TỌA ĐÀM KHOA HỌC: CUỘC KHỦNG HOẢNG DI CƯ Ở CHÂU ÂU

15/09/2016

Ngày 14/9/2016, tại Hội trường Viện nghiên cứu Con người, Tiến sĩ Daniel Silverstone – Trưởng bộ môn Tội phạm học, trường Đại học London Metropolitan đã có buổi tọa đàm khoa học với cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Con người về vấn đề “Cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu”.

Tiến sĩ Daniel đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu trong thời gian vừa qua. Vấn đề di cư đến Châu Âu theo tiến sĩ thực sự trở thành cuộc khủng hoảng vào năm 2015 khi có 3.772 người đã chết trong cuộc vượt biên vào châu Âu. Ngoài ra, có hàng triệu người vượt biên và tị nạn ở biên giới các nước châu Âu năm 2015. Vấn đề khủng hoảng di cư này còn dẫn đến những vấn đề mất an ninh ở ngay tại khu vực biên giới: khủng bố, ma túy, tội phạm có vũ khí và buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng này ngày càng trở nên cấp bách ở Châu Âu.

Từ thực trạng cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu, Tiến sĩ đã chỉ ra những bất đồng về chính sách đối với người di cư của các quốc gia trong Cộng đồng chung châu Âu, với hai điển hình tiêu biểu là Anh và Đức. Trong khi các chính sách của Đức là ủng hộ và chào đón những người nhập cư và tị nạn đến với quốc gia này, thì Anh lại thắt chặt chính sách nhằm hạn chế dòng người di cư vào Anh. Theo Tiến sĩ, hai nguyên nhân khiến Đức có chính sách này là do: thứ nhất Đức là quốc gia phát triển nên cần nguồn nhân lực dồi dào từ người nhập cư, thứ hai là về vấn đề lịch sử, Đức muốn củng cố lại hình ảnh của quốc gia sau thế chiến thứ hai.

Còn về phía Anh, thay vì chấp nhận một lượng lớn người nhập cư và người tị nạn, chính phủ Anh đã cung cấp một số lượng tiền lớn để trợ giúp nhân đạo cho những người tị nạn, những người chịu ảnh hưởng của chiến tranh cả ở trong đất nước Syria và cả những người tị nạn ở Châu Âu. Nước Anh chỉ chấp nhận trẻ em tị nạn không có cha mẹ được nhập cư vào Anh. Tuy vậy, ông Daniel cũng chỉ ra thực trạng số lượng người nhập cư hàng năm ở Anh vẫn ngày càng gia tăng, đặc biệt là thế hệ thứ hai của người di cư được sinh ra ở Anh tăng lên nhanh trong giai đoạn từ năm 2011. Ông Daniel cũng chỉ ra rằng không chỉ Chính phủ Anh mà người dân Anh cũng cho rằng nên giảm số lượng lớn người nhập cư đến Anh.

Từ những vấn đề trên, Tiến sĩ cũng chỉ ra những vấn đề nội tại của các quốc gia châu Âu liên quan đến tình trạng di cư ồ ạt trong thời gian qua: tội phạm nước ngoài, khủng bố, xung đột sắc tộc, thất nghiệp.... Để giải quyết cho tình trạng này, theo tiến sĩ đó là một cuộc tranh luận phức tạp. Nhiều người cho rằng cần phải trục xuất tội phạm nước ngoài, thắt chặt an ninh vùng biên giới và ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp trong thị trường lao động. Tuy nhiên, cũng nhiều người khác cho rằng có thể giải quyết vấn đề này bằng cách giáo dục và tuyên truyền cho người nhập cư.

Cuối cùng, sau bài trình bày của tiến sĩ Daniel Silverstone, các cán bộ của Viện nghiên cứu Con người đã có sự trao đổi lại và đặt câu hỏi cho tiến sĩ xoay quanh vấn đề người di cư: đảm bảo an ninh con người, hòa nhập cộng đồng của người di cư và người di cư phạm tội.

Phạm Thu Hương