Bạo lực với phụ nữ chỉ gần đây mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là sự vi phạm quyền con người cơ bản của phụ nữ, đe dọa đến việc phát triển những năng lực cơ bản của họ. Nó đã tồn tại qua nhiều thế hệ với những hành vi bạo lực trong gia đình và cả ngoài gia đình, là trở ngại đáng kể đối với sự phát triển con người bền vững.
Một chặng đường dài lịch sử cho thấy sự định kiến của nam giới được thể chế hóa trong luật pháp và chính sách, nó ngăn chặn nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới và mối quan hệ quyền lực gia trưởng được coi là hiển nhiên trong gia đình. Hành động của các tổ chức phụ nữ trên khắp thế giới cần đưa vấn đề thành chương trình nghị sự quốc tế và phải duy trì các chương trình đó.
Năm 2000, Tuyên bố Thiên niên kỷ được 189 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới thông qua, trong đó có cam kết “chống lại tất cả các dạng bạo lực đối với phụ nữ”. Một cuộc khảo sát toàn cầu do Hiệp hội Quyền Phụ nữ trong Phát triển thực hiện đã khảo sát 1.119 tổ chức phụ nữ ở hơn 140 quốc gia đã xác nhận chống bạo lực trên cơ sở giới/bạo lực đối với phụ nữ là ưu tiên số một cho Chương trình nghị sự sau năm 2015 khi kết thúc Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Báo cáo năm 2012 về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho thấy sự tồn tại dai dẳng của vấn đề bạo lực với phụ nữ, nó đã hủy hoại sự tiến bộ về tất cả mọi mặt của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời cũng cho thấy tác động xấu của nó đến khả năng đóng góp của phụ nữ cũng như những lợi ích phụ nữ đáng được hưởng từ quá trình phát triển.
Mặc dù Chương trình nghị sự hậu 2015 cam kết loại trừ bạo lực đối với phụ nữ, tuy nhiên, kinh nghiệm quá khứ cho thấy việc chuyển những cam kết về mặt chính sách thành những giải pháp thực tế không phải đơn giản và những giải pháp thực tế có thể mang lại những kết quả ngoài mong đợi. Khi thảo luận về các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết các hình thức bạo lực, không có bất cứ giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được tất cả các hình thức bạo lực. Những tiêu chí cực đoan, niềm tin và thực tế dựa trên quyền lực gia trưởng đã khiến các tổ chức khác nhau (cả công và tư) chú ý, có nghĩa rằng bất kỳ nỗ lực nào để giải quyết vấn đề bạo lực phải được dựa trên nhiều cách thức giải quyết khác nhau và trên cơ sở toàn diện. Thực tế cho thấy rằng cần ủng hộ mạnh mẽ các tổ chức phụ nữ để họ nhận thức được vai trò của mình trong việc đưa vấn đề bạo lực giới lên ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự quốc tế, coi đó như là vấn đề sống còn.
Một bài học quan trọng từ những thập kỷ trước: khi các tổ chức phụ nữ đặt vấn đề bạo lực vào các chương trình nghị sự công, sẽ không có khả năng đạt được mục tiêu loại trừ vấn đề bạo lực đối với phụ nữ nếu không có sự ủng hộ tích cực từ phía nam giới. Để thay đổi tận gốc của vấn đề, cả nam giới và phụ nữ cần tham gia vào quá trình chuyển đổi mối quan hệ bất bình đẳng giới. Nam giới và trẻ em trai phải học hỏi nhiều hơn nữa, giống như phụ nữ và trẻ em gái về vai trò giới của mình, vì vậy họ phải thích nghi với những vai trò đa dạng khác nhau, cả những quy tắc hiện tại cũng như những thách thức từ những quy tắc đó. Không phải các cách tiếp cận nói trên có khả năng thay đổi được tất cả nhưng chúng cũng đã cung cấp những gợi ý cơ bản cho các chương trình chung có thể mang lại nhiều bài học và sự tiến bộ theo thời gian.
Bạo lực với phụ nữ gây ra hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và năng lực của phụ nữ, khiến họ phải hứng chịu những mất mát đáng kể về mặt kinh tế. Kết thúc bạo lực với phụ nữ là một thành tố quan trọng của bất kỳ chương trình phát triển con người bền vững nào và là một ưu tiên cơ bản của Chương trình Phát triển Hậu Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Quỳnh Anh
Tài liệu tham khảo:
Naila Kabeer. Violence against women as “relational” vulnerability: Engendering the Sustainable Human Development Agenda. 2014 UNDP Human Development Report Office. Occational Paper.