Tác động của đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkong tới sinh kế bền vững của người dân ở khu vực Chiang Khong-Thái Lan và An Giang- Việt Nam

07/04/2020

1.Sông Mekong và tài nguyên thiên nhiên ở Chiang Khong

Khu vực Chiang Khong là biên giới của Thái Lan đến Lào với sông Mekong là biên giới tự nhiên. Các cộng đồng địa phương dọc theo con sông cả Thái Lan và Lào có nguồn sinh kế chính là đánh bắt cá và họ chia sẻ các kỹ thuật đánh bắt cá với nhau trong một thời gian dài. Chủ yếu là các cộng đồng địa phương dọc theo sông Mê Kông ở Chiang Khong nằm ở khu vực nông thôn (50%), khu vực thành thị (30%) và khu vực ngoại ô (20%).

Những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Chiang Khong đã được dòng sông Mekong ưu đãi là một phần quan trọng trong việc tạo ra an ninh lương thực ở Chiang Khong. Sự tái sinh của các nguồn tài nguyên trong khu vực này đã được tạo ra bởi hệ sinh thái sông, nhiều loại cá có thể được tìm thấy dọc theo vùng cao của sông Mekong. Cá da trơn khổng lồ Mekong là loài cá nổi tiếng được tìm thấy trong khu vực này (ông Boonrien, ngư dân cũ, Chiang Khong). Có ít nhất 96 giống cá ở khu vực Chiang Khong.

Các loài thực vật địa phương như "Kai" hoặc cỏ dại nước ngọt thường được tìm thấy dọc theo bờ sông ở Chiang Khong, là thực phẩm giàu dinh dưỡng cho người dân địa phương vì Kai chứa hơn 18 vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, việc thu hoạch Kai được thực hiện bởi phụ nữ từ tháng mười một đến tháng ba, thời gian mực nước thấp của sông Mekong. Theo lời kể bà Tew, Chiang Khong: “Kai như là nguồn cung cấp lương thực và bổ sung hàm lượng cho bữa ăn hàng ngày cho gia đình”.

Như vậy, phụ nữ có vai trò chính trong việc chuẩn bị thức ăn cho hộ gia đình. Họ thường tìm nguồn thực phẩm xung quanh cộng đồng làm nguồn thức ăn cho gia đình, và các nguồn đó chủ yếu dọc theo sông Mekong. Theo truyền thống, “phụ nữ không đi thuyền để câu cá, nhưng họ có thể tìm thấy cá và thực vật tại ngay nơi họ sống” (theo ông Boonrien, ngư dân). Điều này cho thấy vai trò hạn chế của phụ nữ trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm xa cộng đồng, nhưng trong thực tế, “phụ nữ vẫn có quyền tự mình tìm kiếm nguồn tài nguyên thực phẩm trong khu vực cộng đồng” (ông Boonrien, ngư dân tại Chiang Khong).

Một cách khác để tiếp cận nguồn lương thực ở Chiang Khong là thực hiện canh tác nhỏ dọc theo bờ sông Mekong, đặc biệt là khu vực bãi biển, nơi có địa hình rộng bằng phẳng ở bờ sông. Khu vực này thích hợp để trồng rau và hoa quả 'Chồng tôi đã từng có một trang trại nhỏ ở bờ sông để trồng lúa, đậu và dưa chuột để tiêu thụ trong gia đình và thặng dư là để bán' (Bà Mala, Chiang Khong). Do đó, người dân địa phương đã đạt được lợi thế này để trồng thực phẩm dinh dưỡng trong cộng đồng.

Nguồn sinh kế chính của người dân địa phương ở Chiang Khong chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp; lúa, hoa quả, rau và hoa màu chiếm 57% thay vì thủy sản chỉ có 11%. Mặc dù, người dân địa phương sống ở khu vực gần sông Mê Kông đã từng tìm thấy ít nhất 96 giống cá, họ phải thay đổi để làm việc trên đất nông nghiệp. Và nhiều người trong số họ làm việc trong nông nghiệp; doanh nhân 14% và 12% là lao động làm thuê.

