Bất bình đẳng giới tại Lào Cai

07/04/2020

Bt bình đng gii ti Lào Cai[1]

 

Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Lào Cai nói riêng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất bình đẳng giới và biến đổi khí hậu, phụ nữ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, là kết quả của khuôn mẫu về giới, làm tăng gánh nặng lên họ. Trong khi nam giới được chủ động hơn trong việc di chuyển, ứng phó, tìm kiếm các cơ hội việc làm được trả công ở cả tại địa phương hoặc những địa phương khác, công việc của người phụ nữ bị gắn với trách nghiệm gia đình như nội trợ hay chăm sóc gia đình, con cái. Một mặt, điều này làm tăng khối lượng thời gian và công việc người phụ nữ phải làm trong gia đình (không thu nhập). Mặt khác, nó cũng làm người phụ nữ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc làm nông nghiệp trong gia đình như làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi quanh nhà (với nguồn thu nhập không đáng kể) do thời gian người phụ nữ đảm nhiệm công việc đồng áng (lao động trực tiếp trên đồng ruộng hàng ngày nhiều hơn nam giới) và chịu các áp lực từ thời tiết cực đoan.

Hơn nữa, khả năng của phụ nữ tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập trong nông nghiệp cũng bị giới hạn khi quyền sở hữu của họ đối với vốn vật chất (đất, tài chính) bị hạn chế và vốn nhân lực hạn hẹp (phụ nữ thường là lao động không có kĩ thuật, là lao động phụ hoặc bổ sung cho lao động nam trong khi lao động nam phải đi làm ăn xa). Thêm vào đó, vai trò ra quyết định của phụ nữ trong các quá trình ra quyết định (bao gồm các quyết định quan trọng, các quyết định liên quan đến thích ứng hay thay đổi sinh kế) trong gia đình và trong các tổ chức xã hội, hay cơ quan thường không nhiều do không phải là chủ hộ, không làm việc trong các vị trí lãnh đạo cũng như việc tiếp cận đất đai và các cơ hội đào tạo vẫn còn hạn chế. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng do sự bất bình đẳng giới hiện nay, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên phụ nữ nhiều hơn nam giới. Mức độ bất bình đẳng giới và tác động của biến đổi khí hậu (trong nông nghiệp) tới phụ nữ có mối tương quan chặt chẽ với nhau.

1.      Bt bình đng trong phân công lao đng xã hi

Vai trò của nam giới và phụ nữ được xác định rõ ràng. Trong nông nghiệp, đàn ông chỉ làm các công việc như kiểm soát dịch hại theo mùa, dự báo thời tiết trong khi phụ nữ làm tất cả các công việc chăm sóc ban ngày như làm cỏ, bón phân và chăm sóc cây. Thói quen hàng ngày của một người phụ nữ và thời gian của họ cũng gắn liền với nông nghiệp hơn nam giới. Họ làm tất cả mọi thứ từ việc trồng rau, chăn nuôi lợn và các công việc nhà khác cùng một lúc để giúp nam giới tập trung vào các hoạt động khác hoặc việc làm phi nông nghiệp. Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của hộ gia đình, trong khi người chồng và con cái chỉ giúp đỡ thêm khi phụ nữ không có ở nhà. Kết quả từ các cuộc thảo luận nhóm tập trung cũng xác nhận rằng phụ nữ chủ yếu chịu trách nhiệm nuôi con và tốn rất nhiều thời gian cho gia đình. Ngoài ra, một số phụ nữ cũng nói rằng công việc của họ ít có giá trị hơn so với công việc của nam giới.

Trong nhiều hộ gia đình, trong khi đàn ông tập trung nhiều hơn vào công việc bên ngoài, vai trò chính của phụ nữ là chăm sóc gia đình, sự tham gia của họ vào các hoạt động xã hội, chính trị thường không được bố mẹ chồng khuyến khích và hầu hết phụ nữ không có nhiều thời gian tham gia. Sự phân bố khối lượng công việc giữa nam và nữ thường hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ trong giáo dục chính thức và phát triển nghề nghiệp. Theo cán bộ của Hội Phụ nữ ở cả ba xã được nghiên cứu, phụ nữ có xu hướng bỏ học sớm hơn nam giới, giảm cơ hội tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập và quy trình ra quyết định ở cấp cơ sở và cộng đồng. Phụ nữ được phỏng vấn đều trồng rau hoặc nuôi gia cầm trong nhà. Phụ nữ nói rằng những hoạt động này là nguồn cung cấp thực phẩm cho gia đình và họ cũng có thể bán những sản phẩm này cho thị trường địa phương để tăng thu nhập. Một số phụ nữ khác cố gắng tìm việc làm nơi khác như lao động làm thuê, nhưng đàn ông vẫn có tính di động cao hơn phụ nữ trong việc tìm kiếm việc làm.

