tuy có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế hiện nay môi trường vẫn bị ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới đời sống và sức khoẻ của con người, vi phạm quyền con người. Viện Nghiên cứu Con người đã nhận thấy đây chính là lý do cấp thiết để tổ chức hội thảo này. Thông qua các tham luận, chỉ ra những nguy hại của ô nhiễm môi trường tới kinh tế, sinh kế và phát triển bền vững v.v… từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được thia thành 2 phiên: Phiên 1: Một số vấn đề lý luận về bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành và Phiên 2: Thực tiễn bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
Tại Phiên 1, Hội thảo lắng nghe 3 tham luận: Nội hàm của quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bền vững - GS. Lê Hồng Hanh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; Quyền được sống trong môi trường trong lành nhìn từ góc độ pháp lý quốc tế và Việt Nam – ThS. Phan Thanh Thanh, Viện Nghiên cứu Con người; Kinh nghiệm quốc tế về tiếp cận quyền con người trong bảo về môi trường và thực tiễn tại Việt Nam - TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lí nhân văn.

GS. Lê Hồng Hạnh trình bày tham luận tại hội thảo

Ths. Phan Thanh Thanh trình bày tham luận tại hội thảo

TS. Nguyễn Đình Đáp trình bày tham luận tại hội thảo
Tại Phiên 2, Hội thảo lắng nghe 3 tham luận: Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp trong bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam hiện nay –TS. Trần Thị Hải Yến, Học viện Hành chính quốc gia; Vai trò của cộng đồng trong đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành: phân tích một số mô hình xử lý rác thải nông thôn – PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Đại học Khoa học Tự nhiên; Thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch cho người dân nông thôn: một số vấn đề đặt ra từ góc độ đảm bảo quyền con người - TS. Phạm Thị Tính, Viện Nghiên cứu Con người.

TS. Trần Thị Hải Yến trình bày tham luận tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà trình bày tham luận tại hội thảo

TS. Phạm Thị Tính trình bày tham luận tại hội thảo
Phần thảo luận sau mỗi phiên đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến thú vị và có giá trị từ các chuyên gia. Tựu chung, các ý kiến đều đánh giá cao hệ thống pháp lý bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã xây dựng; tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều bất cập và hạn chế do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, do ý thức của con người còn hạn chế, do điều kiện nguồn lực bị giới hạn. Các ý kiến cũng cho rằng Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có thể hoàn thiện thể chế, chính sách, đưa ra những chế tài phù hợp.

PGS. TS. Nguyễn Thị Báo phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá cao các tham luận trình bày tại Hội thảo cũng như những ý kiến đóng góp, thảo luận quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học. Hội thảo đã đạt được mục tiêu đặt ra là tạo diễn đàn để thảo luận một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới thực trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh kế và phát triển con người; các quyền con người liên quan đến môi trường của cả thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai; từ đó đề xuất các khuyến nghị truyền thông, giáo dục và hoàn thiện các chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của mọi người trong bảo vệ môi trường, vì một môi trường trong lành, an toàn, con người được phát triển hài hòa với thiên nhiên. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã đóng góp công sức và trí tuệ cho Hội thảo và hi vọng các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người.
Huyền Nguyễn