Liên quan đến phương thức sinh kế của người dân, việc sử dụng và tiếp cận đất nông nghiệp cũng là vấn đề  được nêu ra trong nghiên cứu này. Qua khảo sát thực tế kết quả cho thấy 80% người dân địa phương ở Chiang Khong là chủ đất và 20% là những người không có đất. Tuy nhiên, chỉ có 23% người sở hữu đất đai có quyền sở hữu đất đai và khoảng một nửa trong số họ hoặc 48% thuộc về đất được chính phủ phê duyệt chỉ sử dụng cho nông nghiệp. Những người khác phải thuê đất nông nghiệp của họ hoặc làm việc trên tài sản của người thân 11% và 18% tương ứng.

Khi được hỏi về cách người dân địa phương phân bổ các loại nông sản và sản phẩm từ canh tác thủy hải sản như thế nào, có hơn một nửa số hộ chiếm 53% là  bán cho người trung gian. Trong khi 23% đưa sản phẩm của họ ra bán tại các chợ cộng đồng, chủ yếu phục vụ người dân địa phương ở Chiang Khong. Từ quan sát và phỏng vấn không chính thức tại một cộng đồng ở Chiang Khong, người dân địa phương làm công việc trồng ngô phải bán sản phẩm của họ cho người trung gian chẳng hạn như có những thương gia, các công ty. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp tại các chợ địa phương chủ yếu là rau quả.

.

2.Sông Mekong và tài nguyên thiên nhiên ở An Giang

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở Việt Nam là hạ lưu cuối cùng của hệ thống sông Mekong, điều này làm cho nguồn nước quan trọng nhất không chỉ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, sinh kế và hoạt động văn hóa của hàng triệu người. Nguồn cá nước ngọt trên sông Mekong được coi là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, cung cấp dinh dưỡng và sinh kế cho hàng triệu người dân địa phương [9]. Do nguồn nước dồi dào, lượng phù sa lớn và điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trong nhiều thập kỷ, đóng một vai trò tiên phong trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia như cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho thế giới. Hai trụ cột chính của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản và mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 55% sản lượng lúa, 65% sản lượng cá, khoảng 75% sản lượng trái cây, khoảng 20-25% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

An Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ nghề nghiệp của người dân địa phương ở An Giang chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp; lúa, hoa quả, rau; và chăn nuôi lần lượt chiếm 28,6% và 21,6% thay vì thủy sản chỉ có 11,8% mặc dù người dân địa phương sống ở khu vực gần sông Mekong.  Kể từ khi có tác động của đập thủy điện ở trên thượng nguồn Mekong, người dân An Giang phải thay đổi sinh kế của họ để có thêm thức ăn cho gia đình và để bán. Hơn nữa nhiều người trong số họ làm việc như các doanh nhân nhỏ chiếm 17,2% và 12,3% là đi làm thuê làm mướn.

Tương tự như ở Chiang Khong, liên quan đến phương thức sinh kế của người dân, việc sử dụng và tiếp cận đất nông nghiệp cũng là vấn đề  được nêu ra. Qua khảo sát câu hỏi, chúng tôi thấy rằng 67,7% người dân địa phương ở An Giang có đất để ở và sản xuất nông nghiệp và 31,3% là những người không có đất. Trong số những người có đất chỉ có 78,6% có giấy chứng nhận quyền đất đai và chỉ 65,2% sản xuất lương thực trên đất của họ. Những người khác phải thuê đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hoặc tìm việc làm như lao động ở xa làng lần lượt là 13,5% và 7,9%. Phần lớn chủ đất là nam (chồng, bố, anh trai) 73,7% so với nữ 3.1% và cả vợ và chồng chiếm 23%.

