Trao đổi khoa học: Vấn đề gia đình và vai trò giới trong gia đình

20/05/2016

Sáng ngày 19/5/2016 tại Viện Nghiên cứu con người, giáo sư, Tiến sĩ Frank Furtenberg (nhà xã hội học danh tiếng của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ sang Việt Nam theo chương trình học giả Fullbright) đã có buổi trao đổi khoa học với các cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Con Người xoay quanh vấn đề gia đình và vai trò giới. Theo ông, đây là một cơ hội tốt để ông có thể tìm hiểu thêm về sự thay đổi của cấu trúc gia đình và vai trò giới trong các gia đình Việt Nam hiện nay dưới bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường tự do và cũng là cơ hội tìm hiểu về những hướng nghiên cứu của Viện để có những hướng hợp tác lâu dài trong tương lai.

Giáo sư đã giới thiệu cái nhìn tổng quát về sự thay đổi của cấu trúc gia đình trên thế giới bao gồm cả ở phương Tây và phương Đông trong những thập kỷ vừa qua. Trong đó, nhấn mạnh rằng các xu hướng về cấu trúc gia đình phương Tây đã được dịch chuyển và gây ảnh hưởng tới thể chế, cấu trúc gia đình tại các quốc gia Châu Á khác nhau. Sự biến đổi này dẫn tới nhiều biến đổi khác trong vòng đời của một con người như là việc học hành, tuổi đi học, tuổi trưởng thành, công ăn việc làm, kết hôn, việc sinh con đẻ cái cũng như dư luận xã hội, giá trị xã hội về việc sống thử trước hôn nhân, các biện pháp phòng tránh và nạo phá thai v.v... Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không nhất thiết đồng nhất mà nó có rất nhiều biến thể tại những quốc gia Châu Á khác nhau. Ví dụ như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều phụ nữ đi làm không lấy chồng, đẻ con, chỉ có người yêu/bạn tình như một cách phản ứng lại giá trị gia đình hà khắc đối với phụ nữ và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước. Một số quốc gia tại Châu Á chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho Giáo ví dụ như Singapore, mặc dù độ tuổi kết hôn có thể kéo dài và họ lập gia đình rất muộn nhưng họ rất kiêng kị khi nói về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tình dục, tính dục tuổi vị thành niên…

Dường như, những tác động về mặt xã hội có ảnh hưởng rất to lớn tới sự thay đổi của gia đình trên thế giới hiện nay. Có thể thấy rằng, khoảng 50 năm về trước, quá trình để một con người chuyển từ độ tuổi thiếu niên sang trưởng thành được diễn ra rất nhanh chóng, ổn định và hoạch định từ trước. Người ta đi học, tốt nghiệp xong đến tuổi đi làm, đi làm xong rồi kết hôn, kết hôn xong rồi sinh con và nuôi dưỡng con cái. Tất cả diễn ra rất nhanh và họ bước vào giai đoạn của tuổi trưởng thành khá sớm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy rằng, không có một khuôn mẫu nào cho sự trưởng thành và nó kéo dài hơn, đa dạng hơn. Nguyên nhân là do áp lực từ nhu cầu của xã hội đòi hỏi chuyên môn cao hơn, xã hội đòi hỏi lao động có bằng cấp hơn, các gia đình ít con hơn tập trung đầu tư mọi mặt cho thế hệ trẻ trong gia đình, tuổi thọ của con người cũng ngày một nâng cao hơn… Điều này tạo ra những áp lực và điều kiện khiến độ tuổi đi học của thanh niên kéo dài ra hơn và do vậy độ tuổi kết hôn cũng muộn hơn; cũng có những cặp đôi ở với nhau nhưng không kết hôn, có những cặp đôi sống thử trước hôn nhân, có những người là mẹ đơn thân, có nhiều cặp ly hôn, có những cặp đã ly hôn và đã tái hôn… và nhiều trường hợp khác nhau chứ không đơn thuần chỉ có một trường hợp đơn giản như trước.

