Sinh hoạt khoa học: Vấn đề thể chế và cải cách thế chế

16/10/2016

Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2016,  Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế- Viện Nghiên cứu Con người tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Vấn đề thể chế và cải cách thể chế” do TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày. Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.


Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

Trong bài trình bày của mình, diễn giả đã trình bày những khái niệm cơ bản liên quan đến thể chế và vai trò của thể chế đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Diễn giả chỉ ra rằng Thế chế chính là yếu tố đứng đằng sau các mô hình chính trị để mang đến cho con người sự tự do và thịnh vượng. Tác giả phân tích bốn mô hình thể chế tiêu biểu trên thế giới, đó là mô hình Đại Nghị, mô hình Tổng Thống, mô hình Tổng thống lưỡng tính và mô hình Xô Viết. Mô hình Đại Nghị là mô hình mà đảng nào chiếm đa số trong quốc hội thì nắm quyền lãnh đạo, thủ tướng là người đứng đầu, có nữ hoàng hoặc vua nhưng thủ tướng là người có quyền lực cao nhất. Đây còn gọi là hình thức “thủ tướng chế”.  Các nước theo mô hình này tiêu biểu là Anh, Singapo, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Úc, NewZeland. Mô hình Tổng thống có sự phân quyền rõ, quyền lập pháp thuộc về quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống. Các nước theo mô hình này tiêu biểu là Mỹ, một số quốc gia châu Mỹ La tinh, Philipin. Mô hình Tống thống lưỡng tính là mô hình vừa có Thủ tướng vừa có Tổng thống, cả hai đều có quyền hành pháp. Các nước theo mô hình này tiêu biểu là Pháp, Nga, Hàn Quốc và Đài Loan. Mô hình Nhà nước Đảng (Xô Viết) không có sự phân quyền giữa Đảng và Nhà nước một cách mạch lạc. Trên cơ sở dẫn chứng các nước với mô hình đặc trưng của mình, diễn giả cho rằng mô hình Đại Nghị đang cho thấy sự hiệu quả trong việc mang lại cho con người sự thịnh vượng.

Việt Nam hiện nay đang đi theo mô hình Xô Viết. Đây là một mô hình tập trung quyền lực nhất, bất bại trong chiến tranh vì tập trung tối đa nguồn lực của toàn xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh thời bình và đi lên xây dựng đất nước thì bên cạnh những mặt mạnh, dường như có những nhược điểm đáng kể trong việc tạo động lực phát triển, trong quản trị hệ thống, trong việc xác định trách nhiệm của người lãnh đạo v.v...

Bài trình bày của TS Nguyễn Sỹ Dũng đã thu hút được sự quan tâm, lắng nghe và trao đổi của các cán bộ trong Viện. Đây là một vấn đề mà đúng như diễn giả nói, rất khó, ít người quan tâm nghiên cứu thậm chí cả đội ngũ tri thức chưa có sự quan tâm nghiên cứu một cách sâu sắc nhằm tìm ra đường hướng cho sự đổi mới chính trị của đất nước. Trả lời một câu hỏi mà cán bộ trong viện quan tâm, diễn giả cho rằng trong 5- 10 năm tới chưa thể thực hiện được cuộc cải cách thế chế nhưng sự vận động của nó sẽ manh nha hình thành đặc biệt là cần có “sự vào cuộc” của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.

Thu Hà