Xét về cách người ta bán nông sản và sản phẩm cá, phần lớn 71,4% bán cho người trung gian. Trong khi 23% đưa sản phẩm của họ ra bán tại các chợ cộng đồng, chủ yếu phục vụ người dân địa phương ở An Giang hoặc có hợp đồng bán gạo với các hợp tác xã địa phương chiếm 5,5%. Từ quan sát và phỏng vấn không chính thức ở An Giang, hầu hết các loại nông sản được bán cho người trung gian. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp tại các chợ cộng đồng chủ yếu là rau quả.

3. Tác động của đập thủy điện ở Chiang Khong

Sự thay đổi hệ sinh thái sông từ việc xây dựng đập ở thượng lưu sông Mekong đã tác động đến nguồn lương thực ở Chiang Khong. Kết quả khảo sát cho thấy ý kiến của mọi người đối với việc xây đập. Người dân ở Chiang Khong nhận được sự thay đổi mực nước ở sông Mekong rõ ràng là sau đập thứ hai, Dachaoshan bắt đầu hoạt động. Như Mr.Bunrien, một ngư dân cũ đã đề cập đến “Trong giai đoạn 2006-2007, cá ở sông Mê Công đã giảm rất nhiều và nuôi trồng ven sông cũng có tác động từ lũ lụt bất thường ngay từ mùa mưa” (ông Bunrien, Chiang Khong). Hoàn cảnh của sông Mê Kông đã thay đổi là bởi con người. Và cuộc khảo sát cho thấy kết quả là 83% người dân ở Chiang Khong biết về xây dựng đập ở sông Mekong.

Từ cuộc khảo sát tại Chiang Khong cho thấy có 85% số người được hỏi cho rằng đập thủy điện tại thượng nguồn Trung Quốc có làm ảnh hưởng tới môi trường nơi họ sinh sống và không có người nào trả lời là nó có tác dụng tích cực đến cuộc sống của họ. Thêm vào đó có 76% người trả lời rằng điều kiện môi trường nay kém hơn do hệ sinh thái của sông đã bị thay đổi, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên sông bị phá hủy. Có khoảng 50% người đồng í rằng nước bị ô nhiễm nhiều hơn là do thủy điện chặn nước làm nước không rửa trôi được chất cặn bã và 43% cho rằng đất bị bạc màu một cách nhanh chóng. Cả nguồn nước và đất đều là nguồn tài nguyên quan trọng cho nông nghiệp, giúp cung cấp nguồn lương thực cần thiết cho cộng đồng. Sự suy giảm của các nguồn tài nguyên này dẫn đến thiếu lương thực tại khu vực. Như cô Tew (2017), người đã từng thu hoạch “Kai”-cỏ dại nước ngọt dọc nhánh sông sau mùa nước nổi khi còn trẻ chia sẻ rằng

“Mực nước lên xuống thất thường, chúng tôi không thể thu hoạch Kai ở bờ sông nữa. Khác với quá khứ là mực nước giảm sau mùa mưa, mùa thu hoạch Kai". Điều này cho thấy thiếu nguồn lương thực ở Chiang Khong khi phụ nữ không thể thu gom lương thực để tự cung cho gia đình và bán thặng dư làm thu nhập bổ sung cho gia đình. Có 62% người dân ở Chiang Khong phải đối mặt với vấn đề ngập lụt và 35% đối mặt điều kiện hạn hán, trong khi 28% không thấy sự khác biệt nào về môi trường. Những thay đổi môi trường cũng ảnh hưởng đến sản xuất lương thực của những người có đất nông nghiệp dọc theo bờ sông. Tại Chiang Khong 65% người dân đồng ý rằng các sản phẩm nông nghiệp của họ bị ảnh hưởng do các đập đã thay đổi môi trường. 62% cho rằng sự thay đổi đó khiến họ bị mất nguồn sinh kế và nghèo đi, chỉ có 2% cho rằng nó tốt lên và 34% không biết có thay đổi gì.

Khi tập trung vào tác động đến sản xuất, gần một nửa người trả lời 42% cho rằng sản lượng giảm là vấn đề chính (42%), 30% cho rằng chất lượng giảm mới là vấn đề chính vì chất lượng thấp thì bán không được giá.

