Tọa đàm khoa học: An ninh kinh tế tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

21/07/2022

 

Sáng ngày 20/7/2022 tại Viện Nghiên cứu Con người, số 9 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “An ninh kinh tế tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung của Viện Nghiên cứu Con người năm 2022 được giao cho Phòng nghiên cứu Quyền con người - An ninh con người chủ trì. Có 3 tham luận được chọn trình bày tại tọa đàm tập trung vào các vấn đề: khái niệm, quan điểm và nội dung của An ninh kinh tế và phân tích một số chỉ báo đo lường an ninh kinh tế từ góc độ an ninh con người, an ninh kinh tế trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, Các tham luận được trình bày tại tọa đàm là của các đại diện đến từ Trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Pham Thị Hồng Điệp; từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới có TS. Phí Vĩnh Tường và TS. Lưu Thị Lịch - Viện Nghiên cứu Con người.

 

PGS.TS.Nguyễn Thị Hoài Lê phát biểu khai mạc

 

Tham luận của PGS. TS Phạm Thi Hồng Điệp có tiêu đề “Đảm bảo an ninh kinh tế từ góc nhìn kinh tế chính trị” đã nêu ra những nội dung của đảm bảo an ninh kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Để đảm bảo ANKT, trách nhiệm của nhà nước là (1) Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phù hợp (kinh tế thị trường); (2) Đảm bảo an ninh đối với các nguồn lực kinh tế cơ bản của quốc gia (nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, lương thực, nguồn nước); (3) Đảm bảo an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia; (4) Phòng chống tội phạm gây bất ổn kinh tế. Tham luận cũngchỉ ra những nguyên nhân dẫn đến bất ổn kinh tế bao gồm cả những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan bao gồm những biến động kinh tế thế giới trong 2 thập kỉ đầu thế kỷ 21 như cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh thương mại mang tính bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gay gắt. Về nguyên nhân chủ quan, (1) nhận thức chưa đầy đủ về các mối đe dọa, chưa theo kịp các diễn biến nhanh chóng của tình hình, (2) thể chế chưa cập nhật, (3) sự phối hợp các bộ ban ngành chưa tốt. Và, các khuyến nghị được đưa ra bao gồm việc định dạng các bất ổn kinh tế và phương án xử lí rủi ro phát sinh từ thị trường bằng việc (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cấu trúc lại chức năng của nhà nước; (2) Tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời xử lí rủi ro trong quá trình này; (3) Cần có đội ngũ chuyên gia mạnh về công nghệ để ứng phó rủi ro; (4) Cần có chiến lược lâu dài để đàm phán trong chiến lược sử dụng hiệu quả và lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên; (5) Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự phòng ứng phó thiên tai.

PGS. TS Phạm Thi Hồng Điệp trình bày tham luận tại tọa đàm

 

Tham luận của TS. Phí Vĩnh Tường: “An ninh kinh tế trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19”. chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoạt động kinh tế xã hội của con người; Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới, đại dịch covid-19 còn cho thấy sự tương tác mạnh mẽ giữa an ninh sức khoẻ, an ninh lương, an ninh năng lượng đến an ninh kinh tế và ngược lại. Vì vậy, trong tương lai, cần có những nghiên cứu sâu hơn về an ninh kinh tế và mối quan hệ của nó với an ninh sức khoẻ và các yếu tố khác đặt trong bối cảnh các rủi ro về dịch bệnh có xác xuất xuất hiện cao hơn. Đồng thời, thế giới cần một mô hình tăng trưởng mới vừa đảm bảo an ninh kinh tế, vừa đảm bảo an ninh sức khoẻ, và việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 có thể xem như một trong nhiều giải pháp góp phần giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối ảnh dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn. Nhưng trên tất cả, con người cần thay đổi hành vi của mình đối với môi trường nhằm giảm thiểu các nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới, cải thiện và duy trì được tình trạng an ninh kinh tế của nó.

Tham luận do TS. Lưu Thị Lịch, trình bày với tựa đề Một số chỉ báo đo lường an ninh kinh tế ở cấp độ cá nhân từ cách tiếp cận An ninh con người đã nêu lên tầm quan trọng của việc nghiên cứu ANKT ở cấp độ cá nhân, việc xây dựng các chỉ báo đo lường, hiểu rõ thực trạng, đánh giá các nguy cơ và xây dựng chính sách nhằm đảm bảo ANKT ở cấp độ cá nhân. Một số cách tiếp cận đo lường chỉ số an ninh kinh tế ở cấp độ cá nhân được đưa ra đó là (1) Cách tiếp cận từ chiều cạnh rủi ro – nguy cơ mất ANKT (Canada và các nước OECD); (2) Cách tiếp cận từ chiều cạnh mức độ các cá nhân được bảo vệ chống lại các thiệt hại về kinh tế (Mỹ); (3) Cách tiếp cận từ chiều cạnh an ninh việc làm và an sinh xã hội (ILO) và đề cập đến (4) Một số chỉ báo ANKT được sử dụng ở Việt Nam.

Do khuôn khổ thời gian có hạn, một số tham luận không được trình bày chi tiết. Các tham luận có cách tiếp cận từ các góc độ khác nhau của an ninh kinh tế, chẳng hạn: tiếp cận an ninh con người từ góc độ an ninh kinh tế theo định hướng của Đảng (Chỉ thị số 12/2017-CT/TW của Ban Bí thư về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANKT trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm ANKT theo tinh thần Đại hội XIII; An ninh kinh tế nhìn từ góc độ thu nhập của lao động dân tộc thiểu số: nghiên cứu trường hợp cận biên Hà Giang;...

Các thành viên tham dự thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến sự tác động của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và xung đột trên thế giới và Việt Nam cũng như những giải pháp khắc phục. Các thành viên tham dự cũng đã đưa ra những câu hỏi và ý kiến đóng góp cho các diễn giả nhằm gợi ý để hoàn thiện hơn bộ công cụ đo lường về an ninh kinh tế cá nhân ở Việt Nam. Tọa đàm khoa học không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, mà còn tạo thêm cơ hội hợp tác các hướng nghiên cứu mới trong tương lai nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết về an ninh kinh tế và an ninh kinh tế cá nhân tại Việt Nam.

Phan Thanh Thanh