Tọa đàm: “Bình đẳng xã hội và phát triển con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19”

24/06/2022

 

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống con người. Ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn dai dẳng nhìn từ nhiều góc độ. Trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung của Viện Nghiên cứu Con người (sau đây gọi là Viện) năm 2022, ngày 23 tháng 6 năm 2022, tại Hội trường Viện, Tọa đàm “Bình đẳng xã hội và phát triển con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19” đã được tổ chức. Tọa đàm này nhìn từ góc độ bất bình đẳng, tập trung vào bình đẳng xã hội và phát triển con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tọa đàm có sự tham gia của 02 diễn giả khách mời là TS. Phạm Minh Thái (Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và ThS. Nguyễn Minh Châu (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP). Về phía Viện, có PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng, Chủ trì Tọa đàm; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng; TS. Vũ Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển con người - Nguồn lực con người cùng đông đảo viên chức, người lao động của Viện.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Tổng số có 03 tham luận được trình bày tại Tọa đàm.

Bài trình bày của TS. Phạm Minh Thái về: Tác động của đại dịch Covid-19 tới việc làm và thu nhập trong ngành dệt may, dịch vụ du lịch và lao động dễ bị tổn thương ở Việt Nam đã dựa vào kết quả thống kê của Tổng cục Thống kê để chỉ ra một số tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành dệt may như: Làm thay đổi số lao động trong ngành theo giới; Số lượng lao động nam trong ngành dệt may biến động lớn trong đại dịch, lao động nữ tương đối ổn định; Thay đổi số giờ làm việc/tuần trong ngành dệt may (số giờ làm việc của nữ giảm mạnh hơn nam); Thay đổi về hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội (đã tăng trong năm 2018-2019 nhưng đại dịch đã làm chậm lại xu hướng này); Thay đổi thu nhập (tăng thu nhập cho những người còn giữ được việc làm). Tác động của đại dịch tới ngành du lịch thì cũng có xu hướng tương tự như vậy. Đặc biệt cần chú ý là đại dịch làm tăng nguy cơ lao động tại gia đình không được trả lương, thời gian làm việc của nữ luôn cao hơn của nam nhưng thời gian được trả lương của nữ thấp hơn của nam (nhiều hơn 8,7h lao động) và thêm những khó khăn đối với nhóm người khuyết tật. Do vậy, diễn giả đưa ra gợi ý cần nghiên cứu về tình trạng bị tác động do đại dịch Covid-19 đối với nhóm lao động yếu thế cần được bảo vệ, đồng thời đưa ra giải pháp để hỗ trợ nhóm lao động, nhất là nhóm lao động phi chính thức.

TS. Phạm Minh Thái, Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày báo cáo

 

Ở Việt Nam hiện nay có 6 dạng khuyết tật là: khuyết tật vận động, nghe nói, khiếm thị, thần kinh, trí tuệ và khuyết tật khác (kết quả khảo sát đến tháng 9/2021). Bài trình bày của ThS. Nguyễn Minh Châu về Bình đẳng về việc làm của người khuyết tật trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19 cung cấp thông tin về cách thức hộ gia đình người khuyết tật ứng phó với khó khăn tài chính do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thu nhập của hộ như: giảm chi phí ăn uống, giảm 1/3 chi phí sinh hoạt; giảm chi phí điện nước sinh hoạt, tiết kiệm, phải vay mượn, thậm chí là phải bán một số tài sản gia đình. Trong khi đó thì gói hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì người khuyết tật ít tiếp cận được. Theo kết quả khảo sát thì 39% người khuyết tật nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, 50% nhận được hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, phi chính phủ với các gói hỗ trợ đa dạng gồm cả hiện vật. Do vậy mà nhóm người khuyết tật yếu thế cần phải được quan tâm và tăng cường hỗ trợ hơn nữa. Bên cạnh đó, trình trạng bất bình đẳng cho người khuyết tật trên một số khía cạnh khác cũng được diễn giả phân tích, trình bầy trong tọa đàm như vấn đề việc làm, học tập, thiếu các số liệu phân tích thống kê...

 

ThS. Nguyễn Minh Châu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP trình bày báo cáo

 

Bài trình bày của TS. Vũ Thị Thanh về Bất bình đẳng và những thách thức đặt ra đối với phát triển con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phân tích về mối quan hệ giữa bất bình đẳng và phát triển con người. Theo đó, bình đẳng là 1 trong 5 chiều cạnh của phát triển con người. Bất bình đẳng về phát triển con người theo 2 chiều: chiều  ngang là giữa các nhóm xã hội và chiều dọc là giữa các thế hệ. Hiện nay, người ta đề cập đến thế hệ bất bình đẳng mới, đó là bất bình đẳng năng lực cơ bản đã đạt được, bất bình đẳng ở năng lực nâng cao chính là nguy cơ dẫn tới khoảng cách trong phát triển con người trong thời gian tới. Bất bình đẳng trong các nhóm yếu thế cũng là vấn đề cần thiết phải được chú trọng. Diễn giả cũng chỉ ra những thách thức về bất bình đẳng và phát triển con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cụ thể về mặt sức khỏe, giáo dục, và bất bình đẳng giới.

Phòng chống luận điệu xuyên tạc và bảo vệ quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta để đảm bảo bình đẳng trong xã hội là một trong những nội dung trọng tâm của bài tham luận này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các thế lực thù địch đã tung tin giả mạo nhằm tạo ra những hỗn loạn trong cộng đồng, gây đảo lộn đời sống sinh hoạt; chỉ trích, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta là sai lầm, vi phạm quyền con người của người dân; đưa tin giả với mưu đồ chia rẽ vùng, miền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xuyên tạc chiến lược vắc-xin, chiến dịch tiêm chủng phòng, chống Covid-19; vu cáo Việt Nam không đủ nguồn lực dập dịch, phải kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, mà về thực chất là “bòn rút của nhân dân”. Nhận định rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng, kịp thời đưa ra các chủ trương, chính sách hướng tới nhóm yếu thế với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như là: Nghị quyết số 68/NĐ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch  Covid-19”; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 “Về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19”; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 “Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19, huy động mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đồng hành cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh”,…

 

TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người trình bày báo cáo

 

Các nhà khoa học đã trao đổi sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề của hội thảo, nhất là vấn đề về việc làm của những nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, nhóm lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay. Các nhà khoa học cũng thảo luận về vấn đề việc làm, thu nhập và an ninh về kinh tế trong bối cảnh đại dịch và những thách thức có thể tiếp diễn trong bối cảnh hậu đại dịch ở Việt Nam.

Tọa đàm kết thúc trong buổi sáng cùng ngày. Những thông tin khoa học bổ ích từ các diễn giả và các ý kiến của các nhà khoa học tham gia Tọa đàm góp phần củng cố thêm các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện về vấn đề bất bình đẳng và phát triển con người, đồng thời cũng gợi mở thêm các cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học có liên quan đến chủ đề này trong tương lai.

Nguyễn Thị Lê