Ông Piek (2017), một người chèo thuyền đã nói chuyện với kinh nghiệm của mình khi chèo thuyền đánh bắt cá trong 3 năm qua “Tôi đã đi thuyền đánh cá dọc theo sông Mekong 3 ngày nhưng tôi không có gì, không có cá trên thuyền” (Piek 2017). Bằng chứng này cho thấy tại sao nhiều người ở Chiang Khong đã từ bỏ nghề cá và phải tìm việc khác vì họ phải mất nhiều thời gian trên sông nhưng chẳng kiếm được gì. Trong khi bà Sunee (2017) bán cá tại chợ của cộng đồng xác nhận rằng không có cá Mekong nào bán ở gian hàng của bà vì hiếm khi bắt được cá nếu có thì cũng bị đắt nên ít người mua. Kết quả là bà Sunee chỉ phải bán cá da trơn và cá rô phi nhập khẩu từ các huyện khác.

 

4.Tác động của thủy điện tại An Giang

ĐBSCL của Việt Nam nằm ở tận cùng của sông Mekong, được tạo thành do phù sa của sông Mekong bồi đắp. Với diện tích 40.572 km2, dân số khoảng 18 triệu, ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, 5% diện tích lưu vực. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn và năng động nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia. Là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu (Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, NQ 120/NQ-CP-2017); có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng Mekong. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện đang chịu sức ép nặng nề nhất từ các hoạt động phát triển, đặc biệt là từ các đập thủy điện trên sông Mekong và biến đổi khí hậu. Điều này khiến ĐBSCL không chỉ đối mặt với đe dọa sức sản xuất lúa gạo (đe dọa an ninh lương thực) mà còn đe dọa phá vỡ kết cấu xã hội, truyền thống văn hóa của cả một cộng đồng vùng miền Tây sông nước đã xây dựng hàng trăm năm nay.

An Giang là tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, một phần nằm trong tứ giác Long Xuyên. Với lợi thế nằm ở cửa khẩu có đường biên giới giáp Campuchia, An Giang là trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn: Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Phnompenh, là cửa ngõ giao thương lâu đời giữa vùng ĐBSCL, Tp. Hồ Chí Minh với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Phía tây bắc của An Giang giáp Campuchia (104 km), phía tây nam giáp Kiên Giang (69,789 km), phía nam giáp thành phố Cần Thơ (44,734 km), phía đông giáp Đồng Tháp (107,628 km). Trong năm có 2 mùa chính: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Với 2 dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi. Vùng đồng bằng nằm ở phía nam và phía đông; vùng đồi núi tập trung ở phía Tây Bắc, thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn – giáp biên giới Campuchia.

Là tỉnh đầu tiên đón dòng chảy của sông Mekong đổ vào Việt Nam từ Campuchia nên một phần diện tích tự nhiên của An Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt và hạn hán. Với dân số 2.253.863 người - là tỉnh đông dân nhất ĐBSCL, đứng thứ 4 về diện tích (3.536,8 ha sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An), gồm 9 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố với 154 xã, phường, thị trấn. Sinh kế của phần lớn người dân trước năm 2000 là nghề chài lưới – đánh bắt cá tự nhiên vào mùa lũ, trồng lúa vào mùa khô, trong đó đánh bắt cá cho thu nhập chính, sau mới đến thu nhập từ lúa. Cả 2 nghề này đều rất dễ bị tổn thương, đặc biệt từ khi các đập thủy điện, hồ chứa trên sông Mekong đi vào vận hành và biến đổi khí hậu ngày càng có diễn biến phức tạp. Từ sau năm 2000, lũ theo mùa về ĐBSCL giảm mạnh, tác động không nhỏ đến sinh kế của người dân. Đặc biệt, từ sau năm 2010, sự thay đổi mạnh mẽ của chế độ thủy văn, dòng chảy làm đảo lộn sinh kế của người dân, “miền tây sông nước” trở thành “miền tây khát nước”. Sinh kế chính của phần lớn người dân từ bao đời nay phải từ bỏ, nghề trồng lúa cũng đối mặt với nhiều khó khăn do đồng ruộng thiếu phù sa, đất đai cằn cỗi, nhiều sâu bệnh dịch hại, năng suất và chất lượng sản phẩm giảm, đầu ra bấp bênh. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở gia tăng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, trong khi dân số không ngừng tăng. Thực tế này đã, đang và sẽ gây tác động rất nghiêm trọng đến đời sống sinh kế của nông hộ. Thêm vào đó, kiến thức của nhân dân về ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ các hoạt động của đập thủy điện hay của biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế trong khi đây là cơ sở quan trọng để lựa chọn sinh kế bền vững.