2.      Bt bình đng trong tiếp cn các ngun lc

Khoảng cách về giới là đáng kể trong việc tiếp cận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bằng chứng từ các cuộc điều tra PAPI của công dân trong năm 2016 cho thấy, trong số những người có GCN QSDĐ, 13% nam giới có tên được ghi trên GCN QSDĐ cao hơn phụ nữ. Hơn nữa, khoảng cách này có xu hướng cao hơn tại khu vực nông thôn khi mà tỉ lệ này ở nông thôn là 19% và thành thị là 5.8%. Chính phủ cũng đã nỗ lực để giải quyết khoảng cách giới tính này. Theo đó, Điều 48 của Luật Đất đai năm 2003 yêu cầu cả tên vợ và chồng được đưa vào GCN QSDĐ khi quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả hai. Quy định này được quy định tại Điều 98 trong Luật Đất đai 2013.[2] Mục đích của Điều này là bảo vệ quyền phụ nữ và bảo đảm quyền sở hữu trong trường hợp người chồng chết, ly hôn, thừa kế, tranh chấp, vv cũng như cho phép phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các quyết định kinh tế hộ gia đình và sản xuất. Tuy nhiên, phụ nữ dân tộc thiểu số đặc biệt chịu những tình huống bấp bênh và vi phạm quyền tiếp cận đất đai.

Về quyền sở hữu đất nông nghiệp trong gia đình, trong nghiên cứu này đa số người chồng sở hữu hoàn toàn chiếm 62%, tiếp theo là sở hữu của cả vợ và chồng chiếm 30% và chỉ có một số ít phụ nữ sở hữu đất chiếm 8% tức là thấp hơn mức trung bình của cả nước tính đến năm 2016. Tất cả các hộ gia đình trên địa bàn nghiên cứu đều có đất để trồng trọt, chăn nuôi, và người chủ sở hữu nhà cửa và đất đai nói chung là nam giới, ngoại trừ hai trường hợp phụ nữ thừa hưởng tài sản đó từ cha mẹ sau khi họ qua đời. Không phải tất cả các gia đình đều có tên vợ và chồng trên sổ đỏ (giấy chứng nhận đất đai).  “Sổ đỏ ở nhà không có tên chị. Cũng không nghe thấy ai nói bảo là phải cho cả tên của chị vào” (chị Tần Mùi Lai, dân tộc Dao đỏ). Vì vậy, trong những gia đình đó, phụ nữ ít được trao quyền hơn. Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi phụ nữ là những người tạo thu nhập chính, họ không được coi là chủ sở hữu tài sản bởi vì thường thì đàn ông đứng tên trong “sổ đỏ” và họ luôn là người đưa ra những quyết định quan trọng hay chi tiêu lớn trong gia đình.

Tham dự các cuộc họp thôn hoặc xã thường được coi là nhiệm vụ của đàn ông-chủ hộ gia đình. Do vậy, phụ nữ có xu hướng chỉ đi đến các cuộc họp hay hội thảo tập huấn về nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu khi đàn ông bận rộn hoặc vắng mặt. Phụ nữ cũng rất ít tham dự các khóa đào tạo kỹ thuật trong nông nghiệp, chủ yếu là nam giới, bởi vì nam giới thường là chủ hộ, là đại diện của gia đình.“Một lớp tập huấn nông dân nuôi cá chép có chỉ tiêu 25 nông dân thì chỉ có 5 học viên là nữ”(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lưu Trọng Dương-nam). Do vậy, phụ nữ cần được trao nhiều cơ hội hơn để tham gia các khóa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng hoặc các cuộc họp địa phương để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hoạt động nông nghiệp.Tương tự như vậy mặc dù phụ nữ là người trực tiếp lao động sản xuất tạo ra lương thực cho gia đình và xã hội, trong những lễ khen thưởng hộ nông dân tiêu biểu, xuất sắc thì chỉ có nam giới tham gia và được trao thưởng vì họ là chủ hộ gia đình. “Trong khi lao động trong nông nghiệp chủ yếu vẫn là công việc của người phụ nữ, phụ nữ dành nhiều thời gian hơn và đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi hàng ngày-một yếu tố quyết định thành công trong nông nghiệp nhưng công việc của phụ nữ không được đánh giá cao như nam giới”(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lưu Trọng Dương-nam).

3.      Bt bình đng trong phân chia quyn lc

Quan hệ quyền lực giữa nam giới và phụ nữ được phân chia rõ ràng. Đàn ông vẫn có nhiều quyền lực hơn trong việc ra quyết định trong các vấn đề tổng thể. Đàn ông sẽ quyết định các vấn đề lớn trong gia đình trong khi phụ nữ là người quản lý chi tiêu hộ gia đình và làm công việc nhà. Tuy nhiên, trong gia đình đàn ông và phụ nữ thường thảo luận về các vấn đề quan trọng với nhau nhưng những người ra quyết định cuối cùng vẫn là nam giới. Đàn ông cũng có nhiều cơ hội tham dự các cuộc họp tại địa phương, lớp kỹ thuật nông nghiệp, lễ tuyên dương, khen thưởng về nông nghiệp vì họ thường là chủ hộ trong khi phụ nữ phải dành nhiều thời gian hơn và công sức hơn để sản xuất, chăn nuôi.

Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội, các cấp chính quyền địa phương, các vấn đề chính sách nông nghiệp vẫn còn hạn chế và công việc của họ trong các cơ quan, tổ chức liên quan đến hậu cần nhiều hơn là quản lý hoặc lãnh đạo. Phụ nữ có xu hướng không tham gia vào quá trình ra quyết định. Do đó, trong trường hợp mất an ninh lương thực và trong chính sách biến đổi khí hậu, phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn và tiếng nói của họ ít được lắng nghe hơn nam giới.

Nhìn chung, phụ nữ trong các hộ gia đình thường có trách nghiệm đảm bảo an ninh lương thực cho cả gia đình. Tuy nhiên, có thể nói rằng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo còn rất hạn chế trong việc đưa ra chiến lược ứng phó. Họ thiếu thốn về mọi mặt cả quyền tiếp cận lẫn quyền kiểm soát đất đai, tiếp cận đào tạo kĩ thuật, vai trò trong quá trình ra quyết định cũng như hạn chế trong việc đi lại vì hầu hết các hoạt động chỉ ở quanh nhà. Do vậy, việc tiếp cận các nguồn lực là chìa khóa trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định cũng như đảm bảo quyền về lương thực của họ và gia đình.

Khuyến nghị chính sách và kết luận

Để tăng cường việc tiếp cận cho phụ nữ tại Lào Cai về giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, tập huấn. Thứ nhất, cần hỗ trợ hệ thống giáo dục nhạy cảm về giới để loại trừ các khuôn mẫu giới và phân biệt đối xử ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới. Thứ hai, cần nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và cung cấp giáo dục có chất lượng tốt hơn cho các trẻ em gái và phụ nữ. Thứ ba, cần thay thế các mô hình đào tạo nghề phân biệt về giới và chú trọng đào tạo dài hạn, nâng cao, kỹ thuật trong nông nghiệp cho phụ nữ thay vì các kĩ năng lao động chân tay đơn thuần.

Để nâng cao hiệu quả của các chính sách an ninh lương thực nhằm tăng cường quyền thực phẩm đối với phụ nữ, cần đảm bảo các quan điểm của phụ nữ tại Lào Cai được xem xét và họ tham gia vào việc thiết kế, thực hiện, theo dõi và đánh giá các chính sách và hoạt động phát triển nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương. Các chương trình về phát triển nông thôn, tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo nên kết hợp đánh giá giới như là một hợp phần của đánh giá giữa kỳ và hàng năm để đảm bảo giám sát thường xuyên và đánh giá tác động đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Để nâng cao việc tiếp cận, kiểm soát tài nguyên và dịch vụ sản xuất cho phụ nữ, thứ nhất cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn cụ thể để thúc đẩy các kỹ năng kinh tế của phụ nữ. Ngành ngân hàng và tài chính chính thức cần được tham gia để phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính dựa trên nhu cầu chuyên biệt cho phụ nữ. Thứ hai, cần đầu tư vào việc tăng cường năng lực của phụ nữ với các kỹ năng để thực hiện nông nghiệp thông minh với khí hậu, với kiến thức về biến đổi khí hậu và cây trồng cũng như tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng. Thứ ba, cần thực hiện các chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông và thay đổi hành vi để phụ nữ hiểu quyền sử dụng đất của họ và đăng ký quyền sở hữu đất với tên của họ.

Để nâng cao việc tham gia và đóng vai trò trong quá trình ra quyết định của phụ nữ, thứ nhất cần loại bỏ những hạn chế về văn hóa xã hội đối với sự tham gia của phụ nữ trong việc ra quyết định thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức bình đẳng giới. Thứ hai, cần thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của phụ nữ với tư các là các thành viên và các nhà lãnh đạo của các cơ quan ra quyết định liên quan đến các chính sách, dự án và của các tổ chức sản xuất. Thứ ba, cần hỗ trợ đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa các đối tác chính, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp, thảo luận những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt và cách các nhà hoạch định chính sách có thể triển khai chương trình nghị sự của phụ nữ.