Giáo sư Frank cũng đã giới thiệu tới các cán bộ của Viện một số lý do về sự thay đổi của gia đình, thuyết nữ quyền trong gia đình, những thay đổi trong các gia đình phương Tây, sự thay đổi về quá trình nhân khẩu học lần thứ hai trên thế giới tác động tới các cá nhân và từng thành viên trong gia đình như thế nào. Trong quá trình nhân khẩu học lần thứ hai này, nền tảng gia đình đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, tại Mỹ trẻ em trong những gia đình có bố mẹ có trình độ học vấn cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng học cao hơn, kết hôn và ổn định gia đình sớm, tỷ lệ ly hôn thấp, bình đẳng giới trong những gia đình này cũng tốt hơn. Ngược lại, ở những gia đình bố mẹ không có bằng cấp, con cái thường phải lao động, phải rời bỏ gia đình, quê hương bản quán để đi làm ăn xa. Đến nơi ở mới và xa gia đình, và trong môi trường lao động, họ dễ rơi vào cạm bẫy (sống thử, nạo phá thai, mang thai ngoài ý muốn…) Tuy nhiên, bản thân những nước phương Tây cụ thể cũng rất khác nhau chứ không hoàn toàn giống nhau.

Bên cạnh đó, những thay đổi về xã hội, gia đình đã tác động không nhỏ tới vấn đề nữ quyền và độ tuổi trưởng thành của người phụ nữ. Người phụ nữ giờ đây bên cạnh chuyện lập gia đình cũng phải lo lắng rất nhiều cho việc ăn học và sự nghiệp của mình. Điều này đương nhiên tác động tới thời gian, độ tuổi trưởng thành, mối quan tâm và việc lập gia đình của họ. Độ tuổi đi học và thời gian dành cho sự nghiệp dài ra đồng nghĩa với việc kết hôn bị muộn hơn, thậm chí có người không lập gia đình, có người làm mẹ đơn thân… Ngày càng có nhiều phụ nữ có sự nghiệp, kiếm ra tiền nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc họ có khả năng tự chủ, tự lập nhiều hơn, ít dựa vào đàn ông hơn và do vậy độ tuổi kết hôn của họ cũng kéo dài và đa dạng hơn.

Cuối cùng, để kết thúc cuộc trao đổi, giáo sư đặt ra câu hỏi cho các cán bộ viện NCCN rằng liệu các gia đình và cấu trúc gia đình ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào, liệu nó có giống như xu hướng của Hàn Quốc, Nhật Bản hay không? TS. Vũ Thị Thanh (cán bộ NC VNCCN) đã trao đổi lại rằng tại Việt Nam hiện nay, việc kết hôn vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong thiết chế và chuẩn mực gia đình. Những áp lực về mặt gia đình và xã hội buộc các thanh niên phải lập gia đình và kết hôn, do vậy độ tuổi kết hôn trung bình của thanh niên Việt Nam có thể vẫn ổn định trong khoảng 20-30 năm tới. TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc thì cho rằng hiện nay tại Việt Nam có 3 xu hướng kết hôn chính đó là (1) không giống như xu hướng tại các nước phương Tây, (2) một số bộ phận tại khu vực đô thị không kết hôn và xu hướng làm mẹ đơn thân có chiều hướng gia tăng và (3) trẻ em vùng quê nghèo, người dân tộc thiểu số kết hôn sớm và ít được ăn học.

Theo giáo sư, các yếu tố như chính sách, văn hóa và lối sống và sự phát triển kinh tế, xã hội có ảnh hưởng không nhỏ tới hôn nhân trong gia đình. Cấu trúc gia đình Việt Nam sẽ còn thay đổi nhiều nữa do những sự tác động từ quá trình đô thị hóa và phân công lao động và nó có thể chuyển sang chiều hướng của các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản khi nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa ở một trình độ nhất định.

Phan Thanh Thanh