Theo một số chuyên gia về tài nguyên nước của Việt Nam: Nếu so năm 1992 và năm 2014, tải lượng phù sa mịn ở sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa, còn 42 triệu tấn, tức ¼ lượng cũ trước năm 1992 và 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị giữ lại.[1] Khi đó, sạt lở ở ĐBSCL sẽ diễn ra dữ dội hơn và khó có biện pháp tại chỗ nào, công trình hay phi công trình có thể làm chậm lại được quá trình sụt lún, xâm nhập mặn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và sinh kế của gần 18 triệu dân ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể nói, hệ thống thủy điện trên sông Mekong từ hơn chục năm trở lại đây luôn là tâm điểm gây đau đầu giới chức lãnh đạo Ủy hội sông Mekong, là mối đe dọa an ninh các quốc gia vùng hạ lưu. Việc xây dựng hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong đã làm hạn chế lượng nước và thay đổi dòng chảy, chặn dòng phù sa, dòng di cư của cá, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến quyền phát triển của cư dân các quốc gia ở lưu vực, đặc biệt là 18 triệu cư dân ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuộc khảo sát ở An Giang cho thấy có khoảng 50% người dân biết về các đập thủy điện ở thượng nguồn. Trong số đó, khoảng 75% đồng ý rằng các đập đã tác động tiêu cực đến môi trường họ sinh sống và chỉ có khoảng 17% cho rằng không có tác động từ các công trình đập thủy điện. Khoảng 68% số người được hỏi cho rằng thời tiết đã thay đổi thường xuyên hơn và khắc nghiệt trong 10 năm gần đây. Hơn nữa, phần lớn trong số họ đã đề cập rằng điều kiện môi trường kém hơn so với quá khứ vì hệ sinh thái của sông bị thay đổi. Cụ thể 85,7% số người được hỏi đồng ý rằng các đập thủy điện làm cho tình trạng thiếu nước dẫn đến nguồn cá tự nhiên và nước giảm đáng kể cả về số lượng và chất lượng, 77,5% người trả lời đồng ý rằng các đập thủy điện dẫn đến đất kém màu mỡ, 74% đồng ý rằng đập thủy điện tăng lên đầu tư tài chính vào nông nghiệp, 66,7% đồng ý rằng đập thủy điện dẫn đến tăng công lao động, 63,5% đồng ý các đập thủy điện dẫn đến số lượng nông sản ít hơn, 61,5% số người được hỏi đồng ý rằng các đập thủy điện làm thiếu nước dẫn đến chất lượng nông sản kém hơn . Tỷ lệ thiệt hại của đất và nước ở mức cao nhất tương ứng là 85,7% và 77,5% cho thấy rằng tác động là rất lớn vì cả nước và đất là nguồn lực thiết yếu để sản xuất thực phẩm của cộng đồng. Những thiệt hại của chúng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trong khu vực.

 

 


[1] Hà Phương: Hàng trăm thuỷ điện thượng nguồn Mekong đe dọa ĐBSCL. https://news.zing.vn/hang-tram-thuy-dien-thuong-nguon-mekong-de-doa-dbscl-post830099.html