Hội thảo quốc tế: Phát triển con người và nguồn nhân lực mới cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam

03/10/2022

 

Ngày 30/9/2022, tại Hội trường 3D, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người (Viện NCCN) và Công ty cổ phần sáng tạo Xanh Việt Nam (GreenIN) đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế có phản biện với chủ đề “Phát triển con người và nguồn nhân lực mới cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Tham dự hội thảo về phía Viện NCCN, có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng; TS. Nguyễn Đình Tuấn – Phó Viện trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người. Về phía Công ty cổ phần sáng tạo Xanh có Bà Ngụy Thị Giang – Chủ tịch hội đồng quản trị. Về phía các chuyên gia Việt Nam sẽ bình luận và phản biện tại hội thảo có TS. Phí Vĩnh Tường -Viện trưởng, Viện Kinh tế & Chính trị thế giới; TS. Hồ Công Hòa - Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; GS. TS. Trịnh Duy Luân - Hội Xã hội học Việt Nam; TS. Lương Thị Thu Hằng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. Đặt biệt, hội thảo có sự tham gia trình bày của hai diễn giả quốc tế là TS. Arve Hansen – Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo – Na Uy; Bà Samantha Mason - Công đoàn Dịch vụ công và Thương mại, Vương quốc Anh, cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động vì môi trường đến từ Đại học Huế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Địa lí nhân văn, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Đại học Sài Gòn, Học viện An ninh nhân dân, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Đại học Dệt may Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thanh niên, GreenIn, Viện Nghiên cứu Con người… tham dự hội thảo.

Phát biểu chào mừng, Bà Ngụy Thị Giang nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 và đưa ra lộ trình đạt được vào năm 2050. Ngay sau COP26, Chính Phủ Việt Nam đã khẩn trương ban hành các chính sách, chương trình hành động, căn cứ trên cơ sở đó các ngành cũng tích cực đưa ra các chiến lược như ngành giao thông vận tải, kế hoạch hành động xanh, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu v.v…. Để đạt được những điều đó, cần phải phát triển nguồn nhân lực mới để biến các quyết tâm thành các hành động. Là doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường, GreenIN hiểu rất rõ vai trò của phát triển nguồn nhân lực, trong thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu cũng như can thiệp nhằm thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo. Bà Ngụy Thị Giang cho rằng, mục tiêu Net zero vào năm 2050 của Việt Nam là tham vọng và thách thức nhưng không phải là không thể đạt được nếu chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện. Hội thảo sẽ là không gian mở với hi vọng tạo diễn đàn chia sẻ, thảo luận để cùng góp sức đưa ra các đề xuất giúp Việt Nam bứt phá trong thực hiện mục tiêu net zero vào 2050.

 

Bà Ngụy Thị Giang phát biểu chào mừng

 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng sự phối hợp của GreenIN trong thời gian qua. Đồng thời, TS. Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh, cam kết của Việt Nam tại COP26 một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong quá trình phát triển, đó là đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Theo đó, chuyển dịch năng lượng là một trong những yêu cầu quan trọng để hướng đến mục tiêu Net Zero và nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Tuấn cũng chỉ ra các thách thức của thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần lường trước và có những chính sách cụ thể khi đối mặt với các nguy cơ hiện hữu đối với thị trường lao động: mất việc làm ở các lĩnh vực khai khoáng hay những ngành sản xuất phát thải nhiều khí nhà kính; trong khi đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới… còn tương đối khiêm tốn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam cần phải chuẩn bị lực lượng lao động cho nền kinh tế xanh, đáp ứng mục tiêu Net Zero, cũng như bảo đảm mục tiêu phát triển vì con người. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và các cá nhân quan tâm cùng thảo luận và trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh các chủ đề của Hội thảo, từ vấn đề tăng trưởng kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, an ninh con người, quyền con người, phát triển con người và phát triển bền vững.

 

TS. Nguyễn Đình Tuấn Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo

 

Các tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo gồm: Cơ hội, thách thức của người lao động trước mục tiêu Net Zero và giải pháp cho Việt Nam, do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Con người trình bày; Xu hướng việc làm trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, do ThS. Lê Thị Thuỳ Nhi – Đại học Luật, Đại học Huế trình bày; Việt Nam chống biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua cam kết phát thải ròng bằng không, do TS. Nguyễn Đình Đáp – Viện Địa lí nhân văn trình bày; Năng lượng tái tạo và triển vọng cho sự phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (qua nghiên cứu mô hình thử nghiệm sử dụng năng lượng tái tạo ở một số doanh nghiệp của phụ nữ tại tỉnh Bắc Kạn) do TS. Vũ Thị Thanh – Viện Nghiên cứu Con người trình bày.

 

Trao chứng nhận viết bài cho các tác giả tham dự trực tiếp tại hội thảo

 

Hai tham luận quốc tế được trình bày trực tuyến bao gồm: Just Transition and Workers Voice: an energy democracy perpective, do Bà Samantha Mason - Công đoàn Dịch vụ công và Thương mại, Vương quốc Anh trình bày; Household consumption and the net-zero society: The cases of Vietnam and Norway, do TS. Arve Hansen – Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo – Na Uy và TS. Nguyễn Thị Lê –Viện Nghiên cứu Con người trình bày.

 

Bà Samantha Mason trình bày tham luận tại hội thảo

 

TS. Arve Hansen trình bày tham luận tại hội thảo

 

Mỗi diễn giả báo cáo tham luận đều nhận được sự chia sẻ, bình luận và góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các chuyên gia đều cho rằng, nội dung các tham luận có chiều sâu, trọng tâm cho thấy các tác giả đã có quá trình nghiên cứu lâu dài, các chủ đề được lựa chọn để trình bày đều hay, đặc sắc, thể hiện góc nhìn đa chiều.

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

 

Các phiên thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, các học giả Việt Nam và quốc tế đã phân tích các cơ hội, thách thức của người lao động trước mục tiêu Net Zero và giải pháp cho Việt Nam; Xu hướng việc làm, Tiêu dùng, phát triển năng lượng, chống biến đổi khí hậu…

Tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho rằng những từ khóa mà hội thảo hôm nay thảo luận trong đó nhấn mạnh vào Net zero, nguồn nhân lực, lực lượng lao động mới, biến đổi khí hậu, giảm khí mê tan, giảm phát thải khí nhà kính… sẽ được bàn luận kỹ hơn trên nhiều góc độ, mục tiêu làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn, phát triển hơn, đưa ra được những khuyến nghị chính sách cho Chính phủ, làm sao có được những bước đi đối với người lao động, đặc biệt là những nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng, làm thế nào để giúp họ chuyển đổi việc làm thông qua đào tạo, tập huấn hoặc đào tạo lại. Có thể nói rằng, không có ngành nào đứng ngoài Net zero. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ mở ra các cơ hội hợp tác khoa học liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, ứng xử của con người đối với môi trường, nguồn nhân lực v.v… góp phần hiện thực hóa thành công mục tiêu Net Zero của Việt Nam trong tương lai. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê  gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà khoa học, các đối tác của Viện, các chuyên gia tham gia phản biện đã đóng góp công sức và trí tuệ cho Hội thảo và hi vọng các nhà khoa học sẽ đồng hành trong các hoạt động tiếp theo của viện Nghiên cứu Con người.

Huệ Nguyễn