Chính phủ nên thiết lập chiến lược quốc gia để triển khai quyền về lương thực. Chiến lược quốc gia này nên thiết lập các cơ chế thích hợp trước hết sử dụng các hệ thống giám sát để xác định các mối đe dọa về quyền lương thực. Thứ hai, cần cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành ở cấp quốc gia, và địa phương. Thứ ba, cải thiện trách nhiệm giải trình, phân bổ rõ ràng trách nhiệm và khung thời gian để thực hiện quyền lương thực, và cuối cùng đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người dân bao gồm phụ nữ trong khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất do mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Tài liệu tham khảo

 

[1]    Beckman, M. (2011),“Converging and Conflicting Interests in Adaptation to Environmental Change in Central Vietnam”, Climate and Development, Vol. 3,No. 1, pp.32-41.

[2]   Cuong, N.V., Tung, P.D. and Westbrook, D. (2015), “Do the Poorest Ethnic Minorities Benefit from a Large-scale Poverty Reduction Program? Evidence from Vietnam”, The Quarterly Review of Economics and Finance, No. 56, pp.3-14.

[3]   Few, R. and Tran, P.G. (2010),“Climatic Hazards, Health Risk and Response in Vietnam: Case Studies on Social Dimensions of Vulnerability”, Global Environmental Change, Vol. 20, No. 3, pp.529-538.

[4]   General Statistics Office of Vietnam (2010), Result of the Vietnam Household Living Standards Survey 2010, Central Population and Housing Census Steering Committee, Hanoi.

[5]   Government of Vietnam (2008), Decision No. 158/2008/QD-TTg dated 2 December 2008 on Approval of the National Target Program to Respond to Climate Change, Hanoi.

[6]   Kyeyune, V. and Turner, S. (2016),“Yielding to High Yields? Critiquing Food Security Definitions and Policy Implications for Ethnic Minority Livelihoods in Upland Vietnam”, Geoforum, No. 71, pp.33-43

[7]  Leisz, S.J., Nguyen Thi Thu Ha, Nguyen Thi Bich Yen, Nguyen Thanh Lam, Tran DucVien(2004),“Developing a Methodology for Identifying, Mapping and Potentially Monitoring the Distribution of General Farming System Types in Vietnam’s Northern Mountain Region”, Agricultural Systems, No. 85, pp. 340–363.

[8]  Minot N., Epprecht M., Tran Thi Tram Anh, Le Quang Trung (2006), Income Diversification and Poverty in the Northern Uplands of Vietnam, International Food Policy Research Institute (IFPRI), Washington D.C.

[9]  Ministry of Natural Resources and Environment (2012), Climate Change Scenarios and Sea Level Rise for Vietnam, Vietnam Publishing House of Natural Resources, Environment and Cartography, Hanoi.

[10]  Pandey, S., N.T.Khiem, Waibel, H., T.C. Thien (2006),Upland Rice, Household Food Security, and Commercialisation of Upland Agriculture in Vietnam, International Rice Research Institute, Manila, Phillipines.

[11]  Pham, P., Doneys, P. and Doane, D.L. (2016), “Changing Livelihoods, Gender Roles and Gender Hierarchies: The Impact of Climate, Regulatory and Socio-economic Changes on Women and Men in a Co Tu Community in Vietnam”,Women's Studies International Forum, No. 54, pp. 48-56.

[12] Socialist Republic of Vietnam (2010),The 2009 Vietnam Population and Housing Census: Completed Results, Central Population and Housing Census Steering Committee, Hanoi.

[13] Tugault-Lafleur, C., Turner, S., (2010),“Of Rice and Spice: Hmong Livelihood and Diversification in the Northern Vietnam Uplands”, In: Michaud, J., Forsyth, T. (Eds.), Moving Mountains: Highland Livelihoods and ethnicity in China, Vietnam and Laos, University of British Columbia Press, Vancouver, pp. 100– 122.

[14]  VHLSS (2008),Vietnam Household Living Standard Survey

[15] Vuong Duy Quang (2004),“The Hmong and forest management in northern Vietnam’s mountainous areas”, In: Tapp, N., Michaud, J., Culas, C., Lee, G.Y. (Eds.), HmongMiao in Asia, Silkworm Books, Chiang Mai, Thailand, pp. 321–331.

[16]  World Bank (2009),“Country Social Analysis: Ethnicity and Development in Vietnam – Main Report”, In: Country Social Analysis (CSA), Washington, D.C.

[17]    World Bank (2011),Viet Nam Country Gender Assessment

[18]  World Bank (2012),Well Begun, Not Yet Done: Vietnam’s Remarkable Progress on Poverty Reduction and the Emerging Challenges, Washington, D.C.

 

 

 

 

 



[1] Từ kết quả nghiên cứu thực hiện tại Lào Cai, Việt Nam, do quỹ SHAPE-SEA tài trợ, năm 2017-2018.

[2] Theo Điều 98, Luật Đất đai năm 2013, “Trong trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khác, hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khác là tài sản chung của vợ chồng, họ tên của cả vợ và chồng phải ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khác, trừ khi vợ chồng đồng ý ghi họ tên của một người.