Sinh hoạt khoa học: Những đứa trẻ khác biệt trong trường học

06/07/2016

Sáng ngày 5/7/2015, thạc sỹ khoa học Dennis Ertz – chuyên gia tâm lý học đường người Mỹ đã có buối chia sẻ với cán bộ Viện Nghiên cứu Con người về chủ đề Những đứa trẻ khác biệt trong trường học.

Trong bài trình bày, ông Dennis Ertz đã đề cập tới cách tiếp cận về vấn đề khuyết tật tâm thần của trẻ em ở Mỹ và các dạng khuyết tật tâm thần. Nhiều người trong chúng nghĩ rằng người khuyết tật phải có những dị tật rõ ràng, ví dụ như cụt chân tay, hay đi khập khiễng mà người khác có thể sát được khi họ đi trên phố. Tuy nhiên, khái niệm khuyết tật được hiểu là “một bệnh lý có thể thấy hoặc không thấy được, làm cho một người học tập khác biệt hoặc gây cho người đó không hiểu theo cách mà đa số dân số hiểu, dẫn đến chậm hoặc không có khả năng thực hiện một chức năng nào đó trong cuộc sống (ví dụ học tập, giao tiếp, nhìn, nghe, phản ứng với những yêu cầu đơnn giản)

Ông Dennis Ertz cũng đưa ra một số dạng  khuyết tật như khuyết tật học tập, khuyết tật về cảm xúc và hành vi, khuyết tật ngôn ngữ hoặc lời nói, tự kỷ. Đây là những dạng khuyết tật phổ biến trên thế giới, đặc biệt là khuyết tật học tập. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong buổi chia sẻ là chúng ta sẽ nhận diện và tác động vào những trẻ em khác biệt trong trường học này như thế nào. Dennis Ertz đã có nhiều trao đổi liên quan đến vấn đề xác định và hỗ trợ trẻ. Điều quan trọng là chúng ta cần hợp tác với người khác để thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để xác định xem một đứa trẻ có khuyết tật hay không hay chỉ trải qua một giai đoạn điển hình nào đó. Những người làm công tác chuyên môn (Nhà tâm lý học đường, nhà giáo dục) và những người liên quan (bố mẹ, họ hàng, luật sư của gia đình) đều là những nguồn thông tin quan trọng. Dennis Ertz chia sẻ thêm về một số cách để hỗ trợ trẻ em có thể học tập và thích ứng với môi trường tốt hơn dựa vào việc tác động tới các giác quan của trẻ. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thay thế việc trừng phạt bằng việc cùng trẻ thiết lập nguyên tắc (kỷ luật tích cực) trong quá trình giáo dục và giao tiếp với trẻ. Trừng phạt làm con trẻ đau nhưng không thay đổi hành vi. Kỷ luật/thiết lập nguyên tắc dạy trẻ về hành vi nhưng không làm đau. Tác giả cũng nêu vài gợi ý như: hãy thảo luận về những hành vi mong đợi, chứ không phải những hành vi bạn không muốn nhìn thấy; thay vì nói “đừng chạy”, chúng ta hãy nói “đi” và nhấn mạnh rằng KHUYẾT TẬT LÀ NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA CÁ NHÂN VÀ KHÔNG PHẢI LÀ KẾT QUẢ CỦA TÁC ĐỘNG NGOẠI CẢNH (cách nuôi dạy, trải nghiệm xấu v.v.)

Buổi chia sẻ đã thu hút sự quan tâm và thảo luận tích cực của cả chuyên gia và cán bộ Viện Nghiên cứu Con người.

Lưu Thị Lịch