Tọa đàm khoa học: An ninh lương thực ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

29/06/2022

 

Sáng ngày 28/6/2022 tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người số 9 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “An ninh lương thực ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung của Viện Nghiên cứu Con người năm 2022. Tọa đàm tập trung làm rõ khái niệm an ninh lương thực, chính sách an ninh lương thực, thực trạng an ninh lương thực và vai trò của công nghệ 4.0 đối với an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay. Tham dự tọa đàm có đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn; đại diện Hội khoa học và phát triển Nông thôn Việt Nam; đại diện Công ty A4I Co Ldt và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu khai mạc

 

Tọa đàm nghe trình bày báo cáo tham luận của TS. Trần Công Thắng (Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) với tham luận An ninh lương thực Việt Nam: Thành tựu và thách thức”. Tham luận tập trung bình bày khái niệm về an ninh lương thực, vai trò của an ninh lương thực trong đời sống con người. An ninh lương thực không chỉ đủ lương thực mà còn có tính ổn định, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra thực trạng bức tranh về an ninh lương thực của Việt Nam hiện nay như khả năng cung cấp lương thực thực phẩm, sản lượng, cân đối nhu cầu tiêu dùng, xu hướng tiêu thụ lương thực thực phẩm… Những thách thức đối với an ninh lương thực ở nước ta như tình trạng bất bình đẳng về dinh dưỡng của trẻ em giữa vùng sâu, vùng xa với khu vực thành phố, những rủi ro về môi trường đe dọa đến sản xuất nông nghiệp, chế độ ăn lành mạnh, thực phẩm an toàn… Cuối cùng báo cáo đưa ra giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực; tăng cường nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển hệ thống thông tin, tăng cường nhận thức của người dân về an ninh lương thực… nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong thời gian tới của Việt Nam.

 

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày tham luận

 

Chủ đề về an ninh lương thực trên thế giới và Việt Nam được TS. Lê Thành Ý (Hội khoa học và Phát triển Nông thôn Việt Nam) trình bày với tham luận “An ninh lương thực trong xu thế toàn cầu và ở Việt Nam”. Báo cáo trình bày bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19; ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới (Ukraine và Nga)… đến an ninh lương thực toàn cầu. Những xu thế tiếp cận toàn cầu về an ninh lương thực không chỉ là sản xuất, mà nó còn bao hàm cả chất lượng và giá cả, cân bằng dinh dưỡng… quan trọng phải đảm bảo nguyên tắc: Một là phân bổ lương thực hợp lý tránh tình trạng nơi thiếu, nơi thừa; hai là khả năng có được lương thực cho mọi người, cho từng thành viên và ba là khả năng sẵn có và kiếm được lương thực của người dân. Trong bối cảnh biến đổi lớn của thế giới, vấn đề đặt ra của Chính phủ Việt Nam với an ninh lương thực cũng được đề cập trong báo cáo như sản lượng lúa hàng năm, bình quân đầu người về lương thực, diện tích đất canh tác nuôi trồng thủy hải sản, về cơ sở hạ tầng, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật…, đó là cần phải có chính sách đảm bảo đủ lương thực trong nước và đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Tham luận cuối là tham luận của kỹ sư Vũ Tuấn Cương (CEO A4I Co Ltd) với tiêu đề “An ninh lương thực và phát triển ứng dụng dựa trên công nghệ 4.0”. Tham luận đã khái quát bức tranh về tình hình lương thực trên thế giới và Việt Nam. Báo cáo cung cấp khối lượng lớn thông tin về tình hình lương thực trên thế giới như sản lượng gạo, dầu, thịt… bên cạnh đó, báo cáo cũng tập trung trình bày bức tranh về xuất và nhập khẩu lương thực trên thế giới, hoặc những khác biệt giữa các quốc gia về chính sách lương thực, ví dụ như Trung Quốc, họ là nước nhập khẩu lượng lớn lương thực, song họ cũng lại là nước xuất khẩu lương thực cao hơn so với nhập khẩu. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, vì công nghệ với ưu việt đem lại hệ thống phân tích dữ liệu lớn giúp nhà lãnh đạo có thể chỉ đạo hiệu quả trong xây dựng kế hoạch, trong sản xuất và xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp. Ví dụ, công nghệ giúp dự báo biến đổi của thời tiết, khí hậu - một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp để các nhà sản xuất, nuôi trồng có giải pháp thích ứng phù hợp. Chính vì vậy, vấn đề không chỉ là “dồn điền đổi thửa” để tăng năng suất, tăng chất lượng mà vấn đề là ứng dụng công nghệ vào sản xuất lương thực, đảm bảo từ đầu vào và đầu ra trong nông nghiệp, khi đó ngành nông nghiệp sẽ có điều kiện đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi khắt khe trong sản xuất cũng như trong xuất nhập khẩu, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước.

 

Kỹ sư Vũ Tuấn Cương CEO A4I Co Ltd trình bày tham luận

 

Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến vấn đề an ninh lương thực như: quỹ đất dành cho ngành nông nghiệp, vai trò của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, thời cơ và thách thức nào cho nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay v.v… Tọa đàm khoa học không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, mà còn tạo thêm cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng về vấn đề an ninh lương thực nói riêng và an ninh con người nói chung trong tương lai.

Nguyễn Thị Nga