Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Con người tiếp TS. Filip Kraus, Đại học Palacky, Cộng hòa Sec

13/07/2022

 

Ngoài việc duy trì hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế sẵn có, Viện Nghiên cứu con người luôn chú trọng mở rộng thêm quan hệ với các Viện nghiên cứu, trường Đại học, tổ chức quốc tế,… để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

Theo tinh thần đó, sáng ngày 12/7/2022, tại Hội trường Viện Nghiên cứu Con người (sau đây gọi là Viện), PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng đã có buổi tiếp xã giao và trao đổi khoa học với TS. Filip Kraus, Đại học Palacky, Cộng hoà Séc. Thành phần tham dự phía Viện Nghiên cứu Con người còn có TS. Vũ Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển con người-Nguồn lực con người; TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng Quyền con người - An ninh con người; TS. Lê Thị Đan Dung, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Con người – Xã hội - Môi sinh và một số viên chức liên quan.

TS.  Filip Kraus, hiện là Trợ lý giáo sư thuộc Khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học Palacky, Cộng hoà Séc. Ông là nghiên cứu viên cao cấp và điều tra viên chính của nhiều dự án lớn.  Trong chuyến công tác Việt Nam lần này, ông mong muốn chia sẻ các kết quả nghiên cứu và các dự án nghiên cứu, kết nối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam để hợp tác thực hiện các dự án về khu vực trong tương lai.

Tại buổi tiếp, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chào mừng TS. Filip Kraus đến thăm và làm việc với Viện. Trước tiên, PGS.TS. Nguyễn Hoài Lê giới thiệu sơ bộ về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh của Viện. Sau đó Lãnh đạo các phòng nghiên cứu chia sẻ chi tiết hơn về các đề tài và dự án mà Viện đã và đang thực hiện, đặc biệt là các dự án quốc tế. PGS. TS. Nguyễn Hoài Lê nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu Con người là đơn vị nghiên cứu liên ngành, đa ngành, với các cán bộ nghiên cứu có năng lực, có kinh nghiệm thực hiện các đề tài/dự án trong và ngoài nước, nên Viện luôn sẵn sàng tiếp nhận cơ hội hợp tác trong các dự án quốc tế phù hợp.

TS. Filip Kraus giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các chương trình đào tạo của Đại học Placky và những nội dung nghiên cứu về Việt Nam mà khoa của ông đang thực hiện. Ông cho biết Đại học Placky, Cộng hoà Séc-nơi ông đang công tác đã và sẽ thực hiện những dự án lớn và dài hơi về khu vực Mekong nói riêng và châu Á nói chung, vì vậy, rất mong muốn có sự tham gia của các chuyên gia tại địa phương với những am hiểu sâu sắc về nước sở tại. Đây cũng là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực nghiên cứu.

 

TS. Filip Kraus chụp ảnh cùng tập thể Viện Nghiên cứu con người

 

Sau phần trao đổi, hai bên đã đi đến thống nhất sẽ trình xin ý kiến cơ quan chủ quản của mình về đề xuất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Viện Nghiên cứu Con người với Đại học Palacky. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác tiếp theo. PGS.TS. Nguyễn Hoài Lê cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các thủ tục để ký kết MOU, hai bên vẫn tích cực trao đổi thông tin về hoạt động khoa học, các hội thảo/toạ đàm để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

 

TS.Filip Kraus chia sẻ kết quả nghiên cứu

 

Cũng tại buổi tiếp, TS. Filip Kraus có phần trình bày những kết quả nghiên cứu của mình về “Đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Séc”, trong đó mô tả những chuyển đổi của đời sống kinh tế và những thay đổi trong cấu trúc xã hội của cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc. Tại Cộng hòa Séc, hoạt động kinh tế của người Việt Nam bắt đầu với sự xuất hiện của “chợ trời” từ những năm 1980. Vào thời điểm đó, các công nhân Việt Nam sản xuất hàng may mặc bất hợp pháp và bán tại chợ trời. Hoạt động kinh doanh này đã được hợp pháp hóa sau Cách mạng Nhung năm 1989, khi nền kinh tế thị trường được vận hành ở Cộng hòa Séc. Vào thời điểm thịnh vượng nhất khoảng những năm 1990, đầu những năm 2000, người Việt đã xây dựng được các chợ và trung tâm thương mại lớn, buôn bán nhiều loại hàng hóa. Từ giữa những năm 2000, các tiệm làm móng (nail) và nhà hàng Việt Nam, cùng với các cửa hàng tiện lợi (Vecerka) đã xuất hiện khắp các thành phố ở Cộng hòa Séc. Thời kỳ thịnh vượng kết thúc do cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, nhưng mô hình kinh doanh của người Việt ít nhiều vẫn còn duy trì khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Bài trình bày cũng đề cập tới những người thuộc thế hệ thứ hai của người Việt  tại Cộng hòa Séc, những người đang tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế, từ chuyên gia CNTT, bác sĩ đến người bán hàng giống như cha mẹ của họ. Họ được truyền thông nước sở tại đánh giá là một thế hệ thành công tại Cộng hoà Séc.

Kết thúc buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cảm ơn và đánh giá cao phần trình bày của TS. Filip Kraus, đồng thời, thể hiện mong muốn hai bên nhanh chóng thúc đẩy việc ký kết MOU làm tiền đề cho các hợp tác trong tương lai.

Nguyễn Huyền

 

The older news.............................