Sinh hoạt khoa học: Ứng dụng phương pháp mặt đối mặt trong thu thập dữ liệu hỗn hợp

04/12/2018

 

Mối quan tâm nghiên cứu của nhóm học giả liên quan tới các vấn đề về xã hội học văn hóa, cấu trúc xã hội, xã hội học kinh tế, xã hội học chính trị và tổ chức. Các phương pháp nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu thường sử dụng là kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính.

“Mặt đối mặt” là một trong các phương pháp của thu thập số liệu hỗn hợp. (Thu thập số liệu hỗn hợp gồm gửi thư cho người trả lời tự điền, thông qua web và điện thoại, mặt đối mặt). Phương pháp mặt đối mặt là gặp mặt trực tiếp đối tượng để phỏng vấn, với cách tiếp cận đơn giản nhưng lại gia tăng được tính phản hồi cũng như cải thiện được tính đa dạng của mẫu, đặc biệt có hiệu quả khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu hoặc trong những nghiên cứu nối tiếp. Phương pháp mặt đối mặt là phương pháp phỏng vấn hiệu quả nhất trong khi gửi email cho người trả lời là hình thức tự quản lý hiệu quả nhất giúp tăng tỷ lệ phản hồi và cải thiện được tính đa dạng của mẫu.

Thu thập dữ liệu hỗn hợp được ứng dụng lần đầu tiên vào thập niên 1960 và đến những năm 1990 thì phổ biến hơn, đến đầu những năm 2000 đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều quốc gia. Đó là tập hợp một dữ liệu từ nhiều người khác nhau của cùng một mẫu nghiên cứu bằng việc sử dụng nhiều phương pháp khảo sát khác nhau. Nhóm tác giả dẫn giải nghiên cứu Khảo sát Xã hội Châu Âu, Vòng 7, được Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan tài trợ cho thấy, vào những năm 1990 tỷ lệ người chấp nhận tham gia trả lời phỏng vấn ngày càng giảm ở Ba Lan, từ 82% năm 1992 xuống còn 45% năm 2010.

Nhóm diễn giả cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng đơn lẻ các phương pháp như phương pháp phỏng vấn bằng đi hỏi trực tiếp với chi phí ngày càng cao mà tỷ lệ người trả lời lại thấp đi, phương pháp thu thập số liệu qua điện thoại thì tỷ lệ chấp nhận trả lời phỏng vấn qua điện thoại cũng giảm với lý do là người ta không thể nói chuyện điện thoại quá lâu, phương pháp phỏng vấn qua web nhưng việc thực hiện cũng khá tốn kém mà tỷ lệ chấp nhận trả lời cũng khá thấp. Chính vì thế, phương pháp thu thập số liệu hỗn hợp ra đời để giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp cũ mà gia tăng được tỷ lệ người tham gia trả lời phỏng vấn. Mô hình đó được ra đời dựa trên quan điểm cho rằng những người trả lời phỏng vấn mong muốn được trả lời phỏng vấn bằng các cách khác nhau, còn nhà nghiên cứu luôn muốn thu được số liệu mang tính đa chiều, đại diện do có nhiều thành phần tham gia điều tra. Cơ sở của phương pháp nghiên cứu này là dựa trên lý thuyết đòn bẩy, lý thuyết về sự tham gia khảo sát và lý thuyết về trao đổi xã hội.

Sau khi nhóm diễn giả kết thúc bài trình bày, các cán bộ Viện Nghiên cứu Con người đã có những câu hỏi trao đổi về ưu nhược điểm của việc sử dụng phương pháp này? Phương pháp này được sử dụng trong những nghiên cứu nào của Ba Lan? Khả năng áp dụng ở Việt Nam? Thảo luận sôi nổi mang không khí học thuật cùng với những trao đổi đã giúp cho các nhà nghiên cứu hai nước hiểu nhau hơn. Đây không chỉ là buổi sinh hoạt khoa học đậm chất học thuật mà còn là cơ sở cho những kết nối hợp tác nghiên cứu sau này.

Nguyễn Thị Huệ